“Bùa mê” nghề ca hát
Khoản thù lao lên đến cả trăm triệu đồng cho một ngôi sao có khiến nghề ca hát lóe lên trong mắt người trẻ thứ ánh sáng mê muội của danh lợi?
Chuyện thù lao của các ca sĩ, mà gần đây được nói là đã tăng lên từ vài chục lên đến vài trăm triệu cho một đêm hát dăm ba bài, một lần nữa khiến người ta ngạc nhiên và xôn xao bàn tán. Con số này dường như là “không phải đạo” trong hoàn cảnh kinh tế quốc gia đang khốn khó, người dân đối diện với nguy cơ thất nghiệp.
Mỹ Tâm và Đàm Vĩnh Hưng, hai ca sĩ được nói là có thù lao cao nhất nhì trong số những ca sĩ trong nước |
Ở đây, thù lao cho một ca sĩ (tạm gọi là ngôi sao) thường là con số dao động rất lớn tùy vào mức độ và tính chất thương mại của đêm diễn. Và để duy trì nghề nghiệp, hơn ai hết họ là người hiểu luật chơi: chỗ nào để kiếm tiền, và chỗ nào để trả lễ, từ thiện hay làm nhiệm vụ chính trị. Nói vậy để thấy, những đồn đoán về mức giá của một ngôi sao chỉ có thể tin cậy được trong những hoàn cảnh cụ thể.
Nhưng ngay cả khi không biết nhiều ngôi sao có thuần túy kiếm được tiền nhờ hoạt động ca hát hay không; thì qua cách mà họ lên truyền hình vung vẩy nhẫn kim cương, lên báo khoe biệt thự, xe hơi…, người ta có thể hiểu sự giàu có của họ là thật. Sự vênh váo của họ cũng là thật.
Trong một lần chia sẻ với VietNamNet, nhạc sĩ Tuấn Khanh từng nói, trong những câu chuyện về nghề, ông vẫn luôn nhận được nhiều thông tin về việc thu nhập cao đến mức khó tin của các ca sĩ, nhạc sĩ hiện nay. “Mọi thứ đều có nguyên cớ và bối cảnh của nó, nhưng về mặt bằng mà nói, hiện đang thật có quá nhiều điều khiến cho những người làm nghề phải suy nghĩ. Âm nhạc lúc này giống như một thứ dịch vụ son phấn trang điểm cho xã hội, nó tạo dáng vẻ hào nhoáng cho cá nhân và sự kiện, khiến thúc đẩy mọi thứ cao giá hơn. Nhưng đồng thời bộc lộ nhiều bất cập hơn”, ông nói.
Đám đông xếp hàng chờ đăng ký thử giọng ở cuộc thi Thần tượng VN 2012. |
Dường như khát vọng trở thành ngôi sao trong nghề ca hát chưa bao giờ thổi bùng thành ngọn lửa to đến vậy trong những năm gần đây. Hàng chục ngàn bạn trẻ chen nhau đăng ký thử giọng ở những cuộc thi hát trên truyền hình, hàng loạt trung tâm quảng cáo có thể biến một người vô danh thành ngôi sao…Thậm chí, ngay khi vừa có chút danh tiếng, nhiều thí sinh ở các cuộc thi hát đã vội vã chạy show khắp nơi, tận dụng thời gian danh tiếng ngắn ngủi để kiếm được bất cứ khoản thù lao nào mà họ có thể.
Giữa đám đông mà trong đó nhiều cái đầu “đặc sệt danh vọng”, người ta dễ dàng bắt gặp những tuyên xưng tình yêu đối với nghệ thuật âm nhạc như đã thấy trên truyền thông. Nhưng theo nhạc sĩ Tuấn Khanh, nhiều ví dụ cho ông thấy “nhiều người của thế hệ trẻ hôm nay đang lao vào nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc, với tình trạng đánh tráo ý nghĩa của lòng đam mê với khao khát thực dụng. Sự lãng mạn cho nghiệp dĩ bị bóp chết từ trứng nước như vậy, thật khó cho nhiều năm nữa, chúng ta tìm lại được một lớp ca sĩ, nhạc sĩ, nghệ sĩ nói chung đủ sức đảm đương cho cho tính tử tế của văn nghệ Việt”.
Khải Trí
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét