Tác phẩm múa “Những con người huyền thoại” được đánh giá cao |
Tuy nhiên có không ít tác phẩm được gắn với cái mác “hiện đại” hay “đương đại” lại khiến những người trong cuộc khi xem cũng không thể hiểu nổi vì nó được làm theo kiểu “tương đại”...
Hội thảo Những vấn đề hiện đại trong nghệ thuật xây dựng tác phẩm múa Việt Nam do Hội Nghệ sĩ múa VN tổ chức vào ngày 4.12 tại Hà Nội nhằm định ra phương hướng phát triển nghệ thuật trong sáng tạo múa khi phản ánh những vấn đề của hiện đại.
Ngay từ đầu hội thảo, PGS.TS.NSND Lê Ngọc Canh đã chỉ thẳng, bên cạnh những tác phẩm thành công thì không thiếu những tác phẩm thiếu tính thẩm mĩ, ngôn ngữ thiếu sáng tạo, rất chung chung, rất quen thuộc, thật khó hiểu tác phẩm phản ánh cái gì, nói cái gì? Nhận định này cũng là của số đông khán giả khi tiếp cận một số tác phẩm múa gần đây được gọi là “hiện đại” hay “đương đại”. Có rất nhiều tác phẩm mà người xem không thể hiểu nổi, không lẽ trình độ và kiến thức của công chúng ngày nay khó có thể thẩm thấu được những ý tưởng cài cắm ở một số tác phẩm?
Với ba mươi tham luận, nhiều nhà nhiên cứu, biên đạo và nghệ sĩ đã đi sâu nhìn nhận về mọi góc độ trong quan niệm về múa hiện đại và đương đại. Múa hiện đại và đương đại là hai khái niệm không đồng nhất. Múa hiện đại có thể coi là những gì mới, mốt, thời thượng, gắn bó với sự thể hiện tìm tòi sáng tạo. Đương đại gắn với thời gian, không lặp lại qua từng giai đoạn lịch sử. Những điệu múa xuất hiện tại thời điểm hiện tại là múa đương đại.
Cụm từ “hiện đại”, “đương đại” chỉ nhằm nói tới cái mới, tính cập nhật với thời cuộc, với thực tế đời sống, sinh hoạt của mỗi đất nước, mỗi dân tộc. Ngành múa đã có rất nhiều tác phẩm múa hiện đại và đương đại được ghi nhận như: Bà mẹ miền Nam, Võ Thị Sáu người con gái đất đỏ, Bão táp Thăng Long, Cánh chim biên giới, Phan Đình Giót, Trở lại Điện Biên, Những con người huyền thoại, Trăng thề, Mênh mang mùa xuân, Bến lũy, Kẹp ba lá, Đồng đội, Mùa nước nổi, Hồn đá, Đạp bằng sóng gió, Vệt sáng...
Theo nhà phê bình múa Thái Phiên, con đường sáng tạo múa hiện đại của các nhà làm nghệ thuật múa hiện đại - đương đại VN không thể xa rời tính dân tộc mới có thể tạo nên một tác phẩm hiện đại, không lai căng, mất gốc.
Qua cách nhìn đó, ông cũng đã liệt kê ra hàng loạt các hiện tượng “tương đại” như, đầu thế kỉ 19, phần lớn các tác phẩm múa của ta đều dựng theo phong cách múa hiện đại châu Âu. Sự dập khuôn, sao chép một cách máy móc, khiên cưỡng đã khiến các động tác, tư thế nhảy múa, cách biểu hiện tình cảm trong nhiều tác phẩm đều na ná, lạnh lùng, vô cảm.
Trên sân khấu diễn viên tự do quăng quật, ra vào tự do, vô cớ “lăn đùng, ngã ngửa, giãy đành đạch”! Rất nhiều tác phẩm múa thì xử lí âm nhạc như một thứ nhạc đệm, múa một đằng, nhạc một nẻo; rất nhiều điệu múa được dàn dựng theo chủ quan của tác giả, không có nội dung, chủ đề và người xem rất khó hiểu. Có người đã nói ngay sau đêm diễn: “Chịu, chẳng hiểu là cái gì cả!”.
Nhà biên đạo múa Thái Bá kể rằng ông và đồng nghiệp đã chứng kiến “cái chết tức tưởi” của vở múa Màu xanh bất diệt về đề tài bảo vệ môi trường với sự tham gia của gần 50 diễn viên có tay nghề thuộc đẳng cấp cao, ê kíp sáng tạo thuộc hàng ưu tú của TP.HCM. Tiếc thay tác phẩm có dung lượng 50 phút và dàn dựng tốn trăm triệu đồng mà chỉ diễn được 3 buổi. Số vé bán buổi đầu là 18 vé, hai đêm sau chỉ tới có 10 người...
Nguyên do là tác phẩm quá “rắc rối” trong chuyển tải nội dung, bố cục tác phẩm không ăn nhập với đề tài, các thủ pháp sân khấu cầu kỳ nhưng lại tùy tiện... Tất cả đã khiến vở hoàn toàn trở nên xa lạ, khó hiểu.
Hiện đại trong quá trình xây dựng tác phẩm là một đòi hỏi không hề mới, nhưng nhiều năm qua trong quá trình sáng tác và biểu diễn đã cho thấy ngành múa VN cần phải có sự định hướng hơn nữa để làm sao các sáng tạo không trở nên xa lạ với đời sống.
NSND Chu Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa VN cho rằng, hội thảo lần này nhằm nâng cao chất lượng sáng tác, những ý kiến trao đổi về sáng tạo có thể chưa đồng thuận, chưa dứt điểm vẫn phải tiếp tục có sự bàn bạc trao đổi...
Tuy nhiên, bằng lý luận và thực tiễn, những người làm nghệ thuật múa đều đã thống nhất được phần nào những tư duy cụ thể hơn trong sáng tác múa như cách lựa chọn đề tài, cấu trúc, xây dựng ngôn ngữ sử dụng công nghệ cao, không gian, môi trường trình diễn, kỹ năng biểu diễn của nghệ sĩ, xử lý âm nhạc cho tới công tác đào tạo diễn viên để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của công chúng hôm nay.
Thúy Hiền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét