Thứ Tư, 21 tháng 11, 2012

Hôn môi sư, 5 triệu đồng và sự ức chế lớn


Hôn môi sư, 5 triệu đồng và sự ức chế lớn

Nhiều ý kiến cho rằng tuy đã đưa ra mức phạt cao nhất đối với hành vi phản cảm của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng nhưng điều này không thể so với sự ức chế lớn mà khán giả phải chịu đựng.


Trong một quyết định gây ngạc nhiên, cơ quan quản lý biểu diễn phạt ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng 5 triệu đồng vì hành vi hôn môi một nhà sư.

Nếu không xảy ra ở showbiz Việt, có lẽ người ta cũng sẽ không tìm thấy ở đâu, ngay cả ở làng giải trí đầy phóng khoáng như Hollywood, lại có hành động buông tuồng, xúc phạm đến hình ảnh tôn giáo, như cách mà ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng hôn môi nhà sư trên sàn biểu diễn.
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng
Không chỉ khoét sâu thêm lỗ hổng văn hóa trong làng giải trí, vốn đã bị kêu ca từ lâu, cú sốc này rõ ràng còn gây không ít bối rối cho các nhà quản lý biểu diễn. Với họ, vụ việc xảy ra là bất ngờ và chưa từng có tiền lệ, cho dù đã từng có kinh nghiệm trong việc xử lý những người đẹp trình diễn để lộ “3/4 ngực”, phạt những ca sĩ hát nhép hay dẹp những buổi họp báo không phép.

Đây là điều có thể hiểu khi xem xét trên phản ứng chậm chạp và chồng chéo giữa các cơ quan quản lý biểu diễn. Vụ việc xảy ra vào tối ngày 4/11 nhưng phải đến ngày 9/11, khi dư luận phản ứng dữ dội, lãnh đạo Sở VHTTDL TP.HCM mới có cuộc họp để bàn việc xử lý.
Bốn ngày sau đó, Bộ VH-TT-DL phát văn bản đề nghị Sở giải quyết vụ việc. Điều ngạc nhiên là chỉ trong 24 giờ tiếp theo, Cục đã triệu tập luôn ca sĩ tự phong “ông hoàng nhạc Việt” và ra luôn quyết định xử phạt, làm thay cơ quan mà trước đó họ đã đề nghị đứng ra giải quyết.

Quyết định xử phạt thích đáng và có tính răn đe dành cho Đàm Vĩnh Hưng là điều mà công chúng đang chờ đợi, nhất là khi hai nhà sư liên quan vụ việc đã chịu hình phạt theo giới luật nhà Phật. Trong chừng mực nào đó, người ta có thể hoan nghênh quyết định kịp thời từ Bộ VHTTDL sau sự chậm chạp khó hiểu từ phía Sở VHTTDL TP.HCM.

Mặt khác, người ta cũng có thể nhìn nhận quyết định xử phạt này như một “phép thử” đối với luật pháp hiện hành dành cho hành vi ứng xử phi văn hóa của người nổi tiếng trên sân khấu, mà gần đây đã để lại rất nhiều tai tiếng khiến cho công chúng phải chịu đựng.

Theo như thông tin từ Thanh tra Bộ VHTTDL, hành vi của Đàm Vĩnh Hưng bị xử lý theo Điều 16, Nghị định 75 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa. Theo đó, “người biểu diễn lợi dụng giao lưu với khán giả để có những hành vi thiếu văn hóa, hoặc phát ngôn thô tục” bị xử phạt với mức phạt từ 2 – 5 triệu đồng.

Với mức phạt chưa bằng 1/10 thù lao của một sô diễn lớn, “ông hoàng nhạc Việt” xem ra có thể rời Bộ VHTTDL  với một nụ cười trên môi. Nhưng với công chúng, sự tổn thương và giận dữ bởi hành vi mà anh đã gây ra, khoản phạt 5 triệu đồng rất dễ gây cho họ sự ức chế.

Ở đây, công chúng đang buộc phải chấp nhận khoản phạt tiền, được định lượng một cách máy móc và cảm tính, dành cho những hành vi phản văn hóa trong biểu diễn. Giả định hình thức phạt tiền là hợp lý, thì liệu khung hình phạt nới rộng tới mức nào (đang được Bộ bàn bạc để chỉnh sửa trong thời gian tới) thì mới đo lường và ôm trùm được hết những hành vi phản văn hóa vốn biến hóa muôn hình vạn trạng, từ có ý thức lẫn vô ý thức?

Quả thật, những tổn thương mà chúng gây ra, vì xúc phạm đến những giá trị văn hóa mà cộng đồng thừa nhận, quả thật không dễ gì đong đếm thành tiền. Hay như chính người gây ra hành vi phản văn hóa, liệu tiền phạt đến đâu mới là động lực buộc họ lấp đi lỗ hổng văn hóa của bản thân cũng là điều rất khó đo đếm?

Có lẽ, đã đến lúc các cơ quan quản lý văn hóa bàn đến những hình phạt mang giá trị biểu tượng và giáo dục nhiều hơn nhằm đánh vào nhận thức của người vi phạm để bảo vệ giá trị chung của cộng đồng.
              Hình phạt cần đánh vào danh dự, uy tín

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, giảng viên Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM nói: Các nhà quản lý văn hóa đã tỏ ra mạnh tay khi áp dụng mức phạt tiền cao nhất. Nhưng tôi cho rằng cần xem lại cách phạt. Trong xử lý những hành vi phản văn hóa trong biểu diễn, cần đánh vào danh dự, uy tín của người vi phạm. Bởi phạt tiền đối với hành vi này không phải là hình thức đền bù.
Phạt cảnh cáo dù chỉ là mức nhẹ trong khung hình phạt hành chính nói chung nhưng là mức cao đối với hành vi phản văn hóa. Mặt khác, khung hình phạt dành cho các vi phạm trong hoạt động biểu diễn hiện nay cũng chưa phân hóa được hành vi vi phạm. Vụ việc trên rõ ràng còn nặng hơn là ăn mặc phản cảm, nhưng lại chưa thể cấm biểu diễn có thời hạn đối với người biểu diễn. Vụ việc của Đàm Vĩnh Hưng cũng là lời cảnh báo đánh động ý thức tôn trọng công chúng và bản lĩnh ứng xử khéo léo của những người nổi tiếng khi trình diễn trên sân khấu. Bởi bất cứ hành động phản văn hóa, bốc đồng nào cũng đều được ghi hình lại, phổ biến và lưu giữ.
  • Khải Trí 

1 nhận xét:

  1. trong cái không hay cũng có cái hay là phô bày những sự thật vẫn còn che giấu trong bóng tối thế giới nghệ thuật và thế giới tâm linh.

    Trả lờiXóa