Thứ Năm, 28 tháng 3, 2013

À ơi, đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm


À ơi, đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm

Xa quê một cơ số năm, nhưng tôi vẫn nhớ từng ngõ ngách, những con phố, hàng ăn của đất Tam Kỳ. Quảng Nam quê tôi không nhộn nhịp, nhưng có gì đó làm người đi xa phải lưu luyến.

Lồng đèn Hội An

Quảng Nam có diện tích lớn thứ 6 trên cả nước. Có 16 huyện và 2 thành phố. Là tỉnh phía Đông giáp với biển Đông, phía Tây giáp với Lào, phía Bắc Quảng Nam giáp tỉnh Thừa Thiên - Huế và thành phố Đà Nẵng, phía Nam giáp Quảng Ngãi. Các con sông lớn đều chảy từ dãy Trường Sơn ra biển Đông: sông Vu Gia, sông Thu Bồn, sông Tam Kỳ. Hai dòng sông Thu Bồn và Tam Kỳ vừa tô điểm cho Quảng Nam vừa là đường giao thông rất tiện lợi. Quảng Nam mang trong mình nhiều tiềm năng du lịch với 2 di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn và Hội An, cùng với Trà Kiệu, địa đạo Kỳ Anh... là di sản văn hóa cấp quốc gia.

Sông Thu Bồn hiền hòa - Ảnh:Trúc Ly

Quảng Nam còn lưu giữ nhiều dấu tích của Chăm Pa cũ, và đặc biệt hơn, Hội An từng là thương cảng lớn của Việt Nam vào thế kỷ XVI. Trên 220 di tích lịch sử cách mạng trong đó có 17 di tích xếp hạng quốc gia được giữ gìn và tôn tạo; xây dựng thêm hàng trăm nhà làng truyền thống (nhà Gươl, Rông…) cho đồng bào các dân tộc.

Người dân Quảng vẫn cần cù bao đời - Ảnh: Trúc Ly

Quảng Nam được mọi người biết đến không chỉ là mảnh đất anh hùng mà nơi đây còn là quê hương của biết bao anh hùng dân tộc: Huỳnh Thúc Kháng, Trần Cao Vân, Phan Châu Trinh, Hoàng Diệu, Trần Qúy Cáp, Nguyễn Văn Trỗi... Từ đầu Triều Nguyễn, tại Quảng Nam đã hình thành một trung tâm văn học được coi là đứng thứ hai của đất nước sau trung tâm văn học cổ kính của thủ đô Hà Nội.

Một góc yên bình của Đại Lộc - Ảnh: Trúc Ly

Quảng Nam đã sản sinh ra nhiều danh nhân khoa bảng. Tiêu biểu là Khoa thi năm Mậu Tuất (1898), toàn quốc có 18 vị Tân Khoa, thì Quảng Nam có 5 vị, 3 Tiến Sĩ và 2 Phó Bảng. Ðó là một điều hy hữu trong lịch sử thi cử của nước nhà. Kể từ các triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn có tất cả 187 khoa thi Tiến Sĩ với 2971 người đậu Tiến Sĩ nhưng chưa có khoa nào 5 người đồng hương cùng đậu. Vua Thành Thái và triều Nguyễn đã ban danh hiệu "Ngũ Phụng Tề Phi" để khen tặng. Năm vị đó là các ông Phạm Liệu, Phan Quang, Phạm Tuấn, Ngô Lý và Dương Hiển Tiến.
Ngoài ra khoa Tân Sửu (1901) Quảng Nam có 4 vị đỗ đồng khoa Phó Bảng là các ông Nguyễn Ðình Hiến, Nguyễn Mậu Hoán, Võ Sỹ và Phan Chu Trinh. Bốn vị này được mệnh danh là Tứ Kiệt. Những danh hiệu Ngũ Phụng Tứ Phi hay Tứ Kiệt nói lên tài học và sự vinh hiển đậu đạt của các danh sĩ Quảng Nam, con cháu người Quảng Nam nói chung và Tộc Trần nói riêng lấy đó làm vinh dự và noi gương.

Chùa Cầu lặng lẽ về chiều - Ảnh: Trúc Ly

Nếu ai biết đến Quảng Nam với một Mỹ Sơn mang lối kiến trúc cổ kính thì cũng nên ghé tới một số điểm sau, đây cũng là nơi gắn liền với di tích Chăm Pa, nhưng ở cấp độ nhỏ, 1 vài tháp rải rác, không thành cụm như Mỹ Sơn, nhưng nó cũng một phần nào cho ta thấy được lối kiến trúc Chăm Pa độc đáo rải rác trên miền đất học này:
- Phế tích kinh thành Trà Kiệu: Thuộc xã Duy Sơn (Duy Xuyên), là nơi đặt kinh đô của nước Lâm Ấp (Champa) từ khoảng năm 605 đến năm 757, với tên gọi là Simhapura.
- Tháp Chiên Đàn: Tọa lạc ở làng Chiên Đàn (Tam Kỳ). Các nhà nghiên cứu xếp Chiên Đàn vào nhóm tháp thuộc phong cách chuyển tiếp giữa phong cách Mỹ Sơn A1 và phong cách Bình Định, có niên đại cuối thế kỷ X đầu thế kỷ XI.
- Tháp Bằng An: Thuộc xã Điện An (Điện Bàn). Tháp xây dựng theo hình bát giác, chóp tháp nhọn, thon, bên trong thờ linga bằng đá, có giá trị cao về mặt lịch sử liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng của người Chăm, niên đại khoảng thế kỷ XII.

Tháp Bằng An

- Tháp Khương Mỹ: Thuộc xã Tam Xuân 1 (Núi Thành), gồm có 3 tháp, là kiểu tháp Chăm truyền thống với mặt bằng gần vuông, mái tháp gồm 3 tầng, có niên đại đầu thế kỷ X.
Lễ hội ở Quảng Nam cũng hết sức phong phú và đa dạng, gồm các lễ hội của người dân miền núi, miền biển, lễ hội nông nghiệp, lễ hội tôn giáo… Tất cả đều mang yếu tố tín ngưỡng, tâm linh, được tổ chức đều đặn hàng năm để cầu mong cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an; để ngợi ca những bậc tiền nhân; hướng về cội nguồn, truyền thống của dân tộc và thể hiện khát vọng vươn tới chân, thiện, mỹ của con người nơi đây. Đáng chú ý là một số lễ hội tiêu biểu như sau:
- Lễ hội Bà Thu Bồn: Tổ chức vào ngày 12 tháng 2 âm lịch tại dinh Bà Thu Bồn ở xã Duy Tân (Duy Xuyên) nhằm tưởng nhớ Bà Thu Bồn, người đã có công gây dựng nghề nông - ngư nghiệp cho cư dân nơi đây.

Lễ hội Bà Thu Bồn

- Lễ hội Long Chu: Tổ chức vào ngày 15 tháng 7 âm lịch ở Hội An để trừ ôn, tống dịch.
- Lễ hội Cầu Bông: Tổ chức vào một ngày thuận tiện của mùa xuân hàng năm tại Hội An. Lễ hội có ý nghĩa như một nghi lễ mở mùa cho một năm mới, cầu cho dân được mùa, nhà nhà bình an và thịnh vượng.
- Lễ vía Bà Thiên Hậu: Do người Hoa ở Hội An tổ chức vào ngày 23 tháng 3 âm lịch hàng năm để cúng Thiên Hậu - vị nữ thần biển của cư dân Trung Hoa.
- Lễ Nguyên tiêu: Tổ chức vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch. Đây là lễ cúng đầu năm của hai bang Triều Châu và Quảng Đông của người Hoa ở Hội An.
- Lễ tế cá Ông: Tổ chức vào dịp cầu ngư hàng năm tại các làng chài Hội An nhằm tri ân cá Ông đã cứu giúp người dân đi biển thoát khỏi hoạn nạn.

Lễ tế cá Ông

- Lễ cúng tổ Minh Hải: Tổ chức tại chùa Chúc Thánh (Hội An) vào ngày 07 tháng 11 âm lịch hàng năm. Lễ cúng tổ Minh Hải, người sáng lập ra dòng Lâm Tế Chúc Thánh ở Hội An.
Làng và làng nghề truyền thống:
Ở Quảng Nam có nhiều làng nghề truyền thống như: làng gốm Thanh Hà (Hội An), làng mộc Kim Bồng (Hội An), làng đúc đồng Phước Kiều (Điện Bàn), làng dệt Mã Châu (Duy Xuyên), làng dâu tằm Đông Yên - Thi Lai (Duy Xuyên), làng dệt chiếu cói Bàn Thạch (Duy Xuyên), làng rau Trà Quế (Hội An), làng trống Lam Yên (Đại Lộc)… Những làng nghề này hiện vẫn đang hoạt động và sản xuất bằng những quy trình kỹ thuật truyền thống.

Làng gốm Thanh Hà, Hội An

Về ẩm thực không thể không kể đến:
- Mỳ Quảng: Từ lâu đã được biết đến như cái “hồn” nghệ thuật ẩm thực của vùng đất Quảng Nam. Mỳ được làm từ lá bánh tráng thái thành sợi, nhân mỳ thường được chế biến từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau: tôm, gà, thịt heo, thịt bò, cá lóc, cua... Nhưng là nhân gì đi nữa thì mỳ Quảng cũng không thể thiếu cái bánh tráng nướng, trái ớt xanh, lát chanh, vài hạt đậu phộng và đĩa rau sống đi kèm.
- Cao lầu: Là món ăn riêng có của Hội An. Sợi cao lầu được cán từ bột gạo ngâm với nước tro, hấp qua 3 lần lửa, nên cứng và có màu vàng tự nhiên. Nhân cao lầu chủ yếu là thịt xá xíu, trộn với ít tép mỡ làm bằng sợi mì chiên dòn ăn với sợi cao lầu, rau sống, xì dầu, tương ớt. Cao lầu ngày càng được nhiều thực khách trong, ngoài nước biết đến.

Cao lầu Quảng Nam

- Bánh bao - bánh vạc: Là hai loại bánh có tên gọi khác nhau nhưng thường có mặt trong cùng một đĩa bánh và cùng có chung một loại nước chấm không quá mặn, không quá nhạt và có hương thơm, vị ngọt của thịt tôm. Nguyên liệu chính để làm bánh là gạo, tôm tươi, muối, tiêu, hành, nấm mèo, giá, lá hành, thịt heo và một vài loại gia vị khác. Do có hình dáng như những đóa hoa hồng nên bánh bao - bánh vạc còn có tên gọi là “white rose” (hoa hồng trắng). Đây là món ăn khá phổ biến trong thực đơn của các nhà hàng, quán ăn ở thành phố Hội An.

Bánh vạc

- Bánh ít lá gai: Được làm từ gạo nếp, đậu xanh, mật đường, lá cây gai, lá chuối, bánh có hình dáng mộc mạc, chân chất như những sản vật miền thôn dã nhưng vẫn hàm chứa cái hương vị rất riêng của vùng đất Quảng Nam. Bánh ít lá gai được bày bán nhiều nhất ở Hội An, ngay trên những khu phố, chợ và trong các nhà hàng, quán ăn.
- Bê thui Cầu Mống: Là đặc sản ẩm thực của vùng đất Quảng Nam đã có từ rất lâu và ngày càng được nhiều thực khách biết đến. Để có được món ngon này, người ta phải thực hiện qua nhiều công đoạn, từ khâu chọn bò, quay bò, thái thịt đến cách pha chế nước chấm và chọn rau để ăn kèm với bò tái cũng được thực hiện một cách kỹ lưỡng.

Bê thui Cầu Mống

- Rượu tavak: Là loại rượu truyền thống của người Katu, có màu trắng đục, vị ngòn ngọt, mát lạnh. Rượu tavak được chế biến từ nước thân cây đoác mọc tự nhiên trong rừng. Cách lấy nước cây đoác là một bí quyết của người Katu không phải ai cũng có thể làm được. Khi đã lấy được nước đoác, người ta chỉ cần bỏ thêm vỏ cây chuồng vào nước cây đoác là đã có ngay một loại rượu tavak uống rất ngon và bổ dưỡng.
Ngoài ra còn có bánh đập, bún mắm nêm... cũng làm thực khách xao xuyến.
Nếu có dịp đến Quảng Nam, bạn đừng bỏ qua hồ sinh thái Phú Ninh, hồ cung cấp nước cho cả thành phố Tam Kỳ, thuộc huyện Phú Ninh, hay biển Bàn Than cực hấp dẫn, hố Giang Thơm lộng lẫy bạn nhé!

Hồ Phú Ninh đẹp như tranh vẽ

 
Biển Bàn Than lung linh dưới nắng chiều

Hố Giang Thơm tuyệt tác tự nhiên

Trúc Ly tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét