Thứ Hai, 5 tháng 11, 2012

Nghệ Thuật Rối Bóng Indonesia


Nghệ Thuật Rối Bóng Indonesia 

Nghệ Thuật Rối Bóng Indonesia
Rối bóng là loại hình nghệ thuật sân khấu cổ điển, kết hợp những yếu tố của âm nhạc, múa, sự ứng khẩu nhanh trí, những tấn hề vui nhộn, và thay vì trực tiếp nhìn thấy những con rối, khán giả chỉ nhìn thấy cái bóng của chúng.
Trên thế giới có rất nhiều loại hình nghệ thuật múa rối khác nhau: rối gậy, rối nước, rối tay, rối ngón, rối dây, rối miệng... và có lẽ rối bóng là một thể loại đặc sắc, hấp dẫn, thể hiện mạnh mẽ yếu tố dân gian và tín ngưỡng.

Rối bóng, với tính chất đặc thù đó, đã có mặt tại rất nhiều nền văn hóa trên thế giới, và loại hình nổi tiếng nhất là rối Wayang, Indonesia. Trong sự đa dạng hình thức của Wayang (Wayang Golek, Wayang Klitik, Wayang Beber, Wayang Kulit, Lombok...), Wayang Kulit (rối bóng bằng da) là điển hình, hấp dẫn và được tán dương nhiều nhất.

Wayang Kulit là dạng nhà hát múa rối bóng truyền thống của Indonesia, là sản phẩm kết hợp những yếu tố múa rối, âm nhạc, thần thoại và kể chuyện. Wayang Kulit là di sản văn hóa cổ kính của Indonesia còn gìn giữ được, nổi tiếng cho đến ngày nay và đã trở thành một biểu tượng nghệ thuật. Wayang Kulit đã ra đời nhờ niềm tin vào thuyết duy linh cho rằng các linh hồn tổ tiên có thể tác động đến đời sống của các sinh linh, như bảo vệ hay gây họa, và thường trở về vào ban đêm dưới hình hài của những cái bóng. Họ đã tiến hành các nghi lễ dưới dạng các vở rối bóng để kêu cầu tổ tiên mình cứu giúp. Và dưới sự trợ giúp của dalang (nghệ nhân điều khiển rối), các linh hồn sẽ được thể hiện, được múa, bay, đi lại, chiến đấu, chiến thắng, đau khổ, và yêu thương. Dalang sẽ nói hộ cho từng con rối theo các giọng khác nhau, kể lại các câu chuyện cổ xưa về vòng đời, sự tái sinh, những thế lực của cái tốt, cái xấu, và cái tốt bao giờ cũng chiến thắng.
Rất nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Wayang đã tồn tại rất lâu - trước khi xuất hiện người Hindu. Từ thời vua Srimaha Panggung thế kỷ thứ IV, trong cung điện Jawadwipa (miền tây Java) đã bắt đầu các câu chuyện Wayang chắt lọc từ hai bộ sử thi Ấn Độ vĩ đại: Ramayana và Mahabharata. Sau đó, nó được tiếp tục phát triển dưới triều đại Airlangga, một trong những vị hoàng đế vĩ đại nhất miền đông Java thế kỉ XI. Ngày nay, tại Indonesia người ta gọi Rama thay cho Ramayana và Pendawa thay cho Mahabharata. Wayang Kulit được trình diễn vào dịp có các sự kiện quan trọng như các ngày quốc lễ, các lễ hội tín ngưỡng, lễ hỏa táng, đám cưới, sinh nở, hay bất cứ sự kiện lớn nào trong đời sống của cá nhân hay cộng đồng.
Các con rối có chiều cao từ 10 đến 30 inch (25-75 cm). Bộ rối làng quê có hơn 100 con, bộ cung điện có tới 500 con. Những nhân vật quan trọng đ­ược thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau trong một bộ rối. Da dùng làm rối đư­ợc cán nhẵn, mỏng, phẳng, để không bị cong khi phơi khô. Những con rối tốt nhất được làm từ da của nghé nước cái và phải mất đến cả 10 năm xử lý để có thể giữ được lâu. Những con rối làng quê thư­ờng dầy hơn, đư­ợc làm bằng da dê hay trâu nư­ớc. Những người thợ làm rối sử dụng các mẫu, phác họa đư­ờng nét và vẽ chi tiết trên da, sau đó cắt thân rối rời ra cùng với các mảnh cánh tay riêng rẽ. Các chi tiết được dùi lỗ bằng vồ gỗ và đục, chàng kim loại. Một con rối đẹp phải mất nhiều tuần để hoàn thiện. Các con rối không sơn thể hiện vẻ đẹp chi tiết của quần áo kiểu cách và các vòng uốn cong của cán tay bằng sừng. Chúng đư­ợc lắp với chiếc sừng trâu dài, đã đánh bóng hay những chiếc cán bằng tre. Những cánh tay da được đính có khớp nối với vai và khuỷu tay bằng các đinh tán kim loại, xương hay tre, sau đó gắn với các que để cho dalang cầm điều khiển. Những con rối quý thậm chí đư­ợc gắn các đinh tán bằng vàng và đính kim cương đính kèm. Những con rối hoàn thiện hơn được sơn bằng những sắc màu truyền thống: bột xương nung cho màu trắng, muội đèn cho màu đen, bột chàm, đất son vàng và chất màu trộn với trứng để tạo ra các màu khác nhau và đư­ợc làm nổi bật với chiếc lá bằng vàng. Những con rối rẻ hơn được hoàn thiện bằng sơn và mạ vàng bán trong các cửa hàng. Các nhân vật rối bóng được nhận biết bằng những trang sức trên đầu, trang phục và đặc thù của nét mặt. Một số nhân vật được nhận diện qua màu sắc của chúng: Vishnu màu đen, Siva mặt vàng. Màu đỏ thể hiện tính khí dữ tợn, màu trắng thể hiện sự ngây thơ và tuổi trẻ. Có hai loại rối chính: Alus tinh tế, kiềm chế và Kasar thô lỗ, hay tức giận. Những nhân vật tinh tế, đạo đức thường có thân hình bé nhỏ, mắt hình oval với đồng tử nhỏ như những hạt gạo, mũi nhọn và mắt nhìn xuống dư­ới chân một cách khiêm nh­ường. Những nhân vật mạnh mẽ, sôi nổi thường nhìn lên. Những nhân vật cỡ trung có thể là những vị vua hay các chiến binh hoàng gia. Những nhân vật hung hãn th­ường có hình dáng lớn hơn, mũi và mắt to, tròn hơn. Nhưng cũng có những con rối có thể lực cư­ờng tráng đôi khi lại là nhân vật đạo đức. Nhân vật yêu tinh chỉ có một cánh tay. Bên cạnh các nhân vật rối ngư­ời, các vị thần, còn có chim muông, gia cầm và động vật nh­ư voi, hổ và ngựa, thậm chí có cả vũ khí. Các con rối th­ường được hư­ cấu, đặc biệt các chú hề ngư­ời đôi khi lái cả xe máy và hút thuốc. Theo tín ngưỡng dân gian, bản thân các con rối chỉ thể hiện phần thể chất của nhân vật, cái bóng của nó mới thể hiện phần hồn.
Tại Indonesia, không có nhà hát nào chính thức được xây dựng dành riêng cho rối bóng. Dalang mang tất cả dụng cụ theo mình: một màn hình xách tay (kelir), một chiếc đèn bằng đồng (blencong) và chiếc rương lớn bằng gỗ đựng các con rối (kotak). Sân khấu của Wayang Kulit là một màn hình vải bông trắng với viền màu xung quanh dài khoảng 3m. Khán giả sẽ theo dõi buổi biểu diễn từ phía sau phông. Họ sẽ nhìn thấy bóng của các con rối. Nhưng tại gia đình giàu có, mặt trước màn hình quay về phía hiên hay sảnh đường, nơi đàn ông ngồi xem dalang điều khiển rối. Mặt sau quay về phía trong nhà nơi phụ nữ ngồi xem bóng của rối. Còn tại làng quê, màn hình, được dựng tại sân với phía dalang đối diện với hiên nhà. Gia đình và bè bạn ngồi xem cả hai phía. Dalang ngồi cách màn hình khoảng một cánh tay, ngay dưới ngọn đèn. Màn hình được chiếu sáng bằng blencong (nay thay thế bằng đèn điện). Phía dưới màn hình là 2 đến 3 thân chuối được gắn chặt theo các độ cao thấp khác nhau. Phía bên trái và bên phải dalang, các con rối wayang được cắm chắc chắn vào thân chuối. Phía tay trái dalang là những nhân vật rối với tính cách phản diện và bên phải là chính diện. Chính tại nơi đây các con rối sẽ được thổi hồn, trở nên sống động như những con người, mỗi con rối sẽ bắt đầu một chặng đường bất tận, không mệt mỏi, kiếm tìm hạnh phúc cho mình. Bên trái và phải phần cuối màn hình được trang trí bằng chuối và lá chuối. Phía sau dalang là các dụng cụ âm nhạc với các nhạc công. Dàn nhạc gamelon phụ trách phần âm nhạc với khoảng 30 nhạc cụ, phần lớn là nhạc cụ gõ bao gồm chiêng đồng nhiều kích cỡ, mộc cầm, trống, 1 hay 2 sáo (suling), rebab (đàn 2 dây, cong kiểu Arập). Dàn hợp xướng của các nam nữ ca sĩ có vị trí bên cạnh dàn nhạc. Phía bên trái, ngay sát dalang là một hộp bằng gỗ dùng để đánh nhịp. Keprak là một bộ thanh la nhỏ được đặt ngay phía dưới dalang để tiện cho việc gõ bằng chân phải. Thỉnh thoảng, trong khi kể chuyện, dalang lại dùng cempolo (vồ) gõ vào thùng gỗ để đánh dấu từng phần của vở diễn. Tại vị trí trung tâm, dalang đặt con rối cây đời. Trước buổi biểu diễn, dalang ngồi trầm mặc trước cây đời. Con rối cây đời/núi này là cầu nối giữa dalang và các vị thần, giữa tiên giới và hạ giới và là biểu tượng cho vũ trụ bao la. Theo tín ngưỡng dân gian, sức mạnh đặc ân dường như được ban phát từ những ngọn núi. Con rối này sẽ bắt đầu buổi biểu diễn, nó làm sống dậy các con rối khác và sau đó lại được đặt vào giữa để đánh dấu việc thay cảnh hay đung đưa để thể hiện sức mạnh thiên nhiên. Cuối vở diễn, nó sẽ đánh dấu cho sự kết thúc đêm diễn. Thêm vào đó, một số lễ vật truyền thống được chuẩn bị sẵn với những nén hương được thắp lên và những lời cầu khấn thượng đế với hy vọng buổi biểu diễn được suôn sẻ và bức thông điệp mà họ muốn truyền đạt được khán giả chấp thuận. Buổi biểu diễn thường chia làm 3 phần. Phần I được bắt đầu vào lúc 21 giờ với việc giới thiệu những nhân vật chính và mâu thuẫn giữa hai bên đối lập, mỗi bên sẽ nêu lên chính kiến của mình. Phần II vào khoảng giữa đêm, trận chiến mỗi lúc một khẩn trương hơn cho đến lúc các chú hề xuất hiện, gây nên những tiếng cười sảng khoái và đồng thời lồng ghép các lời khuyên răn. Người hùng và đồng minh của anh ta tiếp tục chiến đấu với quân thù và vào khoảng 3 giờ sáng, họ đánh thắng kẻ thù trong một trận chiến không khoan nhượng, cứu công chúa và tuyên bố thắng trận. Phần III là phần ăn mừng chiến thắng với những lời hát và âm nhạc cho đến tận bình minh. Câu chuyện mang tính biểu tượng, với một thông điệp rằng nếu nỗ lực hết sức vượt qua mọi cản trở, bạn nhất định sẽ thành công. Ngày nay, một số ngôi sao như các ca sĩ nổi tiếng địa phương và những người biết pha trò thường được mời tham gia biểu diễn trong thời gian giải lao giữa các màn, làm cho buổi biểu diễn thêm phần sinh động, cuốn hút.
Một nghệ nhân duy nhất, được gọi là dalang, sẽ điều khiển buổi biểu diễn rối. Dalang, thường là thầy tu, là người rất được kính trọng trong cộng đồng. Đối với một vở rối bóng dalang đóng vai trò rất quan trọng. Thông thường, dalang được chọn trước, sau đó với sự tư vấn của anh ta, tiêu đề của buổi diễn mới được lựa chọn cho phù hợp. Từ dalang bắt nguồn từ juru udalan (juru: chuyên gia, udalan viết tắt là dalan, sau đó thành dalang, có nghĩa là kể chuyện). Dalang là người kể chuyện. Không phải ai cũng có thể trở thành dalang. Dalang là bậc thầy về kể chuyện, là nhà hiền triết, nhà thơ, nghệ sĩ và nhà giáo; một nghệ sĩ toàn diện, học vấn cao, có tài, có kiến thức rộng lớn về những nguyên tắc nghệ thuật đa dạng. Dalang phải nắm vững những câu chuyện Ramayana, Mahabharata, hiểu được những tính cách các nhân vật rối; Có kiến thức sâu rộng về triết học Java và các nguyên tắc luân thường đạo lý; Có thông tin chính xác, đa diện về cuộc sống của đất nước; Có giọng nói rõ ràng, hấp dẫn vì anh ta phải mô phỏng giọng nói của khoảng 50 nhân vật rối với âm điệu khác nhau, phải giải thích từng trường hợp đã hoặc sẽ xảy ra, phải thành thạo ngôn ngữ đối thoại, hát và kể chuyện, phải là một ca sĩ, vì sẽ phải hát rất nhiều khi biểu diễn; Có khả năng chuẩn bị kịch bản để cho cốt truyện được trôi chảy; Hiểu biết về nhạc cụ Java dùng để biểu diễn, có khả năng của nhạc trưởng chỉ đạo về âm nhạc; Phải chỉ huy hợp xướng pesinden (nữ ca sĩ), thường gồm 3 đến 5 người và wira swara (nam ca sĩ); Phải rất khéo léo để có thể chuyển động các con rối một cách hấp dẫn; Phải biết gây cười, và đồng thời khuyên răn khán giả một cách nhẹ nhàng, như thể vô tình.
Phần lớn các trường hợp, dalang đóng vai trò người phát ngôn của nhà tài trợ. Trong buổi biểu diễn do cơ quan Kế hoạch hóa gia đình tổ chức, anh ta phải đưa ra các chủ điểm về kế hoạch hóa gia đình; trước khán giả các lực lượng vũ trang hay cảnh sát, anh ta phải nói về người chỉ huy và kỉ luật; trước khán giả của trường đại học - kiến thức, hạnh kiểm tốt và các mục đích cuộc sống; tại các làng mạc - tinh thần hợp tác, sự phát triển và bất cứ chủ đề nào có thể mang lại sự lạc quan cho dân làng. Chủ đề phải đa dạng, nhưng có những nét tương đồng: câu chuyện phải được kể một cách hài hước, bị ngắt quãng bởi rất nhiều bài hát do các nữ ca sĩ hát với dàn nhạc phụ họa. Anh ta phải lồng ghép vào những lời khuyên răn về đạo đức, tinh thần lao động hăng say và tất cả phải được thể hiện đúng chừng mực, không làm tổn thương ai, không phạm luật. Nhìn chung buổi biểu diễn là một khoảng thời gian đầy ắp tiếng cười, âm nhạc, lời hát làm cho khán giả hạnh phúc và được giải trí thực sự.
Về mặt thể chất dalang phải là một người rất khoẻ mạnh, dẻo dai vì phải ngồi vắt chéo chân suốt 7 đến 9 tiếng trên thảm trong suốt quá trình biểu diễn, không được nhắm mắt dù một chút, không được đứng dậy đến tận sáng ngày hôm sau. Dalang còn phải đánh chũm chọe bằng chân phải một cách gần như liên tục, hai tay luôn phải điều khiển các con rối, bắt chước nhiều giọng nói, thỉnh thoảng lại kể chuyện cười, hát, điều khiển dàn nhạc...
Wayang Kulit được trình diễn suốt đêm, bắt đầu từ 21 giờ đến 5 giờ sáng. Cần khoảng 7-9 tiếng để trình diễn cốt truyện từ sử thi Ramayana hay Mahabhrata. Với cốt truyện Ramayana, có những câu chuyện nổi tiếng kể về đám cưới của Rama với Sita, việc họ bị đuổi vào rừng cùng với người em trai Laksmana; Sita bị vua quỷ Rahwana bắt cóc và việc giải cứu cô gái với sự giúp đỡ của vua khỉ Hanoman sau vô số trận chiến khốc liệt từ kinh thành Sri Lanka. Câu chuyện khác, Anoman Duta, có thể được trình diễn hết đêm. Kể về tình tiết khi Anoman được vua Rama phái đi thăm vương quốc Alengka để thương thuyết với Rahwana thuận tình thả Sita ra.
Câu chuyện chính của sử thi Mahabharata kể về mâu thuẫn giữa hai nhánh của một dòng tộc có nguồn gốc từ các vị thần hiển linh Hindu. Một nhánh của gia đình, Korawa, đã cướp ngai vàng từ quyền thừa kế chính thức của nhánh Pandawa. Mối hận thù này chỉ có thể được giải quyết bằng chiến tranh, một cuộc chiến đẫm máu giữa những người trong một dòng tộc. Cuối cùng Pandawa đã thắng. Chiến thắng thuộc về công lý và lẽ phải. Câu chuyện khác, Bima Suci (suci: thiêng liêng), kể về việc Bima đã vượt qua biết bao chướng ngại để đến được nguồn nước thiêng, gặp được vị thần, người tiết lộ cho chàng bí quyết diệu kì của cuộc sống. Trong các câu chuyện, từ sử thi Mahabharata và Ramayana, bao giờ cũng chứa đựng những thông điệp, những bài học luân thường đạo lý mà Wayang Kulit muốn truyền đạt cho khán giả. Thứ nhất, đó là bài học về đạo đức, tính lương thiện và trong bất cứ hoàn cảnh nào, chân lý bao giờ cũng thắng. Thứ hai, mỗi người phải tự chọn cho mình con đường phù hợp với niềm tin của chính mình. Thứ ba, phản ánh những sự kiện của cuộc sống, con người phải làm việc chăm chỉ, cần cù mới đạt được những mục tiêu của mình. Thứ tư, sự thèm khát của cải vật chất sẽ mang đến thảm họa cho nhiều người và cuối cùng là hủy hoại chính mình. Thứ năm, không được noi theo những tấm gương xấu. Thứ sáu, phải biết làm trong sạch cuộc sống để đạt được sự linh thiêng thật sự. Thứ bảy, mỗi con người đều khát khao được sống trong một xã hội phồn vinh, an bình.
Wayang Kulit là một trong những bộ môn kịch nghệ lâu đời nhất mà thế giới được biết đến. Nhiều thế kỷ nó đã trải qua biết bao thăng trầm của xã hội, những thay đổi về chính trị, tư tưởng và thời trang, liên tục làm mới mình và tạo ra một phong cách độc đáo trên thế giới. Đây là một bộ môn nghệ thuật mang tính hướng thiện, thể hiện cái đẹp, nét tinh hoa, tầm nhìn thế giới của văn hóa Indonesia. Với việc truyền đạt lại lịch sử của đất nước, thơ ca, triết học, những lời răn dạy tôn giáo, rối bóng nói chung và Wayang Kulit nói riêng đã giúp cho con người gần gũi, đoàn kết hơn trong cộng đồng, tạo cơ hội cho con người nhìn nhận chính bản thân mình “qua tấm gương lịch sử huyền bí”. Wayang Kulit, một di sản văn hóa quý báu của Indonesia và thế giới, cần được trân trọng, gìn giữ và phát huy.

Nguồn: Tạp chí Văn hóa nghệ thuật (Số 10/2004)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét