Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012

Làng, nhà cửa truyền thống ở Việt Nam, Nhật Bản: sự tương đồng và khác biệt

Làng, nhà cửa truyền thống ở Việt Nam, Nhật Bản: sự tương đồng và khác biệt

- Địa vực cư trú là nơi phát sinh và lưu giữ những đặc trưng văn hóa truyền thống, trong đó có văn hóa vật chất (hay văn hóa vật thể) của mỗi dân tộc như ẩm thực, trang phục, nhà cửa...
(Du học Nhật Bản Hồng Nhung C&T) - Địa vực cư trú là nơi phát sinh và lưu giữ những đặc trưng văn hóa truyền thống, trong đó có văn hóa vật chất (hay văn hóa vật thể) của mỗi dân tộc như ẩm thực, trang phục, nhà cửa...
Từ góc độ nhân học văn hóa, nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa vật chất của dân tộc Việt Nam và Nhật Bản một mặt giúp hiểu biết sâu sắc hơn về văn hóa truyền thống, mặt khác cũng thấy được những điểm tương đồng và khác biệt của mỗi quốc gia, dân tộc. Tuy nhiên, bởi phạm vi rộng lớn nên bài viết này chỉ đề cập tới một trong những lĩnh vực cơ bản nhất đó là làng và nhà cửa truyền thống ở hai quốc gia.
I. LÀNG
1. Sự hình thành làng và các loại hình
Nhìn chung, các làng xóm (hay thôn, bản) ở Việt Nam cũng như những làng Nhật Bản hầu hết được hình thành từ một dòng họ hay một đồng tộc. Những nhóm người cùng dòng họ, đồng tộc thường tập trung định cư tại một khu vực nhất định nào đó nếu ở đấy hội tụ điều kiện cho họ lao động, sản xuất để tồn tại. Không thể phủ nhận vai trò, ảnh hưởng của những nhân tố lịch sử, văn hóa, xã hội, song điều kiện địa lý tự nhiên là cơ sở đầu tiên của sự hình thành nên ngôi làng. Những điều kiện đó thường là đất đai, nguồn nước và khí hậu là các yếu tố quyết định tới cuộc sống của cộng đồng cư dân nông nghiệp. Nói cách khác, sự tương thích của con người với môi trường tự nhiên dẫn đến cách tổ chức không gian cư trú được biểu hiện qua ngôi làng truyền thống ở Việt Nam và Nhật Bản. Sự hình thành làng còn có những nguyên nhân khác như: đó là kết quả của quá trình khai khẩn vùng đất mới, việc mở rộng đất đai hay làng mới ra đời từ làng gốc. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy nhất là không gian môi trường tự nhiên (miền núi, trung du, bình nguyên, đồng bằng, ven biển), cùng với điều kiện hoàn cảnh lịch sử cụ thể (chính sách khai hoang của chính quyền, biến động xã hội, gia tăng dân số...) là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự hình thành làng.
Sự khác biệt nằm ở chính sự khác nhau về không gian môi trường tự nhiên lịch sử, xã hội của Việt Nam, Nhật Bản đã tạo nên sự đa dạng trong việc hình thành làng với những biệt sắc của mỗi quốc gia, song nhìn chung đều tồn tại 3 loại hình làng cơ bản là làng miền núi, làng đồng bằng và làng ven biển. Một số dạng thức khác ở Việt Nam, Nhật Bản cũng được nhắc tới như: làng trung du, làng đầu nguồn, làng ven sông, làng biển đảo... song chỉ mang tính chất duyên biệt, không điển hình.
Sự khác biệt: làng ở Việt Nam phong phú, đa dạng hơn của Nhật Bản bởi mang tính đặc sắc của nhiều dân tộc khác nhau.
2. Đặc trưng của làng
Tuy có điểm khác biệt về cách tổ chức không gian cư trú giữa các vùng miền song làng ở Việt Nam, Nhật Bản vẫn bao hàm nét chung, đó là sự vận hành của tổ chức xã hội nông nghiệp truyền thống. Điều này, biểu hiện rất rõ qua các loại hình làng ở bất cứ địa vực cư trú nào từ miền núi, đồng bằng đến ven biển.
Đặc trưng rõ nét nhất của làng Việt Nam và Nhật Bản thể hiện ở tính cộng đồng. Điều này được biểu hiện ở nhiều mặt như kinh tế, văn hóa, tập quán sinh hoạt, dư luận xã hội...
Làng Việt Nam và làng Nhật Bản thuộc về hai hệ thống xã hội phong kiến khác nhau nhưng giống nhau cùng là đơn vị tụ cư của người nông dân, đồng thời là đơn vị hành chính cấp cơ sở của nhà nước phong kiến. Tính cộng đồng ở làng còn được biểu hiện rõ qua hương ước của Việt Nam và luật làng của Nhật Bản. Hương ước chính là bộ luật của làng hay lệ làng thành văn bao gồm những qui ước về hầu hết các mặt hoạt động của đời sống làng. Hương ước đóng vai trò rất quan trọng, thể hiện tính chất tự quản, tự trị của làng xã. Trong đó qui định hành vi ứng xử của cá thể thành viên các tổ chức xã hội ở làng, thông qua đó thể hiện nghĩa vụ với làng - nước và trách nhiệm của các tổ chức xã hội, làng xã đối với các thành viên.
Luật làng (Muraokite, Sonpo) bao gồm những qui định rất chặt chẽ, bảo đảm tính chất tự quản và tự trị tương đối cao, trong việc cố kết cộng đồng, bảo đảm an ninh trật tự, đặc biệt chú trọng đến sản xuất nông nghiệp, giữ vững sự ổn định bền vững của cộng đồng làng.
Điểm tương đồng giữa hương ước và luật làng trước hết đó là tính tự quản, tự trị cao, tinh thần hợp tác cộng đồng làng chặt chẽ. Hương ước và luật làng đều chú trọng đến sản xuất nông nghiệp theo tư tưởng trọng nông của Nho giáo, song luật làng qui định toàn diện hơn, sâu sắc hơn về sản xuất nông nghiệp. Giữa hương ước và luật làng còn cho thấy nét tương đồng về tính chất dân chủ đẳng cấp phong kiến trong xã hội làng đương thời.
Giữa hương ước và luật làng có sự khác nhau về tính chất pháp chế. So với bộ luật của nhà nước quân chủ thì hương ước chưa đạt tới sự hoàn chỉnh, chặt chẽ, do đó, tính chất pháp chế của hương ước thấp hơn so với luật làng. Mặc dù vậy, hương ước với vai trò chủ yếu giải quyết các mối quan hệ xã hội trong làng xã mà phép nước chưa đề cập tới, bảo đảm lợi ích trước hết của cộng đồng, duy trì sự tồn tại của cộng đồng.
Trong luật làng đề cao tính pháp chế, mặc dù không thể so sánh luật làng với pháp luật nhà nước phong kiến nhưng tính khả thi của luật làng trong thực tế khá cao. Có lẽ, hương ước - lệ làng gần với đức trị (lấy đạo đức để giáo huấn cai trị) hơn là pháp trị như trong luật làng ở các làng Nhật Bản đương thời. Với sự hiện diện của luật làng khiến những người nông dân sớm quen với pháp trị, luật trị hơn là đức trị theo kiểu hương ước - lệ làng ! Đây có thể được xem là điểm khác nhau căn bản về tính chất giữa luật làng ở Nhật Bản và hương ước ở Việt Nam.
Như vậy, làng có vai trò to lớn mà ở đó những thành viên trong cộng đồng làng đều chịu sự quản lý, chi phối qua các mối quan hệ và dư luận xã hội trong làng. Theo đó, những ai vi phạm hương ước (ở Việt Nam) và luật làng (ở Nhật Bản ) đều bị “xã hội làng” lên án vì ảnh hưởng tới cộng đồng thì có thể phải bỏ làng đi sinh cơ lập nghiệp nơi khác (ở Việt Nam) và bị trục xuất khỏi làng (ở Nhật Bản).
Trong các hoạt động kinh tế cho thấy điểm tương đồng của làng Việt Nam và làng Nhật Bản là làm việc theo kiểu cộng đồng với một nền kinh tế tự cấp tự túc. Chợ làng vừa là hoạt động lưu thông kinh tế vừa là một sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng cao. Làng chưa bao giờ đóng vai trò là một đơn vị tổ chức, quản lý sản xuất tập thể, thống nhất. Có chăng, làng đứng ra điều hành, huy động tập thể tham gia vào công việc trị thủy, hộ đê, cứu đê hoặc tham gia vào công việc thủy lợi, một khâu quan trọng của sản xuất nông nghiệp khi cần kíp. Hoặc, làng tổ chức tuần phòng bảo vệ thôn xóm, mùa màng, thúc đẩy việc đóng nộp thuế đầy đủ và tham gia các hình thức lao động công ích.
Tuy khác nhau về bộ máy đứng đầu làng đó là Xã trưởng, Lý tưởng, bộ máy lý dịch, tổ chức quần chúng (phe, giáp, ngõ xóm) ở Việt Nam hay tổ (Ko), nhóm (Gumi) ở Nhật Bản, song đều nhằm phát huy tính cố kết cộng đồng thể hiện qua các công việc như lên chức vị, cưới xin, tang ma, lễ hội, trợ giúp sản xuất. Cụ thể hơn, đó là sự tương trợ trong xây dựng nhà cửa, trợ giúp lương thực, thực phẩm, tặng phẩm sinh hoạt... trong cưới xin, vào nhà mới v.v.. Về đời sống văn hóa, tính cộng đồng không chỉ được thể hiện rất rõ trong nếp sống sinh hoạt hàng ngày, cung cách ứng xử của các cá nhân gia đình mà còn với việc chung của làng như thờ cúng, tế lễ. Thậm chí, khi có đám cưới, đám giỗ hay đám tang... người ta coi đó như công việc chung của làng và sẵn sàng giúp đỡ, nhận việc cùng lo với gia chủ.
Cùng có cội nguồn văn hóa nông nghiệp lúa nước, làng Việt Nam và Nhật Bản có những nét tương đồng về phong tục thờ cúng tổ tiên, các anh hùng dân tộc, các vị thần tự nhiên, nghi lễ nông nghiệp cầu mùa màng bội thu. Hàng năm, các hoạt động văn hóa mang tính cộng đồng làng thường được tổ chức thông qua các hội làng. Vào những dịp như vậy, cả làng đều tham gia với một ý thức tự nguyện, có trách nhiệm và một tinh thần tập thể rất cao, qua đó thể hiện sức mạnh đoàn kết của cộng đồng làng xã. Điểm khác biệt là ở mỗi nước, hội làng lại mang mầu sắc riêng thể hiện quá trình hình thành, tồn tại, phát triển của mỗi làng, mỗi quốc gia dân tộc. Chẳng hạn, ở làng Việt Nam có ngôi đình là nơi thờ Thành hoàng làng thì làng Nhật Bản có ngôi đền thờ Thần đạo. Song, đó đều là nơi tế lễ, địa điểm tổ chức các hoạt động cộng đồng ở làng. Như vậy, làng Việt Nam và làng Nhật Bản tồn tại với tư cách như một tổ chức và để vận hành tổ chức này thì việc quản lý toàn diện các mặt liên quan đến ngôi làng được xem là cơ sở của sự tồn tại ấy. Và, việc quản lý, tổ chức được quyết định nội dung thông qua cơ chế làng xã đặc thù ở mỗi quốc gia nhằm tạo ra sự cố kết cộng đồng vững chắc, vượt qua mọi thử thách, duy trì sự tồn tại trong lịch sử Việt Nam và Nhật Bản.
II. NHÀ CỬA
1. Chuẩn bị xây dựng nhà
Trước kia, nguồn cung cấp nguyên vật liệu từ rừng núi hoặc tại địa bàn cư trú có nguồn nguyên vật liệu dồi dào nhất có thể sử dụng được. Song, gỗ là nguyên liệu chính và thích hợp nhất với điều kiện môi trường của Nhật Bản còn ở Việt Nam, ngoài gỗ còn có sự tham gia của đất, đá, sỏi, cát... tùy theo điều kiện từng vùng. Ở Nhật Bản, nguyên liệu đá không phù hợp cho xây dựng vì nguyên nhân khó khăn trong cung ứng và kinh tế nên thường chỉ được sử dụng ở một số công trình công cộng truyền thống.
2. Chọn đất, xem hướng nhà
Ở Việt Nam và Nhật Bản chọn đất, xem hướng nhà rất được coi trọng, dù kiến trúc nhà cửa còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan (điều kiện địa lý tự nhiên), chủ quan (điều kiện kinh tế, nghề nghiệp, phong tục tập quán mỗi vùng) song vẫn có những điểm chung trong quan niệm, nhất là với cư dân nông nghiệp vốn chiếm vị trí chủ đạo trước kia. Hướng nhà tốt nhất mà người ta thường chọn là các hướng Nam, hướng Đông hoặc Đông Nam. Ngoài những điều kiện và hướng nhà được xem là lý tưởng như trên thì xu hướng chung vẫn là dựng nhà theo hướng nhìn ra nơi thoáng đãng, không bị che khuất tầm nhìn của ngôi nhà.
3. Quá trình xây dựng và hoàn thành nhà
Trong quá trình dựng nhà, quan trọng nhất là lễ động thổ với mong muốn cho công việc diễn ra suôn sẻ từ khởi đầu đến khi hoàn thành. Nghi lễ động thổ ở Việt Nam  và Nhật Bản có sự khác biệt trong các bước tiến hành nhưng điểm chung là người ta thường chọn những ngày tốt, tránh ngày xấu, qua đó cần xin  thần linh phù hộ cho mọi người sức khỏe, làm ăn thịnh vượng sau khi hoàn thành ngôi nhà.
Về kỹ thuật dựng nhà, có thể thấy ở ngôi nhà truyền thống của Việt Nam và Nhật Bản, để tạo bộ khung nhà, người ta chủ yếu dựa vào kỹ thuật ghép mộng (mộng trơn, mộng thắt, mộng xuyên) và ngoãm nhân tạo. Sự kết hợp giữa các kỹ thuật dựng này được người ta sử dụng trong kết cấu xà, cột, mái, vì kèo...
Về loại hình nhà ở Việt Nam và Nhật Bản, ngoài điểm tương đồng là nhà một tầng thì điểm khác biệt là sàn, nhà nửa sàn nửa đất (ở Việt Nam), nhà hai tầng, nhà thông nhau (ở Nhật Bản). Nguyên liệu để làm tường, vách ở ngôi nhà một tầng hầu hết được thưng ván hoặc trát đất trộn rơm, cỏ. Mái nhà xưa kia được lợp bằng nhiều loại chất liệu khác nhau là gỗ ván, rơm rạ, cỏ, ngói đều có ở các vùng miền Việt Nam và Nhật Bản. Điểm khác biệt lớn là ngôi nhà ở Việt Nam không sử dụng kiểu cửa kéo như ở Nhật Bản.
Cấu trúc bên trong ngôi nhà truyền thống ở Việt Nam và Nhật Bản rất đa dạng bởi với mỗi loại hình nhà cửa lại có những điểm tương đồng, sự khác biệt về cấu trúc khuôn viên cùng các chi tiết liên quan đến từng ngôi nhà, theo vùng miền, mỗi dân tộc và quốc gia.
Không gian sinh hoạt của ngôi nhà truyền thống tuy có sự khác nhau trong việc bố trí các gian, phòng song đều phát huy được hết công năng sử dụng gồm phòng khách, phòng ngủ, gian thờ, nơi đặt bếp v.v... Điểm tương đồng là bàn thờ thần, Phật, tổ tiên, bếp thường được đặt ở nơi trang trọng nhất hoặc gian chính của ngôi nhà. Điểm khác biệt là trong không gian sinh hoạt của mỗi ngôi nhà truyền thống Nhật Bản bao gồm hai phần chính: phần lát sàn và phần không lát sàn, rất khác với nhà truyền thống ở Việt Nam hầu như không lát ván sàn ở nhà một tầng.
4. Các công trình phụ
Các công trình phụ liên quan đến cuộc sống của một gia đình ở Việt Nam và Nhật Bản xưa kia rất phong phú, đa dạng như: nhà kho, nhà để công cụ, nhà chứa nước, nhà vệ sinh, chuồng chăn nuôi v.v...Nhiều nơi còn có thêm công trình phụ phục vụ cho những công việc đặc trưng của vùng miền đó như nhà làm gạch ngói, nhà sấy thuốc lá, nhà nuôi tằm, làm giấy, chế biến nông sàn, nhà tế lễ, miếu thờ v.v...
5. Kiến trúc công cộng
Các loại hình kiến trúc công cộng truyền thống ở Việt Nam và Nhật Bản gồm có đền, chùa, miếu, nhà hội họp chung. Ngoài ra, Việt Nam còn có ngôi đình, Nhật Bản có nhà thành lũy, nhà tắm công cộng tạo nên những nét riêng biệt của mỗi nước.
Về đền, chùa, nhìn chung rất đa dạng và phong phú trong cấu trúc loại hình, kiểu dáng, nguyên vật liệu xây dựng tạo nên sự khác biệt không chỉ giữa Việt Nam với Nhật Bản mà còn giữa các vùng miền ở mỗi quốc gia.
6. Một số phong tục, tập quán  liên quan tới nhà cửa
a. Nghi lễ cúng thần Đất
Như đã đề cập ở phần trước, những nghi lễ đầu tiên được xem như bắt buộc đối với quá trình dựng nhà cửa là chọn đất, xem hướng nhà, khởi công (hay động thổ), tất cả đều mong muốn sự phù hộ của các thần, đặc biệt là thần Đất. Điều đó cho thấy vị trí của thần Đất vô cùng quan trọng đối với nhà cửa của người Việt Nam và Nhật Bản. Ở Việt Nam, người quản lý khu đất gọi là Thổ Địa. Tuy nhiên, có sự khác biệt lớn trong cách thức tiến hành nghi lễ cúng thần Đất ở mỗi quốc gia, vùng miền. Thậm chí, nhiều nơi ở Nhật Bản còn có quan niệm thần Đất cũng được coi là hiện thân của tổ tiên tức người đã mất sau 50 năm qua ngày giỗ cuối cùng (có nơi là 30 hoặc 33 năm) sẽ trở thành thần Đất. Bởi vậy, không ít nơi, thần Đất cũng được gọi chung là tổ tiên của gia đình, dòng họ, do đó có nhiều nghi lễ liên quan được tiến hành hàng năm. Nhà cúng thần Đất thường được làm cách điệu và đặt ở một nơi nào đó trong khuôn viên của ngôi nhà. Ở Việt Nam, bàn thờ thổ Địa thường đặt ở bên trong ngôi nhà.
b. Nghi lễ cất nóc
Trong quá trình xây dựng nhà cửa, nghi lễ cất nóc có vị trí vô cùng quan trọng được xem như cơ bản hoàn thành ngôi nhà nên ở đâu cũng vậy, người ta phải chọn ngày lành tháng tốt để tiến hành nghi lễ này. Đây là điểm tương đồng giữa Việt Nam và Nhật Bản song cách thức tiến hành lại khác nhau, thậm chí giữa các vùng miền, các dân tộc, thể hiện qua đồ lễ cúng rất phong phú, đa dạng, nhưng rượu, gạo, muối là những thứ không thể thiếu. Hơn nữa, ở Nhật Bản thì bánh giầy (hoặc cơm nắm) là đồ lễ cần phải có trong lễ này.
c. Nghi lễ vào nhà mới
Ở Việt Nam và Nhật Bản đều chung quan niệm cần phải chọn ngày lành tháng tốt mới có thể tiến hành nghi lễ này được. Cùng với đó còn có những kiêng kỵ tùy theo quan niệm, phong tục tập quán của mỗi quốc gia, vùng miền. Chẳng hạn, ở Nhật Bản có nơi kiêng các thợ làm nhà, người có bố mẹ đã mất không dược tham dự nghi lễ này. Cách thức tiến hành nghi lễ có nhiều khác biệt giữa Việt Nam và Nhật Bản nhưng điểm tương đồng là người ta rất coi trọng công việc nhóm lửa lần đầu tiên ở bếp trong nhà với mong muốn gia đình mạnh khỏe, làm ăn phát đạt. Do đó, viêc chọn người nhóm lửa luôn đi với nhiều kiêng kỵ tùy theo quan niệm ở từng nước, vùng miền.
d. Một số nghi lễ, kiêng kỵ khác
Liên quan đến bếp, người xưa tin rằng có thần Bếp, thần Lửa cùng trú ngụ ở đây nên bếp được coi là nơi cần phải giữ gìn cẩn thận. Trong những dịp lễ, Tết, việc giữ lửa trong bếp luôn cháy đỏ gắn liền với sự thịnh vượng, hạnh phúc của gia đình. Bếp thường chiếm vị trí quan trọng ở các phòng, gian chính của ngôi nhà cho nên việc giữ gìn, bảo vệ sự thanh khiết của bếp luôn được đề cao. Do vậy có khá nhiều kiêng kỵ nhằm tránh xúc phạm tới thần Bếp, thần Lửa bởi người nào vi phạm sẽ gặp phải tai ương. Trước kia, vị trí ngồi quanh bếp cũng được qui định theo trật tự nhất định. Theo đó, vị trí trang trọng và “cao nhất” thường thuộc về chủ nhà, khách quí, tiếp đó là bà chủ nhà, con trai, con gái, con dâu, cháu trong gia đình v.v... Người nào không tuân thủ có thể bị quở trách, thậm chí bị phạt tiền, gạo như một số vùng ở Nhật Bản.
Ngoài bếp trong ngôi nhà thì bàn thờ hay gian thờ thần, Phật là những nơi linh thiêng nên có những kiêng kỵ khá nghiêm ngặt. Chẳng hạn, không được đưa những vật bẩn, xú uế đến gần bàn thờ, bày biện những thứ, đồ cúng lễ không được phép v.v... nếu vi phạm có thể phải chuốc lấy tai họa, theo quan niệm dân gian.
7. Biến đổi của làng và nhà cửa
Làng, nhà cửa truyền thống ở Việt Nam và Nhật Bản luôn biến đổi theo thời gian, thậm chí mất đi một số yếu tố liên quan. Cùng với điều đó là phong tục, tập quán, quan niệm truyền thống về chúng cũng biến đổi cho phù hợp với hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Sự biến đổi của làng, nhà cửa gắn liền với sự vận động, phát triển của xã hội và thời đại. Hệ quả của quá trình này là sự mất đi một số loại hình làng, kiến trúc truyền thống, đồng thời xuất hiện loại hình làng, nhà cửa kết hợp giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại hoặc mới hoàn toàn.
III. KẾT LUẬN
1. Làng ở Việt Nam và Nhật Bản hình thành trong điều kiện địa lý tự nhiên, hoàn cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội riêng có song vẫn nằm trong quá trình giao lưu, ảnh hưởng, tiếp thu giữa các cộng đồng dân cư, vùng lãnh thổ qua các thời kỳ. Bởi vậy, qua ngôi làng ở Việt Nam có thể thấy được nét tương đồng và sự khác biệt với làng ở Nhật Bản. Tuy có điểm khác biệt về cách tổ chức không gian cư trú giữa hai quốc gia, vùng miền song vẫn bao hàm nét chung, đó là sự vận hành của tổ chức xã hội nông nghiệp truyền thống.
2. Từ ngôi làng truyền thống của Việt Nam và Nhật Bản sẽ có được cái nhìn bao quát trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội ở mỗi quốc gia. Qua đó, có thể tìm thấy những điểm tương đồng và khác biệt đã tạo nên bản sắc của mỗi quốc gia, dân tộc như ngày nay.
3. Sự vận hành của các tổ chức, hệ thống quản lý làng không phải chỉ “bó hẹp” trong phạm vi của một vùng đất, một địa phương mà đó là quá trình mở. Điều đó không làm mất đi những nét riêng, đặc sắc của làng ở Việt Nam và Nhật Bản mà còn góp phần tạo nên bức tranh toàn cảnh nhiều “mầu sắc” về làng, nông thôn của hai quốc gia này.
4. Nhà cửa truyền thống ở Việt Nam và Nhật Bản trong quá trình tồn tại, phát triển đã đưa đến sự tương đồng và khác biệt, điều đó cho thấy ngoài những nét chung phổ biến vẫn tồn tại những kiến trúc, loại hình độc đáo mang đậm đặc trưng của mỗi quốc gia, dân tộc. Qua nhà cửa truyền thống vẫn có thể thấy được quá trình vận động, biến đổi không chỉ ở chính ngôi nhà mà còn là hình ảnh của xã hội, văn hóa, lịch sử con người Việt Nam, Nhật Bản.
5. Quá trình biến đổi của nhà cửa truyền thống ở Việt Nam và Nhật Bản là tất yếu song những giá trị của chúng không mất đi hoàn toàn. Những giá trị đó cùng với sự hiện hữu của nhà cửa truyền thống ở Việt Nam và Nhật Bản vẫn đang và sẽ được giữ gìn nhằm phát huy tinh hoa, bản sắc cùng sự hấp dẫn cho đến ngày nay. Bởi lẽ, đó còn là một trong những di sản quí báu trong văn hóa truyền thống của Việt Nam và Nhật Bản.
 TS. Hoàng Minh Lợi, Phòng Nghiên cứu văn hóa - xã hội, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét