Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

GIÁO DỤC THỜI PHONG KIẾN NHẬT BẢN VÀ VIỆT NAM


GIÁO DỤC THỜI PHONG KIẾN NHẬT BẢN VÀ VIỆT NAM - 


Việt Nam và Nhật Bản là hai quốc gia nằm ở khu vực Đông Á, nên có nhiều điểm tương đồng về lĩnh vực giáo dục (chịu ảnh hưởng Nho giáo Trung Hoa, trọng chữ hiếu, cùng tiếp thu chữ Hán,...), nhưng xét kỹ, nền giáo dục thời phong kiến ở Việt Nam và Nhật Bản vẫn có những điểm khác biệt rõ rệt.


1. Nền giáo dục Nhật Bản

Nền văn hóa Nhật Bản ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa từ khá sớm. Ngay những thế kỷ đầu CN, người Nhật đã tiếp xúc chữ Hán để giao thiệp với bên ngoài. Tư tưởng Nho giáo đã được người Hàn truyền bá vào Nhật Bản. Tại Nhật Bản, các vương triều khi mới thành lập và củng cố bộ máy nhà nước, lấy học thuyết Nho giáo để làm công cụ cai trị đất nước. Do đó, quan niệm mới về quyền lực của đế vương đã hình thành ở Nhật Bản. Thời kỳ lịch sử này đã đặt nền móng cho nền giáo dục Nhật Bản thời phong kiến trong những thế kỷ tiếp theo.
Với sự thiết lập hệ thống ritsurio (pháp luật) theo mô hình Trung Hoa vào TK VII, hai loại trường dành cho giới quý tộc được hình thành, trong đó, trường daigakukyo dạy cho con em giới quý tộc ở kinh thành, và kokugaku dạy cho con em giới quý tộc tại tỉnh. Vào giai đoạn này dù đã có chữ viết riêng, nhưng nền học vấn Nhật Bản vẫn chưa đáng kể, chủ yếu dựa trên nền học vấn Trung Hoa. Tiếng Trung được người Nhật coi là ngôn ngữ chủ yếu trong công việc và đời sống. Đặc biệt, biết tiếng Trung cũng là điều kiện để được lựa chọn vào bộ máy quan lại...
Thời Kamakura (1185-1333), khi quyền lực chính trị chuyển sang đẳng cấp binh sĩ ở tỉnh, các samurai đã soạn thảo kakun (gia luật) để dạy con em và đảm bảo tính đoàn kết trong gia đình. Chương trình giảng dạy tập trung vào học thuyết của Khổng tử. Vào những năm cuối của TK XVI, trường học phát triển mạnh, số học sinh đăng ký lên đến 3.000 (1).


Sang thời Edo (1600-1868), tỉ lệ người biết chữ khá thấp, thày dạy chữ hầu hết là các nhà sư, những người học phải là con nhà quý tộc. Cuối thời Edo, trường dạy kinh điển Trung Hoa theo cấp lớp cho con em thuộc đẳng cấp samurai và con em quý tộc địa phương, trường học dành cho dân thường biết đọc, biết viết ra đời. Đặc biệt, vào năm 1633, Tokugawa Ieyasu đã cho xây dựng học viện Shoheiko để nghiên cứu Khổng giáo, lập đền thờ Khổng tử và thất thập nhị hiền, khôi phục nghi lễ đạo Khổng. Các daimyo hăng hái bảo trợ cho Khổng giáo, mời thày về giảng dạy. Nho học thời Edo lấy Tống học, đại diện là Chu Hy (1130-1200), làm tư tưởng cơ bản. Tư tưởng Tống học được tăng lữ Phật giáo Nhật Bản tiếp nhận từ cuối TK XII và được phổ biến trong TK XV. Vào TK XVII, bối cảnh kinh tế xã hội có nhiều biến đổi, tư tưởng siêu thoát của Phật giáo không giải quyết được vấn đề xã hội đang đặt ra. Vì vậy, tư tưởng thực tiễn của Chu Hy đã đáp ứng được những vấn đề cấp bách của xã hội Nhật Bản lúc đó. Ngoài ra, nho học còn là công cụ hữu hiệu để chính quyền Tokugawa củng cố, duy trì trật tự phong kiến, nhất là thể chế Mạc phủ của dòng họ. Đặc biệt, dưới thời Edo, kinh điển Trung Hoa được coi là kho tàng kiến thức của người Nhật, công việc chính trong trường học do các thị tộc phong kiến điều hành là chuyên cần học tập để lĩnh hội những kinh điển này. Mặt khác, trường học thời Edo còn là sự kết hợp các chức năng giữa nhà trường và nhà thờ của xã hội phương Tây.  


Như vậy, trong buổi đầu lịch sử, từ chỗ chưa có gì đáng kể, thông qua việc du nhập văn hóa nước ngoài và qua một thời kỳ trải nghiệm, Nhật Bản đã lựa chọn cho mình một nền giáo dục khác với người Hán.


2. Nền giáo dục Việt Nam

Vào thời kỳ đầu của nhà nước phong kiến tự chủ, Nho giáo chưa mạnh, nhưng nó đã cùng với chữ Hán tồn tại trong xã hội Việt Nam. Chế độ giáo dục và thi cử theo tinh thần Nho giáo cũng theo đó mà phát triển. Lúc đầu, số nho sĩ ít, nên ảnh hưởng của họ trong xã hội còn hạn chế.
Để đào tạo nhân tài và tuyển lựa quan lại cho bộ máy hành chính, nhà Lý bắt đầu chăm lo việc học tập và thi cử: năm 1070, cho dựng Văn Miếu, đúc tượng Khổng tử, Chu Công; năm 1075, mở khoa thi đầu tiên để lựa chọn nhân tài; năm 1076 mở Quốc tử giám làm nơi dạy học cho con vua và con em hàng ngũ quý tộc, quan lại; mở khoa thi với các môn thi viết, làm tính, hình luật,... Từ đây, Nho giáo bắt đầu có địa vị thống trị xã hội.
Đến thời Trần, vương triều đã chính quy hóa, tạo nề nếp quy củ cho việc học hành, thi cử, lập Quốc học viện để con em quý tộc, quan lại vào học. Cũng trong thời kỳ này thể lệ thi cử, học vị được quy định. Năm 1247, nhà Trần đặt danh hiệu tam khôi (ba học vị trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa) dành cho ba người thi đỗ xuất sắc trong các kỳ thi đình.
Sang thời Hồ, chủ trương mở rộng trường học ở các lộ, châu, phủ của Hồ Quý Ly đã thể hiện sự quan tâm đến công việc học hành. Nhiều nhà nho đã xuất hiện và ngày càng có địa vị trong xã hội như Mạc Đĩnh Chi, Lê Văn Hưu, Nguyễn Phi Khanh,... Trong nhiều năm, các kỳ thi tam giáo vẫn ngự trị việc thi cử.
Do yêu cầu phát triển của bộ máy phong kiến quan liêu, chế độ giáo dục và thi cử thời Lê sơ khá phát triển. Ngay từ năm 1428, Lê Lợi đã hạ lệnh dựng lại Quốc tử giám, mở trường học ở các lộ. Năm 1429, Lê Lợi mở khoa thi minh kinh để khảo sát lại các quan văn, võ từ tứ phẩm trở xuống và tuyển lựa nhân tài xung vào bộ máy quan liêu. Trải qua các đời vua Thái Tông, Nhân Tông, chế độ thi cử càng được tổ chức đều đặn và quy củ. Năm 1442, triều đình mở khoa thi hội đầu tiên lấy 33 người đỗ tiến sĩ. Vào thời vua Lê Thánh Tông, nhà nước còn bổ sung nhiều quy định trong thể lệ thi cử. Ở các đạo Thừa Tuyên đều có trường thi hương, cứ 3 năm nhà nước mở một kỳ thi hương và năm sau mở khoa thi hội ở kinh đô. Ngoài kỳ thi hương, hội, nhà nước còn tổ chức các kỳ thi với hai môn viết chữ, làm toán để chọn lại viên và khoa thi minh kinh, hoàng từ, nho thần để khảo hạch quan lại. Từ năm 1484, Lê Thánh Tông sai dựng bia đá ở Văn Miếu, khắc tên những người đỗ từ khoa thi hội đầu tiên (1442) để tôn vinh những người đỗ đại khoa và khuyến khích học tập, thi cử.
Chế độ giáo dục, thi cử thời Lê sơ được mở rộng hơn các triều đại trước. Thời kỳ này con em mọi tầng lớp nhân dân đều được tham gia dự thi. Nhưng để đảm bảo sự trung thành của sĩ tử, vua Lê Thánh Tông đặt lệ bảo kết hương thí, bắt các xã đảm bảo người đi thi phải có đức hạnh, phải khai lý lịch ba đời gọi là cung khai tam đại. Nếu là con cháu xướng cangụy quan, hay kẻ chống đối triều đình thì không cho dự thi. Gần 100 năm từ khoa thi hội năm 1442 đến khoa thi cuối cùng 1526, nhà Lê sơ đã mở 26 khoa thi, lấy đỗ 988 tiến sĩ. Để khuyến khích học tập, ngoài việc bổ dụng những người đỗ đạt làm quan, Lê Thánh Tông còn định lệ xướng danh, vinh quy. Thời Lê sơ, đặc biệt thời Lê Thánh Tông, là một thời kỳ thịnh đạt của nền giáo dục, khoa cử phong kiến Việt Nam. Riêng 38 năm dưới thời trị vì của Lê Thánh Tông (1460-1497) đã có 12 khoa thi hội lấy 501 người đỗ tiến sĩ, trong đó có 10 trạng nguyên. Cũng trong thời Lê sơ có những kỳ thi hội số thí sinh đông tới hàng ngàn người như khoa thi năm Ất Tỵ (1475) có đến 3000 người dự thi (2).
Sự phát triển giáo dục đã tạo ra hàng loạt người bổ sung vào bộ máy phong kiến quan liêu đang phát triển, phục vụ công cuộc xây dựng đất nước, nâng cao dân trí; đồng thời cũng sản sinh ra nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà sử học lỗi lạc của dân tộc.
Sang TK XVI, XVII các triều đại quân chủ ở Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì và có lúc mở rộng chế độ giáo dục thi cử nhằm đào tạo quan lại đáp ứng nhu cầu của bộ máy nhà nước ngày một cồng kềnh. Tuy nhiên, cùng với sự suy thoái của nhà nước quân chủ chuyên chế tập quyền, chất lượng học hành thi cử cũng giảm sút dần. Những nguyên tắc đạo đức và lễ giáo Tống nho không còn tác dụng thuyết phục, mà chỉ là hình thức suông. Càng về sau, người đi thi chỉ cần học thuộc lòngtứ thư, ngũ kinh do Bùi Huy Bích sắp xếp và tóm tắt. TK XVIII, nền giáo dục được phổ biến đến tận thôn, xóm. Vua Quang Trung đã ban hành Chiếu lập học, các xã phải lập ra nhà xã học, chọn người hay chữ và có đức hạnh phụ trách việc giảng dạy gọi là xã giảng dụ, cho phép các địa phương sử dụng một số đền, chùa làm trường học. Những chính sách trên đã chứng tỏ vua Quang Trung có hoài bão muốn xây dựng một nền học thuật, giáo dục dân tộc, nâng cao ý thức độc lập tự cường, thoát khỏi ràng buộc của nền giáo dục khuôn sáo cũ (3).
Nền giáo dục thời Nguyễn không có gì khác so với các triều đại trước. Nội dung học tập bao gồm tứ thư, ngũ kinh. Tuy vậy, sản phẩm của nền giáo dục Hán học mà nhà Nguyễn duy trì và phát triển trong suốt TK XIX đã không đủ năng lực, trình độ để giải quyết những yêu cầu cấp bách về kinh tế, chính trị, xã hội, bởi, nội dung học tập và phương pháp đào tạo không còn phù hợp với thời cuộc.
Với chế độ khoa cử kéo dài hơn 700 năm, khuynh hướng trọng từ chương hư văn và chấp nhận sự độc tôn của hệ tư tưởng Nho giáo chính thống đã ăn sâu bắt rễ vào đời sống tư tưởng ở người dân nước ta.


3. Những điểm tương đồng

Nền giáo dục Việt Nam và Nhật Bản thời phong kiến thường do triều đình trực tiếp quản lý, thể hiện tính tập quyền trong việc quản lý đất nước.
Điểm chung dễ nhận thấy là những người tham gia dự tuyển muốn thi đậu để làm quan đều phải bước qua cửa Khổng, sân Trình. Nền giáo dục này hoàn toàn tách rời thực tế, những người học chỉ cần thuộc thi, thư, lễ, nghĩa. Lối học đó lấy sách quyết định tất cả, làm đầu óc con người mất đi sự suy nghĩ độc lập.
Vào thời Edo, đạo Khổng được chính quyền Mạc phủ chọn làm hệ tư tưởng chính thống. Tầng lớp võ sĩ trẻ tuổi rất coi trọng việc học tập, bởi vì, việc cai trị đòi hỏi những người có giáo dục và trung thành với chế độ. Điều này đã tạo nên một tầng lớp có kiến thức uyên bác về các học thuyết triết học phương Đông. Do đó, đền thờ Khổng tử được xây dựng ở nhiều nơi trên đất nước. Tương tự như Nhật Bản, tại Việt Nam vào năm 1070 nhà Lý cho xây dựng Văn Miếu để thờ Khổng tử, các triều đại phong kiến Việt Nam cũng coi Nho giáo như khuôn vàng thước ngọc - công cụ để cai trị đất nước.
Một điểm tương đồng giữa nền giáo dục thời phong kiến ở Nhật Bản và Việt Nam là thường chỉ phục vụ cho con cái quý tộc và quan lại cao cấp, nói cách khác, học vấn trong giai đoạn đầu ở hai nước chỉ hạn chế trong tầng lớp thống trị, còn những người lao động thường thuộc người ít học, thậm chí mù chữ.


4. Những điểm dị biệt

Vào thời Hakuho (TK VII), nền văn hóa Nhật Bản chịu ảnh hưởng trực tiếp của văn hóa Trung Hoa thời sơ Đường thông qua các đoàn sứ giả (4). Chính cuộc hội ngộ này đã giúp cho Nhật Bản có điều kiện chú trọng tới nền giáo dục hơn. Tương ứng với giai đoạn này ở Nhật Bản, Việt Nam đang trong thời kỳ nghìn năm Bắc thuộc, luôn phải chống lại mưu đồ đồng hóa, nên không có điều kiện xây dựng nền giáo dục. Cho tới TK X, khi đất nước giành được độc lập, Việt Nam mới tiếp nhận nền giáo dục của người Hán. Dưới thời văn hóa Hakuho, triều đình đã trực tiếp quản lý daigaku (đại học) ở kinh thành và giao cho các địa phương quản lý kokugaku (quốc học). Tuy nhiên, trường đại học chỉ thu nhận con cháu của quan lại từ ngũ vị trở lên, còn các trường quốc học dành cho con cháu của quan lại chức sắc địa phương. Đối tượng được thi cử và tuyển dụng cũng hạn chế trong số con cháu quý tộc, quan lại. Điều này khác với chế độ giáo dục, khoa cử ở Việt Nam - tất cả con em quan lại, quý tộc đều được dự thi, không phân biệt họ thuộc con cháu hàng ngũ quan lại thứ bậc nào.
Ở Nhật Bản nền giáo dục được hoàng gia đặc biệt quan tâm, nhất là khi Thái tử Shitoku (574-622) cho xây dựng ngôi chùa ở Nara để làm nơi học tập. Vào thời kỳ này, các nhà sư có vai trò rất lớn trong nền giáo dục toàn dân. Trong giai đoạn này, chùa trở thành trung tâm học tập của người Nhật. Trước khi du nhập ngôn ngữ Hán, nền giáo dục Nhật Bản chủ yếu được giảng dạy bằng cách kể truyền thống lịch sử và tập quán. Việc Nhật Bản tiếp nhận chữ viết đã tạo điều kiện để hình thành một nền giáo dục mang tính hệ thống hơn. Khác với Nhật Bản, Phật giáo được du nhập vào Việt Nam từ khá sớm, đặc biệt, thời Lý - Trần, Phật giáo còn được coi là quốc giáo, với nửa nước là sư, cchùa chiền mọc lên như nấm, nhưng hệ thống chùa ở Việt Nam lại không phải là trường học của các địa phương.
Nền giáo dục Việt Nam thời phong kiến chính là sự mô phỏng nền giáo dục của Trung Hoa. Chẳng hạn, ở Việt Nam cũng đặt thêm kỳ thi hương do làng xã tiến cử gọi là cử tử, hoặc cử nhân, mà không qua khoa thi tại các địa phương. Chế độ khoa cử này được nhà nước đặc biệt quan tâm và đóng vai trò quan trọng trong việc tuyển lựa quan lại. Bên cạnh đó, ở Việt Nam còn định ra chế độ khoa cử với nội dung nặng về kinh nghĩa và đặt ra lệ tam giáp như người Hán. Chính nền giáo dục này đã không phát hiện được khả năng tiềm ẩn của mỗi cá nhân, những sáng tạo của con người cũng không được quan tâm phát huy. Khác với Việt Nam, ở Nhật Bản không có chế độ cử tử và không tổ chức các kỳ thi hương, hội, đình để tuyển lựa quan lại cho bộ máy quan liêu.
Nền giáo dục Việt Nam chịu ảnh hưởng nền giáo dục Trung Hoa, đào tạo theo lối từ chương, sáo rỗng, rèn con người theo một khuôn mẫu định sẵn làm cho người học bị động, thiếu tính sáng tạo. Ngoài ra, những người bị liệt vào xướng ca vô loài đều không được dự thi. Còn ở Nhật Bản ít chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Hán, nói cách khác văn hóa Nhật Bản một phần do người Hàn truyền bá, một phần do người Nhật sang Trung Hoa học chữ Hán rồi quay trở lại quê hương xây dựng văn hóa đất nước, do đó, nền giáo dục của Nhật Bản hoàn toàn do chủ nhân người Nhật xây dựng.
Một điểm khác giữa nền giáo dục thời phong kiến ở Nhật Bản và Việt Nam là Việt Nam không tạo ra một định lý hay định luật nào. Từ thời Trần, Hồ,... môn toán học mới được áp dụng vào các kỳ thi, tiêu biểu trong số những nhà toán học phải kể tới Lương Thế Vinh, Vũ Hựu,... Song, mãi tới đầu TK XX, toán học Việt Nam vẫn chỉ dừng lại với những bài toán đố ở trình độ sơ cấp. Bên cạnh đó, người Việt có nếp sống vị tình, vị nể, đại khái theo kiểu chín bỏ làm mườilọt sàng xuống nia cũng là trở ngại lớn cho việc đi tới những kết luận chính xác, khoa học,... Ngay cả việc sinh ra một nhân vật được gọi là tử như người Hán (Khổng tử, Mạnh tử, Chu tử, Nhan tử,...) cũng không có. Người Việt có trí tuệ, thông minh, nhưng không có thói quen tổng kết, đúc rút kinh nghiệm nâng lên thành lý luận. Trái ngược với Việt Nam, ở Nhật Bản ngay từ TK VII học sinh đã được học môn toán. Chính việc tiếp xúc với khoa học tự nhiên từ khá sớm đã giúp người Nhật chú trọng phát triển khoa học kỹ thuật, đưa đất nước trở thành một trong những cường quốc kinh tế lớn của thế giới.
Nền giáo dục Việt Nam chủ yếu đào tạo bằng chữ Hán, không hướng đến quảng đại quần chúng, chỉ có số ít người được học hệ thống chữ này. Còn tại Nhật Bản, do xây dựng được hệ thống chữ viết riêng, nhiều trường học ra đời, đặc biệt thời Edo (1600 - 1868) 40% dân số Nhật biết chữ (5).
Trước khi văn hóa Việt Nam tiếp xúc với văn hóa phương Tây, đội ngũ trí thức Việt Nam đã được đào tạo gần một nghìn năm sử dụng ngôn ngữ, văn tự Hán. Do đó, vào cuối TK XIX, sự chống đối, đề kháng văn hóa phương Tây quyết liệt hơn thời kỳ tiếp xúc văn hóa Đông Á. Bởi vì, trong một nghìn năm Bắc thuộc, dân tộc Việt Nam bị rơi vào ách cai trị hà khắc của phong kiến phương Bắc, nhưng họ đang trong bối cảnh chưa có đội ngũ trí thức. Còn vào cuối TK XIX, Việt Nam đã có đội ngũ trí thức nho học, đội ngũ này quyết liệt chống lại sự du nhập văn hóa phương Tây vào Việt Nam. Trong các triều đại Việt Nam, triều Nguyễn là triều lệ thuộc vào phong kiến phương Bắc nhiều nhất. Cho nên, vào cuối TK XIX, trước đòi hỏi của lịch sử cần phải thay đổi đất nước, với những đề nghị canh tân của các nhà tư tưởng như Nguyễn Trường Tộ và Nguyễn Lộ Trạch,… họ đã vấp phải sự im lặng của triều đình nhà Nguyễn, gặp phải sự ngoảnh mặt, làm ngơ của các nhà nho. Phải chăng người trí thức làm ngơ với văn hóa phương Tây cũng là một trong những nguyên nhân đưa Việt Nam rơi vào bi kịch bị mất nước? Nói cách khác, những ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc giống như bóng cây khổng lồ trùm phủ lên mảnh đất Việt Nam ngày xưa, khiến cho các thứ cây tư tưởng của người Việt bị cớm nắng. Khác với khái niệm sĩ ở Việt Nam, Trung Hoa dùng để chỉ nho sĩ, sĩ ở Nhật Bản để chỉ võ sĩ (samurai), một tầng lớp có nhiều ảnh hưởng và đóng góp cho sự phát triển đất nước Nhật Bản.
Chế độ giáo dục của Việt Nam là đào tạo theo lối văn chương cử tử, nên chỉ đào tạo ra những người làm quan và thi thoảng làm thơ mà thôi. Chẳng hạn, từ khoa thi đầu tiên của trường Quốc tử giám vào năm 1077 đến khoa thi Hán cuối cùng vào năm 1919, hàng ngàn tiến sĩ được đào tạo dưới thời phong kiến, song họ chẳng để lại cho đời sau một học thuyết khoa học nào. Ở Nhật Bản, mặc dù cũng chịu ảnh hưởng Nho giáo, nhưng không vì thế mà người Nhật quên việc nghiên cứu văn hóa phương Tây. Trong những năm 50 của TK XIX, nhiều trường học nghiên cứu phương Tây bắt đầu mở ra, nhận học sinh trên cả nước. Tuy nhiên, sự việc có ý nghĩa lớn, tạo ra bước ngoặt trong sự phát triển của đất nước là việc ra đời tác phẩm dịch thuật Giải phẫu tân thư ở thời Tanuma vào năm 1774 (6).
Ở Việt Nam vào TK XVI đến nửa đầu TK XVIII đã diễn ra nhiều hiện tượng tiêu cực trong giáo dục. Hiện tượng này xảy ra công khai và ngày một phổ biến. Một số kẻ tham gia dự thi đã biến trường thi thành nơi mua quan, bán tước. Việc thi cử thời kỳ này trở thành mục đích thực dụng của mọi người, chỉ cần xoay sở để làm quan. Nền giáo dục này đã gián tiếp kìm hãm sự tiến bộ của xã hội phong kiến Việt Nam. Chúng tôi không nhận thấy Nhật Bản có hiện tượng mua quan, bán tước như ở Việt Nam.
Khi so sánh văn hóa của các nước đồng văn trong khu vực Đông Á, người ta thường nhắc đến sự đổi mới của Nhật Bản, nhưng sự đổi mới này là dựa trên sự tôn trọng khoa học kỹ thuật, cái mới về tư tưởng, sự táo bạo trong kinh tế. Chừng nào cái bệnh văn chương còn ám ảnh trí thức, chừng nào con đường làm quan còn là mục tiêu phấn đấu duy nhất của người trí thức, chừng ấy Việt Nam không phát triển được.
Còn một điểm khác biệt giữa nền giáo dục Nhật Bản và Việt Nam - vào thời Edo (Nhật Bản), nhiều trường tư và học viện (shijuku), với nhiều môn học để dạy cho con em quý tộc và nông dân, ra đời. Trong khi đó, tại Việt Nam số trường mở ra để đào tạo con em dân thường là rất ít. Do vậy, số người biết chữ trong xã hội phong kiến ở Việt Nam khá khiêm tốn.
Trên đại thể, những điểm tương đồng trong nền giáo dục thời phong kiến ở hai nước đều chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Hán, thể hiện rõ nét qua việc những người tham gia dự tuyển muốn thi đậu để làm quan đều phải bước qua cửa Khổng, sân Trình. Trái lại, những điểm khác biệt trong văn hóa nói chung, nền giáo dục thời phong kiến nói riêng, đều liên quan đến môi trường sống của mỗi nước và mức độ đậm nhạt trong việc tiếp thu văn hóa Hán. Những điểm tương đồng và dị biệt sẽ giúp cho những người quan tâm đến văn hóa truyền thống ở hai dân tộc có thêm cơ hội hiểu biết, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy sự hợp tác, giao lưu văn hóa của hai dân tộc vốn có mối quan hệ hữu hảo từ lâu nay.
_______________
1, 5. Eiichi Aoki (chủ biên), Nhật Bản đất nước và con người, Nxb Văn học, Hà Nội, 2006, tr.241, 242.
2, 3. Nguyễn Cảnh Minh (chủ biên), Giáo trình lịch sử Việt Nam, tập II, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2008, tr.165, 107.
4. Nguyễn Quốc Hùng (chủ biên), Lịch sử Nhật Bản, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2007, tr.82.
         6. Hồ Hoàng Hoa (chủ biên), Văn hóa Nhật những chặng đường phát triển, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2001, tr.132.

Nguồn: Tạp chí VHNT số 329, tháng 11-2011
Tác giả: Lê Thị Nhuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét