Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2012

Rẻ mạt như thù lao cho vũ công ở Việt Nam


Rẻ mạt như thù lao cho vũ công ở Việt Nam

- Có những vũ đoàn mà trung bình mỗi chương trình, các vũ công chỉ nhận được từ 80.000 đồng - 150.000 đồng. Thu nhập không cao nhưng cường độ làm việc thì kinh khủng.

Trao đổi với biên đạo múa Tuyết Minh về chuyện nghề và người làm nghề, những trăn trở vẫn còn đấy, nhưng đã vơi đi nhiều.
Chào chị Tuyết Minh! Chị bắt đầu đến với nghề múa từ bao giờ?
Tôi bắt đầu đến với múa từ năm lớp 8, tính cho đến bây giờ là cũng gần 20 năm rồi. Đôi khi tôi cũng không hiểu là mình chọn nghề hay nghề chọn mình nữa.
Chị có thể chia sẻ cụ thể hơn về con đường mà các nghệ sĩ múa như chị phải trải qua?
Thông thường, một khóa trường múa tuyển từ 20 - 30 người/một lớp. Lớp nữ riêng, nam riêng. Sau một thời gian luyện tập cơ bản thì các sinh viên nam nữ sẽ được tập múa đôi với nhau. Sau khi tốt nghiệp 7 năm trường múa, những ai muốn đi diễn thì sẽ ra làm ở các đoàn chuyên nghiệp. Còn ai muốn lên cao hơn thì tiếp tục học các lớp biên đạo múa, huấn luyện múa trình độ đai học. 
Kết thúc 4 năm ra trường, các biên đạo múa tương lai sẽ phải thêm từng ấy thời gian để nâng cao lên trình độ thạc sĩ. Lý do là vì sau khi tốt nghiệp đại học, họ đủ khả năng huấn luyện, tuy nhiên những hiểu biết về xã hội, văn học, kiến thức sư phạm... vẫn còn rất thiếu. Bởi phải nắm được tâm sinh lý sinh viên thì mới có thể dạy dỗ các em được. Và phải có kiến thức xã hội tổng hòa mới có thể dựng bài.
Tính ra, để có thở trở thành một biên đạo hoặc một giảng viên, mỗi người như chúng tôi phải mất ít nhất 15 năm đầy gian nan và vất vả.
Biên đạo múa Tuyết Minh
Luyện tập vất vả như vậy, nhưng liệu thu nhập trung bình của các diễn viên múa có đủ sống?
Nói về cuộc sống của các diễn viên múa thì tôi sẽ tạm chia họ ra thành ba nhóm đối tượng, có trình độ chuyên môn cũng như mục đích công việc khác nhau, để bạn dễ hình dung.
Thứ nhất là về các vũ đoàn. Vốn là những người không chuyển, chỉ tập nhảy để phụ họa cho các ca sĩ. Thế nên việc luyện tập cũng như chạy chương trình dễ dàng hơn. Tuy nhiên, vì dễ nên số lượng các vũ đoàn ngày càng đông. Để cạnh tranh nhau, họ cứ tự dìm giá của mình xuống.
Thậm chí, có những vũ đoàn mới ra đời, muốn đi làm để tạo danh tiếng cũng như lấy mối quan hệ, đã đồng ý diễn không công. Chính vì thế mà trung bình, mỗi chương trình, các vũ công chỉ nhận được từ 80.000 đồng - 150.000 đồng. Nhìn chung, thu nhập không cao nhưng cường độ làm việc thì kinh khủng.
Kế đến là các nhóm múa độc lập. Những thành viên của các nhóm múa này thường xuất thân từ các nhà hát. Họ có thể múa đương đại và múa ballet, chính vì thế mà thu nhập của họ khá hơn một chút so với các vũ đoàn. Với mỗi show diễn, họ được trả từ 400.000 - 500.000 đồng.
Cuối cùng là các diễn viên múa trong nhà nước. Sau khi tốt nghiệp 7 năm trường múa, được nhận vào các đoàn múa nhà nước, họ sẽ nhận mức lương từ 1.200.000 đồng - 1.500.000 đồng. Sau mỗi chương trình, các diễn viên múa sẽ có thêm tiền bồi dưỡng, tiền tập.
Tuy nhiên, cộng lại cũng chỉ được khoảng từ 3 đến 4 triệu một tháng. Chính vì thu nhập thấp như vậy mà không ít người phải nhận thêm sô diễn ngoài mới đủ sống.
Phải chăng những lo lắng về "cơm áo gạo tiền" hằng ngày của các diễn viên múa cũng như vũ công đã phần nào ảnh hưởng đến sự phát triển của nghệ thuật múa ở Việt Nam?
Thực ra, đây cũng có thể coi là một lý do. Ví dụ như trường hợp của các vũ công chẳng hạn. Theo tôi được biết thì có nhiều vũ công đang hoạt động trong các vũ đoàn đến với nghề chỉ vì tiền. Vốn đã không có nền tảng cơ bản, lại chỉ đi nhảy để lo kinh tế thì rõ ràng là bản thân họ sẽ không bao giờ tiến bộ hơn được.
Song song với đó, nhiều diễn viên múa khi tham ra các đoàn múa, thường có tâm lý ổn định, ngại tìm tòi, khám phá những cái mới. Hiện tại, các biên đạo như tôi thì lại có xu hướng làm việc theo đơn đặt hàng chứ cũng không được tự do sáng tạo, tự do khai thác cái đẹp. Từ biên đạo đễn diên viên như vậy, thành ra tất cả đều rơi vào một tình trạng ì trệ.
Chưa kể, việc đào tạo ở các trường múa vẫn không có gì thay đổi. Nhiều thầy cô thế hệ trước, dù rất giỏi, nhưng lại vẫn hài lòng với những giáo trình của Nga có từ cách đây cả chục năm trước. Sinh viên học đến năm thứ 5 mới bắt đầu được biết đến múa đương đại. Những chuyên ngành khác như Jazz hay Broodway thì tuyệt đối không được tiếp xúc. Trong thời đại mà nghệ thuật cũng như xu hướng thưởng thức của công chúng thay đổi từng ngày, chúng ta vẫn quanh quẩn với những cái cũ thì quá khó để phát triển.
Những người trẻ giàu đam mê này hứa hẹn sẽ thay đổi cái nhìn về nghề nhảy múa
Như vậy là vẫn chưa có tín hiệu lạc quan nào cho nghề nhảy múa ở Việt Nam?
À, thực ra là tình hình không bi quan đến vậy. Đặc biệt là khi tôi bắt đầu tham gia cuộc thi Thử thách cùng bước nhảy trong vai trò giám khảo.
Qua cuộc thi này, điều đầu tiên tôi nhìn thấy là có nhiều bạn trẻ đến vì niềm mê thực sự với nghề.Thứ hai là khả năng của nhiều bạn đã làm tôi bất ngờ, nhất là các vũ công hiphop. Trước đây, tôi đã từng có cơ hội làm việc với họ khi cùng nhau tham gia những chương trình lớn, tuy nhiên chỉ với cuộc thi này tôi, mới thấy được tài năng thực sự của họ. Dù không qua trường lớp, thế nhưng họ luôn thể hiện một tinh thần học hỏi không ngừng, liên tục sáng tạo và khả năng thích ứng rất tốt, thậm chí là vượt xa cả những diễn viên múa được đào tạo bài bản.
Bên cạnh đó, tôi nghĩ rằng cuộc thi này sẽ thay đổi được nhận thức của nhiều người về nghề nhảy múa. Khán giả sẽ hiểu hơn được về loại hình nghệ thuật đặc thù này, hiểu hơn về những khó khăn, mất mát mà các vũ công phải qua cũng như phân biệt được chính xác hơn về các loại hình nhảy múa.
Bên cạnh đó, chính bản thân chúng tôi, những người trong nghề sẽ phải thay đổi. Chứng kiến các em luyện tập hết mình cho mỗi bài thi, nhìn thấy được khả năng tiềm ẩn bên trong từng thí sinh và cảm nhận được sự đồng cảm của khán giả với nghề nhảy múa, chúng tôi có thêm nhiều niềm tin để sốc lại mình và thay đổi để bắt kịp xu thế của thời đại.
Theo chị thì chương trình này sẽ mang lại một cú hích?
Tôi nghĩ là sẽ có một cú hích, tuy nhỏ thôi nhưng cũng xứng đáng với công sức mà cả thí sinh lẫn ê kíp của chương trình đã phải bỏ ra.
Và chị tin vào một tương lai tươi sáng cho nghề nhảy múa ở Việt Nam?
Tất nhiên, tôi tin chứ, lúc nào cũng tin! (Cười)

Phong Vũ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét