Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2013

Lễ tết



Lễ tết
Một năm, người Việt có Tết Nguyên Ðán (đúng mồng một tháng giêng âm lịch) là ngày tết lớn nhất, ngoài ra còn có rất nhiều lễ, tết đặc trưng khác.

Tết Nguyên đán
Tết Nguyên đán (Tết Cả) là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống Việt Nam từ hàng ngàn đời nay, là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới; giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây. Tết Nguyên đán Việt Nam từ buổi "khai thiên lập địa" đã tiềm tàng những giá trị nhân văn thể hiện mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, vũ trụ qua bốn mùa xuân-hạ-thu-đông và quan niệm "ơn trời mưa nắng phải thì" chân chất của người nông dân cày cấy ở Việt Nam... Tết còn là dịp để mọi người Việt Nam tưởng nhớ, tri âm tổ tiên, nguồn cội; giao cảm nhân sinh trong quan hệ đạo lý (ăn quả nhớ kẻ trồng cây) và tình nghĩa xóm làng...

Giao thừa
Lẽ trời đất có khởi thuỷ phải có tận cùng, một năm có bắt đầu ắt phải có kết thúc, bắt đầu vào lúc giao thừa, cũng lại kết thúc vào lúc giao thừa.
Giao thừa là gì? Theo từ điển Hán Việt của Ðào Duy Anh nghĩa là cũ giao lại, mới đón lấy.Chính vì ý nghĩa ấy, nên hàng năm vào lúc giao tiếp giữa hai năm cũ, mới này, có lễ trừ tịch

* Lễ trừ tịch
Trừ tịch là giờ phút cuối cùng của năm cũ sắp bắt đầu qua năm mới. Vào lúc này, dân chúng Việt Nam theo cổ lệ có làm lễ Trừ tịch. Ý nghĩa của lễ này là đem bỏ hết đi những điều xấu của năm cũ sắp qua để đón những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến. Lễ trừ tịch còn là lễ để "khu trừ ma quỷ", do đó có từ "trừ tịch". Lễ trừ tịch cử hành vào lúc giao thừa nên còn mang tên là lễ giao thừa.
* Sửa lễ giao thừa
Người ta cúng giao thừa tại các đình, miếu, các văn chỉ trong xóm cũng như tại các tư gia. Bàn thờ giao thừa được thiết lập ở giữa trời. Một chiếc hương án được kê ra, trên có bình hương, hai ngọn đèn dầu hoặc hai ngọn nến. Lễ vật gồm: chiếc thủ lợn hoặc con gà, bánh chưng, mứt kẹo, trầu cau, hoa quả, rượu nước và vàng mã, đôi khi có thêm chiếc mũ của Ðại Vương hành khiển.
Ðến giờ phút trừ tịch, chuông trống vang lên, người chủ ra khấu lễ, rồi mọi người kế đó lễ theo, thành tâm cầu xin vị tân vương hành khiển phù hộ độ trì cho một năm nhiều may mắn. Các chùa chiền cũng cúng giao thừa nhưng lễ vật là đồ chay. Ngày nay, ở các tư gia người ta vẫn cúng giao thừa với sự thành kính như xưa  nhưng bàn thờ thì giản tiện hơn, thường đặt ở ngoài sân hay trước cửa nhà.
Cúng ai trong lễ giao thừa và tại sao cúng giao thừa ngoài trời
Dân tộc nào cũng coi phút giao thừa là thiêng liêng. Tục ta tin rằng mỗi năm có một ông hành khiển coi việc nhân gian, hết năm thì thần nọ bàn giao công việc cho thần kia, cho nên cúng tế để tiễn ông cũ và đón ông mới. Các cụ quan niệm: Mỗi năm Thiên đình lại thay toàn bộ quan quân trông nom công việc dưới hạ giới, đứng đầu là một ngài có trí như quan toàn quyền. Năm nào quan toàn quyền giỏi giang anh minh, liêm khiết thì hạ giới được nhờ như: được mùa, ít thiên tai, không có chiến tranh, bệnh tật... Trái lại, gặp phải ông lười biếng, kém cỏi, tham lam thì hạ giới chịu mọi thứ khổ.
Lễ giao thừa được cúng ở ngoài trời là bởi vì các cụ xưa hình dung trong phút cựu vương hành khiển bàn giao công việc cho tân vương luôn có quân đi, quân về đầy không trung tấp nập, vội vã (nhưng mắt trần ta không nhìn thấy được), thậm chí có quan quân còn chưa kịp ăn uống gì. Những phút ấy, các gia đình đưa xôi gà, bánh trái, hoa quả, toàn đồ ăn nguội ra ngoài trời cúng, với lòng thành tiễn đưa người nhà trời đã cai quản mình năm cũ và đón người nhà trời mới xuống làm nhiệm vụ cai quản hạ giới năm tới. Vì việc bàn giao, tiếp quản công việc hết sức khẩn trương nên các vị không thể vào trong nhà khề khà mâm bát mà chỉ có thể dừng vài giây ăn vội vàng hoặc mang theo, thậm chí chỉ chứng kiến lòng thành của chủ nhà.
* Lễ cúng Thổ Công
Sau khi cúng giao thừa xong, các gia chủ cũng khấn Thổ Công, tức là vị thần cai quản trong nhà. Lễ vật cũng tương tự như lễ cúng giao thừa.

Một số tục lệ trong đêm giao thừa
Sau khi làm lễ giao thừa, các cụ ta có những tục lệ riêng mà cho đến nay, từ thôn quê đến thành thị, vẫn còn nhiều người tôn trọng thực hiện.
Lễ chùa, đình, đền: lễ giao thừa ở nhà xong, người ta kéo nhau đi lễ các đình, chùa, miếu, điện để cầu phúc, cầu may, để xin Phật, Thần phù hộ độ trì cho bản thân và gia đình và nhân dịp này người ta thường xin quẻ thẻ đầu năm.
Kén hướng xuất hành: khi đi lễ, người ta kén giờ và hướng xuất hành, đi đúng hướng đúng giờ để gặp may mắn quanh năm. 
Hái lộc: đi lễ đình, chùa, miếu, điện xong người ta có tục hái trước cửa đình, cửa đền một cành cây  gọi là cành lộc mang về ngụ ý là "lấy lộc" của Trời đất Thần, Phật ban cho. Cành lộc này được mang về cắm trước bàn thờ cho đến khi tàn khô.
Hương lộc: có nhiều người thay vì hái cành lộc lại xin lộc tại các đình, đền, chùa, miếu bằng cách đốt một nắm hương, đứng khấn vái trước bàn thờ, rồi mang hương đó về cắm vào bình hương bàn thờ nhà mình.Ngọn lửa tượng trưng cho sự phát đạt được lấy từ nơi thờ tự về tức là xin Phật, Thánh phù hộ cho được phát đạt quanh năm.
Xông nhà: thường người ta kén một người "dễ vía" trong gia đình ra đi từ trước giờ trừ tịch, rồi sau lễ trừ tịch thì  xin hương lộc hoặc hái cành lộc ở đình chùa mang về. Lúc trở về đã sang năm mới và ngưòi này sẽ tự "xông nhà" cho gia đình mình, mang sự tốt đẹp quanh năm về cho gia đình. Nếu không có người nhà dễ vía người ta phải nhờ người khác tốt vía để sớm ngày mồng một đến xông nhà trước khi có khách tới chúc tết, để người này đem lại sự may mắn dễ dãi.

Một số lễ đầu xuân
Lễ Ðộng thổ
Lễ Ðộng thổ bắt đầu ở Trung Quốc sau truyền sang Việt Nam. Ðộng thổ nghĩa là động đất, và trong khi động đất phải có lễ cúng Thổ Thần để trình xin bắt đầu động đến đất cho một năm mới.
Hàng năm, sau ngày mồng ba tết, các làng thường làm lễ Ðộng thổ để cho dân làng có thể đào cuốc xới được. Các bậc kỳ lão và quan viên được cử làm chủ tế và bồi tế. Lễ vật gồm hương đăng, trầu rượu, y phục và kim ngân đồ mã. Trong buổi lễ, ông chủ tế cuốc mấy nhát xuống đất để lấy một cục đất đặt lên bàn thờ, "tường trình" với Thổ Thần xin cho dân được động thổ. Sau lễ động thổ dân làng mới được động tới đất. Ai cuốc xới trước lễ động thổ bị dân làng bắt vạ.  
Lễ Khai hạ
Theo tục lệ Việt Nam, ngày mồng bảy tháng giêng là ngày hạ cây nêu. Cây nêu trồng trong năm, khi sửa soạn đón tết cùng với cung tên bằng vôi trắng vẽ trước cửa nhà để "trừ ma quỷ", nay được hạ xuống.
Lễ hạ nêu còn được gọi là lễ Khai hạ. Nhân dịp này, ngoài lễ giữa trời cúng trời đất, người ta còn sửa lễ cúng Gia tiên, cúng Thổ côngvà thần tài. Thường sau ngày lễ này, mọi công việc thường xuyên mới được bắt đầu trở lại.
Lễ Thần Nông
Thần Nông tức là vị hoàng đế Trung Hoa đầu tiên đã dạy dân nghề làm ruộng. Lễ Thần Nông tức là lễ tế vua Thần Nông để cầu mong sự được mùa và nghề nông phát đạt.
Trên các quyển lịch hàng năm của người Trung Hoa thường có vẽ một mục đồng dắt một con trâu. Mục đồng tức là vua Thần Nông, còn con trâu tượng trưng cho nghề nông. Hình mục đồng cũng như con trâu thay đổi hàng năm tuỳ theo sự ước đoán của cơ sở dự báo khí tượng về mùa màng năm đó tốt hay xấu. Năm nào được mùa, Thần Nông giầy dép chỉnh tề, còn năm nào đói kém, Thần Nông có vẻ như vội vàng hấp tấp nên chỉ đi giày có một chân. Con trâu đổi màu tuỳ theo hành của mỗi năm, vàng, đen, trắng, xanh, đỏ đúng với Kim, Mộc, Thuỷ, Hỏa, Thổ. Hàng năm, vào ngày Lập xuân tại triều đình xưa cũng như tại các tỉnh có tục tế và rước Thần Nông. Người ta nặn trâu và tượng Thần Nông có dáng vẻ và màu sắc đúng với sự ước lượng về mùa màng năm đó. Sau đó lập đài để rước trâu và tượng Thần Nông tới làm lễ tế. Sau mỗi cuộc tế, trâu và tượng Thần Nông được khiêng cất vào kho hoặc đem chôn.
Lễ Tịch điền
Lễ Tịch điền còn gọi là lễ Hạ điền do chính vua Thần Nông đặt ra. Cũng như các nghi lễ khác, lễ Tịch điền của người Tàu đã du nhập sang ta. Hàng năm vào đầu xuân, nhà vua lại tự thân cày mấy luống đất để làm gương cho dân chúng và cử hành lễ Tịch điền. Tiếp sau vua, các hoàng thân, các quan văn võ, các chức sắc, bộ lão sở tại cũng ra cày. Tại các tỉnh, các xã cũng có lễ Tịch điền... Ở tỉnh, quan tỉnh bắt đầu lễ Tịch điền bằng việc cày và ở xã là vị chức sắc cao nhất trong xã. Tùy từng triều đại việc cử hành lễ Tịch điền có lúc long trọng, lúc đơn giản và ở mỗi địa phương  cũng có những tục lệ riêng.
Lễ Khai ấn
Các ấn được lau chùi trong năm, ngoài xuân bộ lễ theo tục cũ cũng được chọn ngày lành, giờ tốt để làm lễ khai ấn nghĩa là dùng ấn đóng lên một công văn, chỉ dụ.
Thường văn bản đầu tiên được đóng ấn là bản văn tốt lành. Tục khai ấn này, Tại các tỉnh, các phủ, huyện, châu, xã xưa kia mỗi viên chức có ấn đều được chọn ngày khai ấn và sửa lễ cúng vị thần giữ về ấn tín trong dịp lễ khai ấn.

Tết Thượng nguyên
(Tết Nguyên tiêu)
Tết Thượng nguyên vào ngày rằm tháng giêng - ngày trăng tròn đầu tiên của năm. Tết này phần lớn tổ chức tại chùa chiền, vì rằm tháng giêng còn là ngày vía của Phật tổ. Ta có câu: "Lễ Phật quanh năm không bằng rằm tháng giêng". Tục ta tin rằng ngày rằm tháng giêng, đức Phật giáng lâm tại các chùa để chứng độ lòng thành của các tín đồ phật giáo. Trong dịp này chùa nào cũng đông người tới  lễ bái. Sau khi đi chùa mọi người về nhà họp mặt cúng gia tiên và ăn cỗ.

Tết Thanh minh
Thanh minh
Là tiết thứ năm trong "nhị thập tứ khí" và đã được người phương Ðông coi là một lễ tiết hàng năm. Tiết thanh minh đến sau ngày Lập Xuân 45 ngày. Theo nghĩa đen, thanh là khí trong, còn minh là sáng sủa. Khi tiết Xuân Phân qua, những cơn mưa bụi của trời xuân đã hết, bầu trời trở nên quang đãng, sáng sủa là sang tiết thanh minh (thường bắt đầu trong tháng ba hoặc muộn lắm là đầu tháng tư âm lịch tùy từng năm).
Lễ thanh minh
Nhân ngày thanh minh, cũng như nhiều dân tộc Á Đông khác. Dân ta có tục đi viếng mộ gia tiên và làm lễ cúng gia tiên sau cuộc tảo mộ.
Lễ tảo mộ: Tảo mộ chính là sửa sang ngôi mộ cho được sạch sẽ. Nhân ngày lễ thanh minh người ta mang theo cuốc xẻng để đắp lại nấm mồ cho to, rẫy hết cỏ dại và những cây hoang mọc trèo lên mộ có thể phạm tới hài cốt của người thân đã khuất. Sau đó cắm mấy nén hương, đốt vàng mã hoặc đặt thêm bó hoa dâng cho vong hồn người quá vãng. Bên cạnh những ngôi mộ được trông nom, săn sóc, còn có những ngôi mộ vô chủ, không người thăm viếng. Những người có lòng nhân đức không khỏi mủi lòng thường cắm một nén hương, đốt nắm vàng mã cho những ngôi mộ này. Tại các nơi tha ma mộ địa còn có lập một cái am để thờ chung những mồ mả vô chủ gọi là Am chúng sinh và mỗi cửa am có một bà đồng sớm tối đèn hương thờ phụng. Trong ngày tảo mộ, bãi tha ma vốn vắng lặng bỗng trở nên đông đúc. Mọi người đi tảo mộ đều ăn vận rất chỉnh tề, lo khấn vái nơi phần mộ. Cả trẻ em cũng có thể theo cha mẹ đi tảo mộ, trước là để biết dần những ngôi mộ của gia tiên, sau là bố mẹ muốn tập cho chúng sự kính trọng tổ tiên qua tục viếng mộ. Những người quanh năm đi làm ăn xa cũng thường trở về vào dịp này để tảo mộ gia tiên và xum họp với đại gia đình. Thường người ta đi tảo mộ từ sáng sớm cho đến gần trưa.
Tục lệ tảo mộ: Thường người ta đi tảo mộ vào tiết thanh minh trời quang mây tĩnh, và sau đó kính mời hương hồn tổ tiên về hưởng cỗ con cháu cúng trong dịp này. Nhưng cũng có nhiều nơi người ta tảo mộ vào dịp trước và sau ngày tết. Nhiều làng ở vào vùng đất thấp, tới vụ nước, ruộng nương và cả bãi tha ma đều ngập nước, thì người ta đi tảo mộ vào đầu tháng chín, sau khi nước đã rút. Dù đi tảo mộ vào ngày nào thì việc thăm nom mồ mả tổ tiên cũng là việc hay. Nghĩ đến gia tiên tức là nghĩ đến gốc, tưởng đến nguồn.
Cúng lễ trong ngày tết thanh minh: Tết thanh minh cũng là dịp để con cháu sửa lễ cúng gia tiên sau khi viếng mộ về. Cũng có nhà sửa lễ mang ra mộ cúng, nhưng đó chỉ là cúng riêng một ngôi mộ. Còn sau đó người ta vẫn cúng ở bàn thờ tổ tiên và khấn tất cả gia tiên nội ngoại về phối hưởng. Người ta thường cúng mặn trong ngày thanh minh, nghĩa là có làm cỗ, hoặc không làm cỗ thì cũng có đĩa xôi, con gà cùng với hương hoa, trà rượu, vàng mã. Và đồng thời với việc cúng tổ tiên cũng có cúng Thổ Công như trong mọi dịp.

Tết Hàn thực
Theo phong tục cổ truyền, ngày mồng 3 tháng 3 tức tết Hàn thực, ta làm bánh chay. Tết này có xuất xứ từ bên Trung Quốc, làm giỗ ông Giới Tử Thôi (một hiền sĩ thời Xuân Thu có công phò Tần Văn Công), bị chết cháy ở núi Ðiền Sơn. Cũng như ngày mùng năm tháng năm tết Ðoan Dương cũng xuất xứ bên Trung Quốc là giỗ ông Khuất Nguyên (đời Xuân Thu, thờ vua Sở Hoài Vương) gieo mình chết trôi ở sông Mịch La. Ðành rằng dân ta theo tục đó nhưng khi cúng chỉ cúng gia tiên nhà mình.

Tết Ðoan Ngọ
Tết Đoan Ngọ còn gọi là tết Ðoan Dương còn nhiều tục truyền đến nay. Sáng sớm cho trẻ ăn hoa quả, rượu nếp, trứng luộc, bôi hồng hoàng vào thóp đầu, vào ngực, vào rốn để giết sâu bọ. Người lớn thì giết sâu bọ bằng uống rượu hoặc ăn rượu nếp.   
(Rằm tháng bảy)
Rằm tháng bảy theo tín ngưỡng là ngày xá tội vong nhân, nghĩa là bao nhiêu tội nhân ở dưới âm phủ ngày hôm đó đều được tha tội. Bởi vậy trên dương thế mọi gia đình đều làm cỗ bàn, đốt vàng mã cúng gia tiên và đồng thời cúng những linh hồn bơ vơ không được ai chăm sóc. Người ta cũng thả chim lên trời, thả cá xuống sông, để làm điều phúc đức.   

Tết Trung thu
(Rằm tháng Tám)
Trung thu là giữa mùa thu, tết Trung Thu như tên gọi đến với chúng ta vào đúng giữa mùa thu tức là vào rằm tháng tám âm lịch. Tết Trung Thu là tết của trẻ em.  
(Tết cơm mới)
Tết Hạ nguyên vào rằm hay mồng một tháng mười. Ở nông thôn, tết này được tổ chức rất lớn vì đây là dịp nấu cơm gạo mới của vụ vừa xong - trước là để cúng tổ tiên, sau để thưởng công cầy cấy.

Tết Trùng thập
Tết của các thầy thuốc. Theo sách Dước lễ thì ngày mười tháng mười (âm lịch), cây thuốc mới tụ được khí âm dương, mới kết được sắc tứ thời (Xuân-Hạ-Thu-Ðông) trở nên tốt nhất. Ở nông thôn Việt Nam, đến ngày đó người ta thường làm bánh dày, nấu chè kho để cúng gia tiên rồi đem biếu những người thân thuộc (chứ không mấy quan tâm đến cây thuốc, thầy thuốc).Tết Táo quân
Tết Táo quân vào ngày 23 tháng chạp - người ta coi đây là ngày "vua bếp" lên chầu trời để tâu lại việc bếp núc, làm ăn, cư xử của gia đình trong năm qua.
Bởi thế nên, trong ngày này, mọi gia đình người Việt Nam đều làm mâm cơm đạm bạc tiễn đưa "ông Táo". Cứ phiên chợ 23 tháng chạp, mỗi gia đình thường mua 2 mũ ông Táo, 1 mũ bà Táo bằng giấy và 3 con cá chép làm "ngựa" (chuyện cá chép hoá rồng) đế Táo quân lên chầu trời. Sau khi cúng trong bếp, mũ được đốt và cá chép được mang ra thả ở ao, hồ, sông...
Ngày ông Táo về chầu trời được xem như ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán. Sau khi tiễn đưa ông Táo người ta bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, lau chùi đồ cúng ông bà tổ tiên, treo tranh, câu đối, và cắm hoa ở những nơi trang trọng để chuẩn bị đón tết.

Lào Cai


Huyện Sa Pa
Diện tích: 678,6km².Dân số (31/12/2007): 52.524 người.
Dân tộc: Mông, Dao, Tày, Giáy, Xá Phó, Kinh,Hoa.
Đơn vị hành chính:- Thị trấn: SaPa
- Xã: Bản Khoang, Tả Giàng Phình, Trung Chải, Tả Phìn, Sa Pả, San Sả Hồ, Bản Phùng, Lao Chải, Hầu Thào, Thanh Kim, Tả Van, Sử Pán, Suối Thầu, Bản Hồ, Thanh Phú, Nậm Sài, Nậm Cang.
 

Điều kiện tự nhiên

Nằm ở phía tây bắc của Tổ quốc, Sa Pa là một huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai, một vùng đất khiêm nhường, lặng lẽ nhưng ẩn chứa bao điều kỳ diệu của cảnh sắc thiên nhiên. Phong cảnh thiên nhiên của Sa Pa được kết hợp với sức sáng tạo của con người cùng với địa hình của núi đồi, màu xanh của rừng, như bức tranh có sự sắp xếp theo một bố cục hài hoà tạo nên một vùng có nhiều cảnh sắc thơ mộng hấp dẫn.

                                     Thị trấn SaPa                          Ruộng bậc thang ở SaPa

Chìm trong làn mây bồng bềnh thị trấn Sa Pa như một thành phố trong sương huyền ảo, vẽ lên một bức tranh sơn thủy hữu tình. Nơi đây, có thứ tài nguyên vô giá đó là khí hậu trong lành mát mẻ, mang nhiều sắc thái đa dạng. Nằm ở độ cao trung bình 1500m – 1800m, nên khí hậu Sa Pa ít nhiều lại mang sắc thái của xứ ôn đới, với nhiệt độ trung bình 15-18°C. Từ tháng 5 đến tháng 8 có mưa nhiều.

Sa Pa tên gọi này từ tiếng quan thoại. Tiếng quan thoại gọi Sa - Pả, “Sa” là cát, “Pả” là bãi. Địa danh của “bãi cát” này ở bên phải cầu km 32 từ Lào Cai vào Sa Pa. Ngày xưa chưa có thị trấn Sa Pa, cư dân ở vùng đất này đều họp chợ ở “bãi cát” đó. Do vậy, dân địa phương ai cũng nói là “đi chợ Sa Pả”.

Từ hai chữ “Sa Pả”, người Phương Tây phát âm không có dấu, nên thành Sa Pa và họ đã viết bằng chữ Pháp hai chữ đó là “Cha Pa” và một thời gian rất lâu người ta đều gọi “Cha Pa” theo nghĩa của từ tiếng Việt.

Còn thị trấn Sa Pa ngày nay, trước có một mạch nước đùn lên đục đỏ, nên dân địa phương gọi là “Hùng Hồ”, “Hùng” là đỏ, “Hồ” là hà, là suối, suối đỏ.
Tiềm năng phát triển kinh tế và du lịch

Sa Pa có đỉnh Phan Si Păng cao 3.143m trên dãy Hoàng Liên Sơn. Gọi Hoàng Liên Sơn, bởi duy nhất trên dãy núi này có cây Hoàng Liên, một loại dược liệu quý, hiếm. Ngoài ra dãy Hoàng Liên còn là “mỏ” của loài gỗ quý như thông dầu, của bao chim thú, như gà gô, gấu, khỉ, sơn dương và của hàng ngàn loại thuốc. Khu rừng quốc gia Hoàng Liên Sơn có 136 loài chim, có 56 loài thú, 553 loài côn trùng. Có 37 loài thú được ghi trong “sách đỏ Việt Nam. Rừng Hoàng Liên Sơn có 864 loài thực vật, trong đó có 173 loài cây thuốc.

Sa Pa có núi Hàm Rồng ở sát ngay thị trấn, bất kỳ du khách nào cũng có thể lên đó để ngắm toàn cảnh thị trấn, thung lũng Mường Hoa, Sa Pả, Tả Phìn ẩn hiện trong sương khói. Hiện nay, với bàn tay tôn tạo của con người, Hàm Rồng thực sự là một thắng cảnh đầy hoa trái của Sa Pa. Và, nếu ai đã đến Thạch Lâm (Vân Nam, Trung Quốc) thì Hàm Rồng cũng có thể giúp các bạn tưởng tượng là Thạch Lâm được. Lên Hàm Rồng, du khách như lạc vào vườn tiên, mây ùa kín thân người, hoa rực rỡ mặt đất.

Sa Pa còn có nhà thờ cổ ở ngay thị trấn và từ thị trấn đi ngược về hướng đông bắc trên đường đi tới động Tả Phìn có một tu viện được xây gần toàn như bằng đá tại một sườn đồi quang đãng, thoáng mát. Qua tu viện đi bộ ba cây số theo hướng bắc ta đến hang động Tả Phìn với độ rộng có thể đủ chứa một số lượng người cỡ trung đoàn của quân đội. Trong hang nhiều nhũ đá tạo nên những hình thù kỳ thú như hình tiên múa, đoàn tiên ngồi, cánh đồng xa, rừng cây lấp lánh.

Đặc biệt tại thung lũng Mường Hoa có 196 hòn chạm khắc nhiều hình kỳ lạ của những cư dân cổ xưa cách đây hàng ngàn vạn năm mà nhiều nhà khảo cổ học vẫn chưa giải mã được. Khu chạm khắc cổ đã được xếp hạng di tích quốc gia.
Từ thị trấn Sa Pa, đi về phía tây khoảng 12km trên đường đi Lai Châu, ta sẽ gặp Thác Bạc với những dòng nước đổ ào ào từ độ cao trên 200m tạo thành âm thanh núi rừng đầy ấn tượng.
                                  Thủy điện Các Các                 Khách du lịch nước ngoài ở chợ SaPa
Sa Pa là “vương quốc” của hoa trái, như đào hoa, đào vàng to, đào vàng nhỏ, mận hậu, mận tím, mận tam hoa, hoa lay dơn, hoa mận, hoa lê, hoa đào, hoa cúc, hoa hồng…đặc biệt là hoa bất tử sống mãi với thời gian. 

Sa Pa với 6 tộc người cũng cư trú, mỗi tộc người có một vốn văn hoá riêng với các lễ hội như lễ hội “Roóng pọc” của người Giáy Tả Van, lễ hội “Sải Sán” (đạp núi) của người Mông, lễ “Tết nhảy” của người Dao Đỏ, tất cả đều diễn ra vào tháng tết hàng năm.

Chợ phiên của Sa Pa họp vào ngày chủ nhật tại huyện lỵ (thị trấn Sa Pa). Người dân ở vùng xa phải đi từ ngày thứ bẩy. Vào tối thứ bảy mọi người cùng thức vui với nhau bằng những bài hát dân ca của trai gái người Mông, người Dao, bằng những âm thanh của đàn môi, của sáo, của khèn Mông, bằng những bát rượu tràn đầy của những người có tuổi…và người ta đã đặt cho nó là “chợ tình”.
Giao thông

Sa Pa nằm cách thành phố Lào Cai 38km và cách Hà Nội 376km. Để đến đây có 2 đường: một từ thành phố Lào Cai vào, một từ Bình Lư (Lai Châu) sang, bằng nhiều loại phương tiện như: ôtô, xe máy.

Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013

Nước non Ghềnh Ráng Quy Nhơn


Nước non Ghềnh Ráng Quy Nhơn

Nằm cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 3 km về phía Đông Nam, Ghềnh Ráng là một trong những danh thắng bậc nhất của tỉnh Bình Ðịnh.
Đến Ghềnh Ráng, du khách không chỉ được đắm mình trong không gian thơ mộng nhưng không kém phần hùng vỹ của biển - núi miền duyên hải với đồi Thi Nhân, bãi tắm Hoàng Hậu, hòn Vọng Phu, bãi Tiên Sa… mà còn bị hấp dẫn hơn bởi đây là nơi ghi dấu quãng đời thi nghiệp của thi sĩ tài danh bạc mệnh Hàn Mặc Tử.
Ghềnh Ráng có diện tích gần 35 ha, là một quần thể sơn thạch thuộc dãy núi Xuân Vân. Dưới chân ghềnh là bãi cát trắng chạy dài, nước biển trong xanh, phong cảnh đẹp hữu tình, khí hậu mát mẻ. Từ Ghềnh Ráng, du khách có thể ngắm nhìn gần trọn hết vẻ đẹp đầy sức sống của phố biển Quy Nhơn.


Năm 1927, Ghềnh Ráng đã được vua Bảo Đại chọn là nơi nghỉ dưỡng. Năm 1991, Ghềnh Ráng đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích quốc gia. Đến với Ghềnh Ráng, du khách sẽ được đắm mình trong không gian của những câu chuyện huyền thoại.
Tương truyền rằng, bãi tắm Hoàng Hậu là nơi Nam Phương hoàng hậu - vị hoàng hậu cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam chọn làm bãi tắm riêng. Từ xa xưa, nước non Ghềnh Ráng đã chinh phục được không chỉ những người con xứ "nẫu".
Ngay dưới chân vách đá dựng đứng, hiểm trở là từng bãi đá trứng xếp chồng, xếp lớp. Cùng với làn nước biển xanh trong, đá trứng nhỏ bé ngàn năm kiên trì, bền bỉ trước vô vàn con sóng vỗ. Tạo hóa đã hớ hênh hay sự bền bỉ của những hòn đá nhỏ bé này đã chinh phục tạo hóa, để điều đi ngược quy luật bào mòn đã xảy ra? Nhân thế được ban cho một kỳ quan lạ.


Bãi Tiên Sa có thể ví như một "Nha Trang thứ hai" của Quy Nhơn. Những hàng thông xanh ngắt trải dài, từng bờ cát trắng xóa, lấp lánh trong ánh trưa, gió biển lồng lộng… Đến Bãi Tiên Sa, du khách sẽ tự mình chiêm nghiệm được vì sao, bãi biển này lại có cái tên đậm màu cổ tích đến như vậy.
Không chỉ hấp dẫn du khách bằng những cảnh quan trời ban, Ghềnh Ráng còn làm nặng lòng du khách bởi là nơi thi sĩ tài danh bạc mệnh Hàn Mặc Tử đã sống những ngày quằn quại đau thương và cho ra đời những áng thơ tình bất hủ. Trại phong Quy Hòa, nơi Nguyễn Trọng Trí (tên thật của nhà thơ Hàn Mặc Tử) đã gắn bó suốt những năm tháng mắc phải căn bệnh phong quái ác.

Những bài thơ tình chan chứa yêu thương và khao khát đến cuồng loạn của một tâm hồn biết yêu và khao khát yêu như Hàn Mặc Tử được thắp lên trong nỗi khốn khổ của bệnh tật cùng cái hữu tình của tự nhiên Ghềnh Ráng. Trong thung lũng yên bình, phía trước là biển trời bao la, đằng sau là dãy núi non điệp trùng với Dốc Đá, thi sĩ họ Hàn yên nghỉ và đón nhận cuộc sống mới sau kiếp tài danh nhưng quá đỗi bạc mệnh ấy.



Đến Ghềnh Ráng, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến nghệ thuật thi pháp bằng bút lửa, ghi lại những bài thơ của thi sĩ họ Hàn do nghệ nhân Dzũ Kha thực hiện. Từng lời thơ, vần chữ của Hàn Mặc Tử được khắc in khéo léo trên nền những tấm gỗ thông hẳn sẽ là kỷ vật ý nghĩa dành cho mỗi du khách khi đặt chân đến chốn này.
(Theo Báo Gia Lai)

Đến Hạ Long ngắm kỳ quan thế giới


Đến Hạ Long ngắm kỳ quan thế giới

Vịnh Hạ Long quyến rũ du khách với vẻ thanh bình của một vùng biển núi, nét kỳ bí của thạch nhũ nhiều hình dáng, cái yên ả của việc thả mình trên thuyền, cảm nhận hương thơm của nắng, của gió, của biển.
Địa điểm vui chơi
Để thuận tiện cho việc lưu trú, di chuyển, chúng ta sẽ chia du lịch Quảng Ninh thành 5 cụm dựa trên các thành phố, thị xã.

Vẻ đẹp Hạ Long.



Hòn Trống Mái, biểu tượng của vịnh.
Hạ Long với vẻ đẹp “thoát tục” của vịnh nước trong xanh in bóng những núi đá vôi nhiều hình dáng, những động thạch nhũ tuyệt đẹp, bãi tắm hoang sơ luôn có sức hút đối với mọi du khách trong và ngoài nước. Có hai phương án tham quan vịnh là thuê tàu tại bến (giá từ 1,2 triệu - 1,5 triệu, nếu ghép đoàn thì 250.000 đồng/người) hay du thuyền. Lưu ý không mua hay thưởng thức hải sản tại các bè trên vịnh.
Điểm đến thứ hai của thành phố này là đảo Tuần Châu với khu giải trí quốc tế cùng tên. Tuần Châu tuyệt đẹp với hàng loạt công trình lớn nhỏ tạo nên một khu phức hợp hoàn hảo. Tuy nhiên, theo nhận định của dân du lịch bụi, Tuần Châu chỉ đẹp vào ban đêm với những ánh đèn, sân khấu nước… còn ban ngày, nó chỉ “bằng hay nhỉnh hơn Đầm Sen”.
Bên cạnh hai danh thắng này, thành phố Hạ Long còn có cụm di tích núi Bài Thơ, một quần thể di tích lịch sử ,văn hóa gồm núi Bài Thơ, chùa Long Tiên và đền thờ Trần Quốc Nghiễn; nhà thờ Hòn Gai, nhà thờ lớn nhất tỉnh Quảng Ninh; bảo tàng Quảng Ninh, nơi lưu giữ, trưng bày nhiều hiện vật có giá trị về lịch sử; cảng Cái Lân sầm uất; các mỏ than với không khí làm việc sôi nổi của hàng nghìn thợ mỏ; trung tâm thương mại Hạ Long nhộn nhịp; công viên quốc tế Hoàng Gia vừa hiện đại vừa dân tộc...

Vô rừng tìm cảm giác


Vô rừng tìm cảm giác

Nếu muốn khám phá đến tận cùng vẻ đẹp của rừng núi thì nên làm một chuyến xuyên rừng theo kiểu trekking. Loại hình này không mới nhưng chỉ vừa hình thành như một cái “gu” của một số bạn trẻ bởi đòi hỏi phải có sức khỏe tốt và kỹ năng đi rừng dẻo dai...

Ngoài sự đam mê còn phải có kỹ năng khéo léo và sự dẻo dai - Ảnh: Thục Đoan

Khá nhiều du khách nước ngoài đến VN để đi du lịch xuyên rừng (trekking) và họ đã định danh một số nơi tốt nhất cho loại hình này như vườn quốc gia Nam Cát Tiên, rừng Cúc Phương, hồ Ba Bể, Sa Pa, Yên Tử...
Thỏa mãn trải nghiệm
Ngày đầu năm, nhận điện thoại của người bạn làm hướng dẫn viên du lịch thông báo: “Có khách đi Tây Yên Tử, đi không?”. Đoàn mười khách đến từ Ý này muốn làm chuyến xuyên rừng, hứa hẹn nhiều điều thú vị, tôi đồng ý ngay. Xuất phát từ Hà Nội, chúng tôi có mặt đúng hẹn nơi tập kết, bỏ lại sau lưng những bộn bề cuộc sống và lên đường trong tâm trạng đầy phấn khích.
Suốt chặng đường hơn 100km, đánh vật với từng ổ voi, ổ gà nhưng hành trình vượt những cung đường mùa xuân ngập tràn tiếng cười đùa thú vị. Tây Yên Tử hiện ra trước mắt tôi là những dãy núi toàn màu xanh, ẩn chứa một sức hút kỳ lạ, cảnh vật, thiên nhiên hoang sơ đẹp mê hồn.
Thời tiết như chiều lòng người, lạnh nhưng không mưa, rất hợp để leo núi. Nhìn thấy chùa Đồng gần ngay trước mặt nhưng để tới nơi chúng tôi phải mất gần bốn giờ leo bộ qua lối mòn. Không cáp treo, không hàng quán, cũng không có những bậc đá “nâng” chân du khách như bên sườn Đông. Chỉ có những chiếc thang gỗ tạm bợ do dân bản địa đi rừng tự làm, những thân gỗ cổ thụ bị đổ nằm chắn ngang lối đi, thi thoảng lại gặp rắn, rết chạy cắt mặt người. Núi cao lại tiếp đèo cao, con đường nhỏ mỗi lúc một gập ghềnh khó đi, đá cha, đá mẹ to như con voi, con bò...
Những chuyến trekking như vậy giờ không còn lạ với một số người trẻ. Lấy TP.HCM là tâm thì điểm đến cho loại hình này được nhiều du khách chọn là Đà Lạt với hai rừng quốc gia Bidoup và Phước Bình, hay Nam Cát Tiên (Đồng Nai)... Tên của những điểm đến này không xa lạ, nhưng chắc chắn cung đường chinh phục hứa hẹn nhiều điều thú vị bởi nơi đến thường không có tên trên bản đồ, chỉ khi đến tận nơi du khách mới biết và khám phá những điều đặc biệt.


Lên đường - Ảnh: Thục Đoan

Đỉnh Bidoup thuộc đoạn cuối dãy Trường Sơn nằm giữa hai dòng sông Đồng Nai và Serepok nổi tiếng lạ kỳ với những cánh rừng rậm âm u khiến nhiều người khao khát khám phá bí ẩn thượng nguồn. Điều thú vị là càng đi về phía đồng bằng càng khám phá nhiều dòng thác đẹp không thể tả. Cũng từ Đà Lạt, bạn hoàn toàn có thể trekking trong một ngày một đêm chinh phục ngọn Lang Bian hoặc luồn rừng tìm đến thác Hang Cọp ở phía đông thành phố...
Ở Sa Pa, chuyến đi càng thú vị hơn nhờ dịch vụ “homestay”, vào bản, ăn, ngủ và thăm thú cảnh sống thực của người Mông, Dao, Tày. Từ Sa Pa, đi xe Jeep khoảng 50 phút qua thung lũng Mường Hoa có bãi đá cổ lẫn trong ruộng bậc thang và thấp thoáng đỉnh Phanxipăng, từ đó bắt đầu đi bộ xuyên rừng.
Một chuyến đi kéo dài 3-4 ngày, mỗi ngày đi bộ khoảng năm tiếng, vượt qua đủ mọi địa hình từ đoạn đường bằng phẳng, sau đó trườn từng bước qua đồi núi, men theo bờ suối, phải đu bám vào cây rừng, níu trên đất và đá qua những cây cầu treo bằng gỗ cũ kỹ dây vịn, dưới là vực thẳm, bên kia là núi cao, xa xa là thác ghềnh chảy xiết, chắc chắn đem lại cảm giác hồi hộp, thú vị cho bất cứ ai.
Đến buổi trưa và tối, du khách dừng lại trong nhà sàn gỗ của người Tày, Dao Đỏ ở các bản làng Bản Hồ, Thanh Phú, Sín Chải... nghỉ ngơi lấy lại sức, xoa bóp đôi chân mỏi nhừ và băng bó những vết trầy xước. Buổi tối là thời điểm lý tưởng để cắm trại trên núi, đốt lửa vui chơi, nghe những người dân tộc đi theo đoàn thổi khèn lá và cất tiếng hát giao duyên giữa đại ngàn.


Phút nghỉ ngơi - Ảnh: Kim Sa

Hòa mình với mẹ thiên nhiên
Trekking là sự tổng hợp của niềm đam mê chinh phục thiên nhiên, yêu thích khám phá, thể thao, ưa mạo hiểm và hơn hết là cảm giác tìm lại chính mình. Mỗi chuyến trekking là mỗi lần bước chân một thử thách khác nhau nên càng đi càng có kinh nghiệm và trang bị được những kỹ năng vững vàng hơn. Mỗi cuộc hành trình đều có những “món quà” và dĩ nhiên cả những khó khăn sẽ chờ ở phía trước.
Trekking không bỏ qua bất cứ địa hình nào, một chuyến đi sẽ thật sự thú vị nếu có tất cả dạng địa hình từ núi cao hiểm trở, rừng sâu, băng tuyết cho đến những con sông dài bất tận. Mục đích của trekking không chỉ để chinh phục mọi nẻo đường, tìm tòi địa hình mới mà người chơi còn muốn hòa mình với mẹ thiên nhiên, tìm niềm vui bằng chính sức lực bản thân, cùng hòa nhịp với cuộc sống người dân bản địa.
Để trekking thành công, cung đường này cần thiết phải có một người dẫn đường thành thạo. Việc phải dựng lều ngủ qua đêm trong rừng dưới cái lạnh thấu xương là điều chắc chắn xảy ra nên nếu không trang bị đầy đủ những vật dụng cần thiết, bạn phải bỏ dở cuộc chơi giữa chừng. Có người nói với tôi đây là kiểu du lịch... hành xác. Với tôi, có cực thiệt nhưng những trải nghiệm này không phải dễ có.

Những ngày đầu năm, du khách người Ý này “xông đất” Việt Nam không phải ở nơi đô hội mà là trong rừng thẳm - Ảnh: Kim Sa

* Lần đầu trekking nên chọn lộ trình ngắn ngày, phù hợp với khả năng.
* Tham khảo trước thông tin qua những người từng trải. Tốt nhất là tìm một người dân địa phương dẫn đường hoặc thuê dịch vụ của công ty du lịch.
* Chuẩn bị hành lý gọn nhẹ, ưu tiên quần áo chống mưa, muỗi, vắt. Nếu đi vào mùa mưa nên trang bị thêm vớ chuyên dụng đi rừng. Những vật dụng cần thiết không thể thiếu là lều trại, dây thừng, túi ngủ, dao đi rừng, bật lửa... Một số loại thuốc cơ bản như thuốc diệt khuẩn nước, dầu gió, hạ sốt, đau bụng, kháng sinh, kem chống muỗi, vắt, bông băng, thuốc đỏ...
* Nên chọn những thực phẩm nhẹ, có thể bảo quản lâu, dễ sử dụng như xúc xích, phômai, lương khô, mì, đồ hộp, bánh ngọt...
* Nên trang bị những thiết bị như máy định vị GPS, la bàn, máy ảnh...
KIM SA - THỤC ĐOAN

Cáp treo Bà Nà đạt 4 kỷ lục thế giới


Cáp treo Bà Nà đạt 4 kỷ lục thế giới

Tổ chức Guinness World Recods đã chính thức công nhận tuyến cáp treo thứ 3 Bà Nà (Đà Nẵng) do Cty CP Dịch vụ cáp treo Bà Nà đầu tư tại Bà Nà Hills là tuyến cáp treo duy nhất đạt 4 kỷ lục thế giới.
Tổ chức Guinness World Recods đã chính thức công nhận tuyến cáp treo thứ 3 Bà Nà (Đà Nẵng) do Cty CP Dịch vụ cáp treo Bà Nà đầu tư tại Bà Nà Hills là tuyến cáp treo duy nhất đạt 4 kỷ lục thế giới: Tuyến cáp một dây dài nhất thế giới với tổng chiều dài hơn 5,771km; độ chênh giữa ga đi và ga đến cao nhất thế giới với độ chênh lệch hơn 1,368km; chiều dài một sợi cáp không nối dài nhất thế giới với 11,587m và độ nặng cuộn cáp nặng nhất thế giới với 141,24 tấn.
Sau hơn 400 ngày thi công, tuyến cáp treo thứ 3 sẽ chính thức khánh thành, đưa vào hoạt động đúng dịp kỷ niệm 38 năm Giair phóng TP Đà Nẵng (29/3/2013). Đây là hệ thống cáp treo được đầu tư xây dựng theo đúng tiêu chuẩn của Hiệp hội Cáp treo thế giới và là công trình cáp treo vĩ đại nhất trên thế giới được xây dựng bởi nhà sản xuất Cáp nổi tiếng Doppelmayr của Áo và CWA của Thụy Sĩ. Tuyến cáp có tất cả có 86 cabin được thiết kế hở, sức chứa mỗi cabin là 10 người với công suất 1.500 khách/h, vận tốc 6m/s với tổng kinh phí đầu tư lên đến 30 triệu EURO. Tuyến cáp đi vào hoạt động sẽ rút ngắn thời gian đi từ chân núi lên đỉnh núi 17 phút.

Tuyến cáp treo đạt 4 kỷ lục thế giới

Với sự kiện quan trọng này, khu du lịch Bà Nà Hills trở thành khu du lịch hội tụ nhiều kỷ lục thế giới nhất Việt Nam. Tại đây, những kỷ lục liên tiếp được lập nên. Cách đây gần 4 năm (25/3/2009), trên đỉnh núi Bà Nà, Cty CP DV Cáp treo Bà Nà đã đưa hệ thống cáp treo 1 dây đạt 2 kỷ lục Guinness với độ dài 5,042m và độ chênh lệch giữa ga đi và ga đến là 1,291m vào vận hành. 4 năm sau, tuyến cáp 3 đi vào hoạt động đã phá vỡ kỷ lục của 2 tuyến cáp cũ với chiều dài 5,771.61m, độ chênh giữa ga đi và ga đến là 1,368.93m.
Nằm cách TP Đà Nẵng 25km về phía Tây, khu du lịch nghỉ dưỡng Bà Nà Hills do Cty Cổ Phần Dịch Vụ Cáp Treo Bà Nà đầu tư được đánh giá là nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố lịch sử, thiên nhiên và sự phong phú, đa dạng của các dịch vụ để phát triển thành một khu du lịch độc đáo và hấp dẫn có một không hai ở Việt Nam nói riêng, Châu Á nói chung. Nơi đây đã trở thành điểm giao thoa của nhiều nền văn hóa, tín ngưỡng, là nơi hội tụ những ưu đãi của thiên nhiên về một môi trường trong lành, khí hậu bốn mùa tươi mát.
Theo Q.S (Công an Đà Nẵng)

Đi 'săn' hoa nở tuyệt đẹp khắp miền Bắc


Đi 'săn' hoa nở tuyệt đẹp khắp miền Bắc

Mùa xuân, khi lá vàng rào rào rơi xuống thì những búp non bắt đầu bung ra và sau đó vô vàn các loại hoa khoe sắc. Cả miền Bắc như "nở hoa" sau thời gian dài ngủ đông...
Theo mùa lễ hội khắp miền Bắc là một mùa hoa muôn sắc màu cũng sắp tới. Đây là khoảng thời gian tuyệt vời đã bạn xách balo, cầm máy ảnh để đi "săn" hoa từ những làng quê ở đồng bằng Bắc Bộ tới miền Tây Bắc. Hãy sắp xếp công việc để đi nhé, đó là một mùa tuyệt vời, nơi bạn có thể thư thái, để có những bức ảnh đẹp để đời.




Khi cái rét nàng Bân sắp đến làm tê tái lòng người cùng những đợt mưa bụi giăng trắng trời qua đi cũng là lúc những chùm hoa gạo bung nở, đỏ rực như những đóm lửa khổng lồ nơi làng quê Việt.
Chùa Hương những ngày đầu tháng 3 thư thả và bình lặng đến nao lòng người. Khi những xô bồ, chen chúc qua đi, du khách đến vãn cảnh chùa không chỉ được chìm đắm trong một bầu không gian thanh tịnh của miền đất Phật, của non nước hữu tình mà còn có cơ hội chiêm ngưỡng những cụm hoa gạo đỏ rực trời mà hiện nay hiếm còn thấy ở nơi nào khác nữa.


Tháng 3 sắp tới, khi nắng mới đã bắt đầu len lỏi, khi sương muối và giá lạnh đã không còn là vị “hung thần” ở những bản làng vùng núi Tây Bắc, cũng là lúc muôn hoa khoe sắc, rực rỡ đón chào mùa xuân. Tây Bắc mùa này hấp dẫn du khách không chỉ bởi những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số ít người mà chính bởi cảnh sắc vừa kỳ vĩ, tráng lệ lại rất đỗi thơ mộng, trữ tình. Đến đâu cũng là thiên đường với đủ loại hoa hội tụ.




Nếu như Mộc Châu – Sơn La hay Bắc Hà – Lào Cai nổi tiếng bởi những cánh rừng hoa mơ, hoa mận bạt ngàn, phủ trắng sườn đồi, khe núi, dọc các con sông, bên những hiên nhà thì hoa đỗ quyên đỏ ở núi Hoàng Liên Sơn lại là một nét đẹp vô cùng nổi bật và mạnh mẽ.
Loài hoa đẹp tựa những đốm lửa thắp sáng cả một vùng rừng nguyên sinh đầy hoang sơ và kỳ bí. Hoa đỏ trước mặt, hoa đỏ sau lưng, hoa trên đầu và hoa dưới đất, hoa vương trên những con đường mòn dẫn lên đỉnh Fanxipan huyền thoại.



Hoa mận đã trắng trời vùng Tây Bắc, mời gọi tất cả ai yêu du lịch tới để thưởng lãm.

Hoa Tây Bắc vương cả vào nỗi nhớ của bất kỳ lữ khách nào từng đặt chân tới mảnh đất địa đầu này, dệt thành tấm “bùa ngải” quyến rũ hồn người, để đi xa rồi vẫn mãi nhớ về một miền đất thần tiên, đi rồi nhưng không quên hẹn ngày trở lại.
Khi những cơn gió nồm vừa qua đi, khi những con đường Hà Nội phủ đầy lá vàng trong mùa rụng lá thứ 2, khi những lá sấu non mới vươn mình nhú dậy sau một mùa đông dài khắc nghiệt cũng là lúc Hà Nội tím mơ màng trong sắc tím hoa ban, trắng tinh khôi trong vẻ đẹp mong manh của hoa sưa kiêu kỳ.


Hoa ban mang Tây Bắc về Hà Nội...

Hoa ban không sinh ra từ mảnh đất Thủ đô nhưng không vì thế mà bị chìm khuất giữa những sắc hoa hồng, hoa cúc, thược dược, loa kèn của xuân Hà Nội. Vẻ đẹp e ấp, mềm mại của những cánh hoa làm người ta gợi nhớ tới hình ảnh những thiếu nữ dân tộc miền ngược, khép mình bẽn lẽn đợi tiếng khèn tỏ tình của anh chàng người yêu.




Mỗi năm chỉ nở một lần, nhanh nở nhanh tàn. Người ta chưa kịp nhìn cho đã những bông sưa trắng muốt, kết thành chùm lúc lỉu, đong đưa theo gió Tây Hồ, mong manh đậu trên vai của em bé nhỏ, của người qua đường thì một ngày kia gió về đã cuốn theo tất cả. Cuốn đi sắc trắng đã làm lên vẻ đẹp đầy chất thơ của Hà Nội mà để lại những thân sưa xù xì, thô mộc. Để khiến ta lại bùi ngùi mong móng những đợt mưa xuân của ngày này năm sau…
(Theo TTXVN)

7 bãi biển Việt hút hồn khách quốc tế


7 bãi biển Việt hút hồn khách quốc tế

Mùa hè sắp đến và những bãi biển là lựa chọn hàng đầu của nhiều khách du lịch. Dưới đây là những bãi biển đẹp nhất Việt Nam mà tạp chí Lonely Planet khuyên du khách nên lựa chọn khi tới Việt Nam.
1. Nha Trang
Nha Trang đã được du khách khắp nơi trong và ngoài nước đến tham quan và du lịch trong nhiều năm qua. Đây được đánh giá là bãi biển đẹp nhất Việt Nam với biển xanh, cát trắng trải dài như bất tận.

2. Mũi Né
Bãi biển Mũi Né với biển xanh, đồi cát trắng đã làm say đắm bao lòng người. Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi với bốn mùa nắng gió, rất thích hợp cho việc nghỉ dưỡng. Ngoài phong cảnh nên thơ, lãng mạn, Mũi Né cũng rất thích hợp cho các môn thể thao dưới nước như dù lượn, lướt ván...

Cồn cát tuyệt đẹp tại Mũi Né.

3. Phú Quốc


Là một trong những hòn đảo hoang sơ nhất Việt Nam, Phú Quốc thu hút du khách với biển xanh, cát trắng, những khu rừng nguyên sinh. Đến Phú Quốc bạn có thể ghé thăm các bãi tắm nổi tiếng như Bãi Sao, bãi Ông Lang.
4. Côn Đảo


Đây là hòn đảo nằm biệt lập ngoài khơi bờ biển Việt Nam. Nơi này vẫn giữ được cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, bí ẩn, đẹp kỳ diệu với những du khách ưa khám phá.
5. Mỹ Khê


Mỹ Khê là một bãi biển đầy quyến rũ với sức thu hút kỳ lạ với bất kỳ du khách nào đến Đà Nẵng. Tại đây, du khách sẽ được tận hưởng khung cảnh tuyệt vời của biển xanh, cát trắng mịn, sóng biển ôn hòa, nước ấm quanh năm, cùng hàng dừa thơ mộng...
6. Cửa Đại
Cửa Đại là bãi biển thuộc tỉnh Quảng Nam. Đến với Quảng Nam, ngoài điểm du lịch được yêu thích nhất thế giới là Hội An thì du khách cũng không thể quên bãi biển Cửa Đại. Bãi biển này mang trong mình vẻ trẻ trung sống động với nhiều khu nhà lộng lẫy, những resort tiện nghi Với bãi biển đẹp, không khí trong lành, dịu nhẹ, Cửa Đại hứa hẹn mang đến nhiều sự thư thái, thoải mái cho các du khách.


7. Dốc Lết


Cách Nha Trang khoảng 50 km, khác với bãi biển Nha Trang đầy nắng và ồn ào, đến với Dốc Lết bạn sẽ cảm thấy một không gian tĩnh mịch, yên bình hơn rất nhiều. Ở đây có những dải cát trắng trải dài bất tận, những đụn cát cao hàng chục mét, ngăn cách bãi biển với phần đất ven bờ. Ai muốn đến bãi tắm đều phải leo qua những đụn cát dài, mệt phờ mà hứng thú, đúng với cái tên "Dốc Lết" của nó.
(Theo TTVN)

Thứ Năm, 28 tháng 3, 2013

Về thăm chùa cổ xứ Kinh Bắc


Về thăm chùa cổ xứ Kinh Bắc

Cách thành phố Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) chừng 10 km, qua cầu Hồ là đến đất Thuận Thành, nơi có hai ngôi chùa cổ nổi tiếng là chùa Dâu và chùa Bút Tháp.
Gần hai ngàn năm trước, đây là đất Luy Lâu, thủ phủ Giao Châu thời Bắc thuộc, là trung tâm Phật giáo cổ xưa nhất Việt Nam, nơi nảy sinh nhiều sự tích gắn với những ngôi chùa tuyệt đẹp.

Tiền đường và tháp Hòa Phong - chùa Dâu

Tục truyền rằng thời đó, tu sĩ Ấn Độ là Khâu Đà La đến truyền đạo Phật có đệ tử đầu tiên là Man Nương (A Man – Nàng Mén ), vốn là một cô gái trồng dâu nuôi tằm. Một đêm, Man Nương nằm ngủ nơi cửa chùa Dâu, vị tu sĩ về muộn, không muốn kinh động nên nhẹ bước qua người nàng. Man Nương có thai, hạ sinh một bé gái. Khâu Đà La đưa cô bé về một ngôi chùa bên kia sông Đuống (sau này là chùa Phật Tích), sân chùa có cây tùng lớn, thốt nhiên, thân cây mở ra nhận bé gái vào lòng. Huyền thoại này là biểu trưng đẹp đẽ sự tiếp biến văn hóa Ấn – Việt, minh chứng cho sự du nhập rất sớm Phật giáo vào nước ta. Gặp năm mưa bão ngập lụt, cây tùng trốc gốc, bị nước cuốn trôi. Vua sai lính kéo lên không được, nhưng Man Nương ra sát mép nước hát ru con, cây nhẹ nhàng trôi vào bờ. Gỗ cây tùng được xẻ ra tạc bốn tượng Phật theo Tứ Pháp của tín ngưỡng dân gian: Mây, Mưa, Sấm, Chớp - Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện, cho các chùa Kinh Bắc thờ. Cùng với việc thờ Phật, chùa Dâu thờ nữ thần Pháp Vân.
Chùa Dâu vốn được xây dựng khoảng đầu thế kỷ III được gọi là “đệ nhất cổ tự” nhưng kiến trúc hiện nay còn lại sau nhiều lần trùng tu là từ thiết kế của Mạc Đĩnh Chi năm 1313 dưới thời vua Trần Anh Tông. Chùa Dâu thời Trần nổi danh là chùa trăm gian, tháp chín tầng, cầu chín nhịp, nay chỉ còn lại ba tầng tháp Hòa Phong, toàn bộ kiến trúc khác đều mới dựng lại. Thân tháp hình vuông, xây gạch trần nung già rất chắc chắn, có bốn cửa vòm cân đối bốn mặt.
Độc đáo nhất là tượng cừu nằm ngay bên phải cửa trước của tháp. Đó là một con cừu sừng xoắn, giống cừu thời xưa không có ở Việt Nam. Năm tháng nắng mưa và bao thế hệ phật tử tiếp xúc cầu khấn có lẽ đã để lại các vết lõm sâu trên đỉnh đầu và phần lưng cừu. Đây là dấu tích vật chất của văn hóa Ấn gắn với sự xuất hiện các vị sư Ấn Độ đến truyền đạo Phật ở Luy Lâu. Dấu tích văn hóa Ấn còn thể hiện ở chấm tròn trên trán tượng đồng bà Dâu – Pháp Vân, hiện thờ trong chính điện.

Tượng cừu sừng xoắn

Cách chùa Dâu vài cây số, ngược lên đê hữu ngạn sông Đuống, là chùa Bút Tháp, vốn được coi là một trong những ngôi chùa cổ đẹp và hoàn thiện nhất về kiến trúc, cảnh quan và tượng Phật. Có người cho rằng, chùa có từ thế kỷ XIII, nhưng cấu trúc quy mô là ở thế kỷ XVII (1647) dưới thời chúa Trịnh. Đến những năm 1992-1996, chùa được tu bổ hoàn chỉnh.
Gác chuông chùa Bút Tháp

Chùa có cấu trúc đăng đối từ tam quan, gác chuông hai tầng tám mái đến các tòa tiền đường, trung đường, hậu đường đều đối xứng qua trục Thần Đạo dài hơn 100m. Hành lang dài có mái bao bọc quanh chùa, du khách vãn cảnh chùa có thể tìm nhiều góc nhìn đẹp với những đầu đao cong vút trên mái, các nền bệ lan can đá, cửa cuốn giữa cây lá thanh tịnh. Chùa Bút Tháp có tới 50 bức chạm khắc đá dọc theo lan can và trên thành cầu đá nhỏ, chủ đề thiên nhiên, nét khắc tinh tế.

Cầu đá và lan can chạm khắc đá Tháp đá Bảo Nghiêm

Chùa có ngọn tháp đá ngũ giác, gồm năm tầng, cao hơn chục mét, tuy tên tháp là Bảo Nghiêm nhưng chính vua Tự Đức khi viếng thăm, thấy ngọn tháp như hình cây bút viết lên trời xanh, đã gọi tên là Bút Tháp. Độc đáo nhất trong Thượng điện chùa Bút Tháp là pho tượng gỗ nguyên bản Phật Quan Âm nghìn tay nghìn mắt được tạc từ giữa thế kỷ XVII. Đây có thể coi là kiệt tác điêu khắc gỗ Việt Nam với các chi tiết, hoa văn quen thuộc. Gương mặt Phật an nhiên, sáng suốt, nhưng lại hết sức gần gũi, trong mỗi bàn tay xòe ra đều có hình con mắt, các cánh tay sắp xếp cực đẹp, như ánh hào quang lan tỏa. Trong chùa còn có hơn 70 tượng gỗ đề tài Phật giáo như Phật A di đà, Kim đồng, Ngọc nữ, các La Hán… rất sinh động.

Tượng Quan âm nghìn mắt nghìn tay

Hai ngôi chùa cổ đất Thuận Thành luôn là điểm thăm viếng lý thú của hầu hết du khách trong hành trình về Kinh Bắc, vùng châu thổ nghìn năm có nhiều danh lam thắng cảnh.
NGUYỄN VIỆT BẮC