Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2012

Bảo tàng Hà Nội: Khánh thành rồi... dang dở


Bảo tàng Hà Nội: Khánh thành rồi... dang dở

- Được đầu tư hơn 2300 tỉ đồng, Bảo tàng Hà Nội sau hơn 1 năm rưỡi khánh thành vẫn đang trong giai đoạn thiết kế trưng bày và chỉ thu hút được 130.000 người từ khi khánh thành năm 2010 đến nay.
Đến Bảo tàng Hà Nội vào buổi chiều chủ nhật đẹp trời, thật bất ngờ khi bãi gửi xe vào bảo tàng rộng lớn mà vắng đìu hiu. Bên cạnh đó là bãi gửi xe được tách riêng để vào dự tiệc cưới tại bảo tàng thì tập nập xe đậu.
Chắc chắn việc kinh doanh tiệc cưới không nằm trong chức năng của bảo tàng và đây cũng không phải mục đích mà Hà Nội muốn hướng tới khi bỏ ra một khoản tiền khổng lồ lên tới 2300 tỉ đồng để hoàn thiện công trình này. 
Lễ cưới được tổ chức vào trưa ngày 8/4/2012 bên hông trái của Bảo tàng Hà Nội nhìn từ lối vào.
Vắng khách thăm quan, không chỉ có trong bảo tàng thưa người vì quán cafe và quầy bán đồ lưu niệm tại đây cũng ở trong tình trạng tương tự. Một nhân viên bán hàng quầy lưu niệm ở Bảo tàng Hà Nội tên Thúy cho biết lượng khách đến mua đồ lưu niệm ở đây rất ít, thậm chí có ngày không bán được sản phẩm nào.
Khu cửa hàng lưu niệm tại bảo tàng luôn vắng khách.
Không gian trưng bày các hiện vật trong bảo tàng là rất lớn nhưng cũng vì quá lớn nên khiến việc bố trí và bày hiện vật đang trở thành vấn đề của bảo tàng.
Theo thống kê có hơn 50.000 hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội nhưng điều đáng nói các hiện vật này đa phần được các doanh nghiệp hay tổ chức sưu tập đồ cổ cá nhân đem đến để trưng bày.  

Điều này khiến cho người xem có cảm giác như đi xem triển lãm, mỗi doanh nghiệp, cá nhân giới thiệu một mặt hàng của mình trong một không gian chung chứ không có sự gắn kết theo một chủ đề hoặc một chuyên đề nhất định, trong khi tính gắn kết là điều không thể thiếu tại các bảo tàng nổi tiếng nước ngoài. Chính vì thế nhiều người đến bảo tàng không có sự liền mạch khi đi xem, nếu không nói là quá hỗn tạp trong việc tiếp nhận thông tin.
Tìm kiếm trên Internet để tìm hiểu thông tin về Bảo tàng Hà Nội, chúng tôi cũng hết sức bất ngờ khi không thể tìm thấy website của Bảo tàng Hà Nội. Với quy mô đầu tư và xây dựng lớn nhất cả nước, việc không có website như một bảo tàng nhỏ khác ở Việt Nam hay nước ngoài thực sự là một điều khó hiểu. 
Việc tìm kiếm số điện thoại liên hệ với bảo tàng cũng vô cùng khó khăn. Ngay cả dịch vụ điện thoại 1080 cũng chỉ lưu trong dữ liệu số điện thoại của Bảo tàng Hà Nội cũ ở phố Hàm Long nay đã không còn giá trị sử dụng. 
Quang cảnh bên trong Bảo tàng Hà Nội
Chỉ khi đến gặp được nhân viên của Bảo tàng thì chúng tôi mới được biết do bảo tàng còn đang tập trung vào phần tổ chức trưng bày nên việc xây dựng website thông tin cũng như sổ thông tin vẫn chưa được tiến hành, và ngay cả việc lắp số điện thoại cố định để tiếp nhận thông tin cho bảo tàng cũng đang trong quá trình lắp đặt.
Trao đổi với ông Nguyễn Văn Hùng – Giám đốc Bảo tàng Hà Nội ông cho biết hiện nay ông không hề biết thông tin gì về việc cho tổ chức đám cưới bên cạnh Bảo tàng Hà Nội, chủ trương hoạt động của bảo tàng là không có việc này và ông hứa sẽ tìm hiểu thông tin trên để có câu trả lời.
Ông Hùng cũng cho biết thêm Bảo tàng Hà Nội hiện nay vẫn chưa cho trưng bày chính thức nên chưa bán vé vào cửa. Ban dự án của bảo tàng đang hoàn thành dự án trưng bày chính thức cho bảo tàng và dự kiến sẽ hoàn chỉnh vào khoảng năm 2014 theo kế hoạch. 
Bảo tàng Hà Nội được khánh thành từ 2010 để chào mừng 1000 năm Thăng Long-Hà Nội với rất nhiều kỳ vọng của người dân. Tuy nhiên cho đến giờ vẫn là một bảo tàng "dang dở" không thu hút mấy người xem. Xin được kết bằng một nhận xét của nhà sử học Dương Trung Quốc khi nói chuyện về bảo tàng Hà Nội với báo VietNamNet: “Ta đã có thể đầu tư xây dựng được một bảo tàng khá hiện đại nhưng lại chưa kịp chuẩn bị và hoàn thành công tác rất quan trọng đối với bảo tàng, đó là sưu tập. Rốt cục Bảo tàng Hà Nội trở thành một bảo tàng có vỏ mà không có ruột.” 

Từ năm 2010 đến nay Bảo tàng Hà Nội theo số liệu tổng hợp thu hút được khoảng 130.000 lượt khách. Trong khi đó riêng từ năm 2010 đến 2011 các bảo tàng quy mô nhỏ hơn tại Hà Nội như Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam thu được 500.000 lượt khách, Bảo tàng Lịch Sử Việt Nam là 73.000 lượt.
Bảo tàng Hà Nội với tổng diện tích gần 54.000 m2, tòa nhà bảo tàng cao 30 m, gồm 4 tầng nổi và 2 tầng hầm; diện tích xây dựng xấp xỉ 12.000 m2, diện tích sàn hơn 30.000m2 (kể cả tầng hầm và tầng mái), bảo tàng Hà Nội hiện có quy mô lớn nhất nước. Tổng vốn đầu tư 2.300 tỷ đồng.
Vĩ Lam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét