TÍN NGƯỠNG THỜ GIA THẦN Ở VIỆT NAM VÀ HÀN QUỐC -
Văn hóa dân gian Hàn Quốc nói chung, tín ngưỡng gia thần nói riêng vẫn chưa thu hút được sự quan tâm của giới nghiên cứu Việt Nam. Cho tới nay, chưa có nhà nghiên cứu Việt Nam nào phân tích chi tiết về tín ngưỡng thờ gia thần ở Hàn Quốc và so sánh loại hình tín ngưỡng của người Việt. Tín ngưỡng thờ gia thần xuất phát từ khát vọng về một cuộc sống no đủ của người dân ngay từ buổi bình minh lịch sử. Nếu như ở người Việt có vị thần táo quân, thổ thần, thần tài, ở người Hàn cũng có. Tuy nhiên, ở người Hàn còn thờ nhiều vị gia thần khác mà người Việt không có.
Tục thờ Táo quân trong tín ngưỡng dân gian Việt có nguồn gốc từ ba vị thần thổ công, thổ địa, thổ kỳ của Lão giáo Trung Quốc, nhưng được Việt hóa thành huyền tích 2 ông 1 bà, thần đất, thần nhà, vị thần bếp núc, người dân vẫn quen gọi chung là táo quân. Tín ngưỡng thờ ông táo chính kết quả của thuyết tam vị nhất thể (ba ngôi) khá phổ biến trong các tín ngưỡng, tôn giáo ở phương Đông. Ngày xưa, trong bếp của người Việt thường có ba ông đầu rau (ba hòn đất nặn dùng để kê nồi đun bếp) tượng trưng cho hai ông một bà. Bếp là bản nguyên của nhà khi người nguyên thủy có lửa và đều dựa trên nền móng là đất. Táo quân, còn gọi là táo công, vị thần bảo vệ cho cuộc sống gia đình, thường được thờ ở bếp, cho nên còn được gọi là vua bếp. Từ xa xưa, người dân Việt đã ngưỡng mộ lòng chung thủy của ông táo và thờ cúng với hy vọng ông sẽ giúp họ giữ bếp lửa trong gia đình luôn nồng ấm và hạnh phúc. Theo tục lệ cổ truyền, hàng năm vào ngày 23 tháng chạp âm lịch, táo quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình. Cho đến đêm giao thừa, táo quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc coi sóc bếp lửa của mình. Tục thờ táo quân thuộc dạng thờ thần lửa, một tín ngưỡng lâu đời nhất khi nhân loại từ ăn sống chuyển sang ăn chín, từ dã man sang văn minh. Các tín ngưỡng thờ lửa có ba hình thức: lửa đốt, sấm sét, mặt trời. Lửa có nhiều biểu tượng thiêng liêng: làm cho trong sạch, giải thoát khỏi tội lỗi, soi sáng, tẩy uế, hủy diệt và tái sinh, lại có ý nghĩa phồn thực: lửa thu được đầu tiên bằng cách cọ xát, biểu tượng của giao cấu. Phong tục cúng ông táo là biểu hiện của tục thờ thần lửa. Lửa có ý nghĩa tẩy uế (làm cho sạch nhà cửa, bếp núc trước tết) và còn có nghĩa là giải thoát những nỗi oan trái (ba nhân vật vô tình mà gây oan khổ cho nhau), đề cao đức chung thủy của các nhân vật vừa gây ra tai họa, vừa là nạn nhân. Lửa cũng tượng trưng cho sự hủy diệt (hết năm cũ, ông táo lên trời, mọi nhà bị 7 ngày tăm tối) và tái sinh (ông táo khác về khai mở cho năm mới). Do đó, tục cúng ông táo có trước khi Khổng học ngự trị, vì tín ngưỡng này đã thờ phụ nữ tái giá, không tiết hạnh và có hai chồng, chứng tích một xã hội chấp nhận hôn nhân đa phu.
Vị táo quân quanh năm ở trong bếp, biết hết mọi chuyện hay dở tốt xấu của gia đình, cho nên để vua bếp phù trợ nhiều điều may mắn trong năm mới, người ta thường làm lễ tiễn đưa ông táo về chầu trời rất trọng thể. Người Việt thường mua hai mũ ông táo có cánh chuồn và một mũ táo bà không có cánh chuồn, ba cái áo bằng giấy cùng một con cá chép còn sống hoặc bằng giấy, cũng có khi dùng loại vàng mã gọi là cò bay ngựa chạy để làm phương tiện cho vua bếp lên chầu trời. Các mũ này được gắn với các gương nhỏ hình tròn lóng lánh và những sợi dây kim tuyến màu sắc sặc sỡ. Để giản tiện, cũng có khi người dân chỉ cúng tượng trưng một cỗ mũ ông công (có cánh chuồn) và kèm theo một chiếc áo, một đôi hia, đều làm bằng giấy bìa. Màu sắc mũ, áo hay hia thay đổi hàng năm theo ngũ hành: kim màu vàng, mộc màu trắng, thủy màu xanh, hỏa màu đỏ và thổ màu đen. Sau lễ cúng ông táo, những đồ vàng mã sẽ được đốt cùng với bài vị cũ. Còn con cá được phóng sinh ra ao, sông hay giếng nước, tùy theo khu vực sinh sống với ý nghĩa cá sẽ hóa rồng để ông táo cưỡi lên chầu trời. Bài vị ở bàn thờ thổ công thường ghi dòng chữ Đông trù tư mệnh táo phủ thần quân, thổ địa long mạch tôn thần, ngũ phương ngũ thổ phúc đức chính thần. Thổ công, một dạng của mẹ đất, là vị thần trông coi gia cư, ngăn chặn tà thần, định đoạt phúc họa cho một gia đình. Với những gia đình có trẻ em, người dân còn cúng táo quân một con gà luộc, loại gà cồ mới tập gáy (gà mới lớn), để nhờ táo quân xin cho đứa trẻ sau này lớn lên có nhiều nghị lực và sinh khí hiên ngang. Ở miền Bắc, người dân thường cúng một con cá chép sống thả trong chậu nước để đưa ông táo về trời. Người miền Trung lại cúng một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ. Còn ở miền Nam, người ta chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy. Tùy theo mỗi gia đình, ngoài các lễ vật chính, có thể làm lễ mặn (xôi gà, chân giò luộc, các món nấu nấm, măng...), hay lễ chay (trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc,...) để tiễn ông táo. Tục thờ cúng táo quân là nét văn hóa có từ lâu đời và đã trở nên gần gũi với cuộc sống của người Việt với quan niệm gia đình nào được táo quân phù hộ nhiều họ sẽ hạnh phúc, thành đạt và bình an. Tuy nhiên, bàn thờ táo quân của người Việt lại chủ yếu ở phía Nam, còn ở phía Bắc chỉ thờ ngài chung với bàn thờ gia tiên, không hề có tượng và ảnh. Thông thường là một bàn thờ nhỏ đặt ngay phía trên bếp nấu gồm một bát nhang, một bình hoa, ba chiếc ly và một khay hoặc đĩa để đặt lễ.
Giống người Việt, vị táo quân (jowangsin) của người Hàn cũng chính là thần lửa, thần bếp cư trú trong bếp của mỗi gia đình. Vì bếp là nơi người phụ nữ thường xuyên làm việc, nên vị thần này cũng được gọi là bà và được các bà nội trợ thờ cúng. Phải chăng, khi Nho giáo du nhập vào Hàn Quốc, các tín ngưỡng nguyên thủy phải nhường chỗ cho tôn giáo ngoại lai này, đi vào dân gian hóa, nên tục thờ táo quân chỉ do người phụ nữ đảm nhiệm? Tuy nhiên, khác người Việt, táo quân của người Hàn không có bàn thờ riêng mà chỉ được hình dung dưới dạng một chén nhỏ màu trắng đựng nước sạch đặt trên sàn bếp. Người sùng tín thì thay nước mỗi ngày, còn hầu hết các bà nội trợ chỉ thay nước một lần vào ngày mùng 1 hàng tháng. Táo quân cùng với tam thần bà có trách nhiệm báo cáo với thượng đế về những gì xảy ra trong gia đình. Cho đến nay, tục thờ jowangsin vẫn còn khá phổ biến ở khắp các miền quê Hàn Quốc. Vào các ngày cúng lễ, thần lửa cũng được đặt trên bàn thờ ngang hàng với các vị thần khác. Ngày nay, mỗi khi dọn đến nhà mới, người Hàn vẫn giữ phong tục đem những cục than lấy từ bếp nhà cũ đến bếp nhà mới. Khi tới thăm một gia đình vừa chuyển đến nhà mới, khách sẽ đem theo quà là diêm và nến.
Người Hàn, người Việt cũng vẫn giữ phong tục liên quan đến việc thờ Táo quân khi chuyển đến nhà mới. Song, người Việt không mang theo cục than lấy từ bếp nhà cũ mà đốt một lò than thật rực lửa, sau đó mang vào trong nhà xông các nơi cho ấm áp, tiếp sau lò than là gạo muối, nước - những thứ theo quan niệm của người Việt cần phải mang vào nhà mới đầu tiên và đặt trên một nơi sạch sẽ ở trong bếp với ước muốn cho gia chủ được sung túc, đủ đầy.
Ngoài thờ cúng tổ tiên, táo quân, người Hàn và người Việt cũng thờ thổ thần (teoju), địa thần (jisin). Người Hàn và người Việt đều coi đó là vị nam thần có nhiệm vụ cai quản mảnh đất, bảo vệ ngôi nhà cũng như đem tài lộc, thịnh vượng đến cho mỗi gia đình. Tuy nhiên, hình thái thờ phụng của loại hình tín ngưỡng này ở hai dân tộc lại có sự khác biệt lớn. Đối với người Việt phía Bắc, thổ thần hay thổ công được thờ bằng một bát nhang đặt ở vị trí cao nhất trong bàn thờ gia tiên. Vào các ngày sóc, vọng, người Việt thắp hương và khấn xin những điều liên quan mật thiết đến cuộc sống thường nhật của họ. Thậm chí họ còn đồng nhất thổ công, thổ thần với táo quân. Người Việt miền Bắc thường không có bàn thờ ông táo quanh khu vực bếp và mỗi năm vào ngày 23 tháng chạp, họ cúng ông táo trên bàn thờ gia tiên. Đối với cư dân Việt miền Nam, thổ thần, ông địa được thờ dưới đất trong một trang, khám thờ nhỏ đặt hướng ra ngoài cửa chính. Ngược lại với người Việt, thổ thần của người Hàn được tượng trưng bằng một chiếc bình chứa gạo cùng những mảnh vải đặt ở chỗ đất cao tại sân sau. Đôi khi người ta trồng một cây lúa trong bình và phủ lên một bó rơm buộc túm phía trên. Việc tế thổ thần của người Hàn thường do phụ nữ đảm nhiệm và được tiến hành vào ngày lễ tết, những dịp kỷ niệm của gia đình.
Phối thờ với thổ thần là thần tài. Thần tài được người Việt hình dung là một ông già có bộ râu dài và khuôn mặt phúc hậu, trên tay luôn cầm nén vàng. Đến cuối TK XIX đầu TK XX, thần đất và thần tài ở người Việt vẫn chưa được khu biệt rõ. Ngày nay, thần tài và thổ địa vẫn được thờ chung như một cặp đôi bất khả phân ly ở khắp nơi, từ văn phòng công ty, tiệm quán, tư gia, đến nóc tủ bán thuốc lá lẻ trên lề đường. Một điều đáng chú ý, hình tượng vị thần tài của người Việt, xét về mặt đồ tượng học, là một biến thể của thổ địa phước đức chính thần của người Hoa. Đây là bằng chứng chỉ ra một cách thức ảnh hưởng tín ngưỡng của người Hoa đối với người Việt (1). Hai ông thổ thần và thần tài được thờ dưới dạng tượng. Những trang, khám thờ này thường bắt gặp chủ yếu ở các gia đình làm nghề buôn bán. Ngoài ra, một số gia đình theo ngành nghề khác cũng thờ hai vị. Thông thường, các gia đình chỉ cúng táo quân vào những ngày sóc, vọng, trong những dịp giỗ tết, nhưng thần tài được cúng quanh năm. Bàn thờ thần tài không được thiết lập trên cao hoặc những nơi quang đãng trong nhà như bàn thờ tổ tiên, thổ công, mà ở các xó xỉnh, góc nhà hay hàng hiên. Kích thước bàn thờ thần tài không to rộng, mà chỉ là một chiếc sập nhỏ có sơn son thếp vàng, phía trong có dán bài vị thần tài. Trước bài vị là một bát nhang với hai cây đèn nhỏ đủ để thắp sáng mà không bốc cháy lên khám thờ. Trong khám thờ có thể đặt ly đựng nước, đựng rượu. Vào những ngày sóc, vọng, giỗ tết, lễ cúng thần tài cũng giống cúng táo quân, nghĩa là có khi cúng mặn, có khi cúng chay. Vào ngày thường, thần tài chỉ được cúng đơn giản gồm trầu, nước, trái cây. Ngược lại với người Việt, thần tài (upsin) của người Hàn thường được hình dung dưới dạng một con rắn (có nơi là con chồn hoặc con cóc) trú trong ụ rơm tại sân sau, cạnh thần thổ địa. Nếu nhìn thấy con rắn từ trong ụ rơm chui ra họ tin rằng tài lộc đã ra đi và gia đình sẽ gặp rủi ro.
Trong gia đình người Hàn còn có sự hiện diện của tổ thần. Khác với ông bà tổ tiên, tổ thần là một khái niệm trừu tượng. Tùy theo từng địa phương mà tên gọi của vị thần này có sự khác nhau, song cái tên được biết đến nhiều nhất là josang danji - bình thờ tổ, là một bình đựng gạo nhỏ, được phủ một tờ giấy trắng. Do vị thần này có dạng bình gạo, nên người Hàn cho rằng thần sẽ phù hộ cho đất đai của gia đình màu mỡ, được mùa và đông con. Ở một vài địa phương, vị thần này được kính cẩn gọi là bà. Bà có phép màu làm cho đất đai màu mỡ. Kế đến là hộ thần(songju), là nam thần, được tượng trưng bằng một bình đựng gạo hoặc lúa mạch đặt trên một chiếc kệ nhỏ ở góc nhà. Songju sẽ bảo vệ cho gia chủ không gặp tai ương. Ở miền Trung Hàn Quốc, hộ thần được tượng trưng bằng một tờ giấy trắng dán ở góc nhà hoặc treo trên cột. Một số vùng miền Nam là cuộn giấy hoặc những bình lớn bằng đất nung. Cùng với tổ thần, hộ thần cũng được cúng vào những ngày lễ trong gia đình hoặc khi có đồ ăn ngon.
Nếu như người Việt tin vào bà mụ sinh, người Hàn lại tin vào tam thần bà. Tuy nhiên, bà mụ sinh ở người Việt không nằm trong hệ thống gia thần, còn ở người Hàn, trong đời sống tâm linh của họ rất phổ biến tục thờ tam thần bà (samsin halmeoni). Tam thần bà là ba bà mụ quản lý ba giai đoạn mang thai, sinh đẻ và nuôi con, được thờ dưới dạng một tờ giấy gấp lại hay những cọng rơm sạch treo trên góc nhà. Trước đây, nhiều trẻ sơ sinh chết vì bệnh truyền nhiễm, đói khát, nên các sản phụ thường nhờ tam thần bà giải quyết những khó khăn mà con người không thể giải quyết được bằng y học. Những người phụ nữ đó luôn khắc ghi ơnđức của mình đối với tam thần bà. Họ còn tin rằng tam thần bà không chỉ giúp họ mang thai, sinh nở, mà còn nuôi dạy con cái mình cho đến khi đứa bé được 15 tuổi.Vì vậy, tam thần bà được gọi bằng các tên như bà tam thần, cái gáo tam thần, bà cụ tam thần, thậm chí là cả sản thần nữa...
Trong dân gian Hàn, quá trình thờ tam thần được diễn ra khi một đứa bé ra đời, người ta cúng cho bà tam thần ba bát cơm và canh, đồng thời cấm kỵ trong ba mươi bảy ngày. Thần thể (2), được đặt trên một cái kệ đặt trên nền nhà phòng trong, là vật tượng trưng cho cái gáo tam thần và khu vực tam thần. Cái gáo đựng ngũ cốc đầu mùa, gói lại bằng giấy, đặt ở tường trên buồng trong, hoặc trong cái hũ nhỏ đựng hạt ngũ cốc và đặt ở góc phòng. Ở một số nơi tại Hàn Quốc, người ta còn gọi là cái bao tam thần (hoặc núi tam thần, bao Đế Thích), tức là họ làm một cái bao bằng giấy trắng, bỏ ba đấu ba hợp (3) gạo trắng rồi treo cao trong góc buồng. Ngoài ra, tam phật Đế Thích cũng xuất hiện trong quá trình phát triển của tín ngưỡng thờ tam thần, thần hộ mệnh giúp con người sinh con và gìn giữ con người khỏi bệnh tật. Như vậy, tín ngưỡng tam thần bà trực tiếp thẩm thấu vào Phật giáo ở Hàn Quốc. Hiện nay nó đã biến đổi nhiều, nhưng trong thời Triều Tiên với tư tưởng trọng nam khinh nữ rất mạnh mẽ, nơi mà phụ nữ thường tìm đến nhất là tam tinh các (hoặc tam thần các) trong các chùa chiền. Tam Tinh các - nơi thờ sản thần và thất tinh, tam thần của độc tinh vốn là sự kết hợp giữa tín ngưỡng bản địa và tôn giáo ngoại lai là Phật giáo. Vào các buổi sáng, tối ngày 7, 14, 21 người ta cúng cơm, canh và rong biển cho thần bà. Tiếp đến là thần gác cổng joyong. Tương truyền, ông là con trai của Đông Hải Long vương, bảo vệ cho gia đình khỏi bệnh tật. Bên cạnh đó, người Hàn còn có một vị gia thần - thần nhà xí, được hình dung là một nữ thần có mái tóc dài và hay thay đổi hình dạng.
So với người Việt, các gia thần ở người Hàn có số lượng nhiều hơn. Tuy nhiên, các vị thần ở người Việt hầu hết khá rõ ràng, không mơ hồ, tượng trưng như gia thần của người Hàn (táo quân - bát nước, tam thần bà - tờ giấy, hai vị tổ thần và hộ thần có hình dạng bình đựng gạo, thần tài có dạng ụ rơm). Vấn đề đặt ra là phải chăng ngay từ buổi hồng hoang của lịch sử, người Hàn phải đứng trước những khó khăn do thiên nhiên mang đến, nên trong tín ngưỡng thờ gia thần của họ luôn gắn với tín ngưỡng phồn thực cầu sinh sôi nảy nở? Một điểm đặc biệt, công việc thờ tự gia thần thường do phụ nữ Hàn đảm nhiệm. Phải chăng với một nền văn hóa mà Khổng giáo chi phối khá lớn trong xã hội, người phụ nữ giữ một vai trò khiêm tốn trong xã hội, họ chỉ làm việc nhà, chăm sóc chồng, nuôi dạy con cái và vai trò trụ cột kinh tế chính thuộc về người chồng. Hiện nay, xã hội Hàn đã có chút thay đổi, người phụ nữ trong xã hội mới đã năng động hơn, nhưng nhìn chung họ vẫn còn phải khiêm nhường, đứng nép bóng đàn ông, nên các tín ngưỡng trong gia đình thường do họ đảm nhận? Ngược lại ở người Việt, có thể cả đàn ông và phụ nữ đều được tham gia vào hình thái thờ phụng này.
Những điểm tương đồng trong văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc nói chung, trong tín ngưỡng thờ gia thần nói riêng sẽ giúp cho hai dân tộc Việt - Hàn có điều kiện thuận lợi trong việc hiểu biết văn hóa lẫn nhau. Những điểm khác biệt cũng sẽ tăng thêm sự đa dạng trong văn hóa của hai dân tộc.
_______________
1. Huỳnh Tịnh Của, Đại Nam quốc âm tự vị, Sài Gòn, 1895, tr.336.
2. Đồ vật tượng trưng cho thần linh.
3. 1/10 của đấu.
Nguồn: Tạp chí VHNT số 331, tháng 1-2012
Tác giả: Lê Thị Nhuấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét