Thứ Tư, 21 tháng 11, 2012

Nghề đổ máu nhưng không được tôn trọng


Nghề đổ máu nhưng không được tôn trọng

"Nhảy múa là một nghề phải đổ cả máu, mồ hôi, và nước mắt, nhưng lại không được tôn trọng."
Vũ công Việt - những nhân tài ẩn dật

Sơ sảy là mất sự nghiệp

Đã từng nghe nhiều câu chuyện về những chấn thương của các vũ công khi luyện tập, thế nhưng phải đến khi tận mắt chứng kiến hình ảnh Chu Quỳnh Trang, cô gái dancesport của Thử thách cùng bước nhảy, nằm gục xuống sàn tập với một cánh tay bị trật khớp, đôi mắt ướt nhòe vì đau đớn, tôi mới thực sự cảm nhận được về những hy sinh, mất mát của nghề nhảy múa.

Theo nhiều người có mặt, chấn thương của Trang xảy ra khi cô thực hiện một động tác đổ người về phía sau không quá phức tạp. Chỉ vì bạn diễn đã bị ngã trước đó, không kịp đỡ mà Trang đã nghiêng người chống tay khi tiếp đất, dẫn đến việc bị trật khớp.
Chu Quỳnh Trang bị chấn thương trong lúc luyện tập

Trước Trang, cũng ngay trong chính cuộc thi này, đã có không ít trường hợp phải bỏ cuộc vì lý do tương tự. Nguyễn Vũ Hoàng Minh, một trong những thí sinh giàu tiềm năng của khu vực miền Nam đã phải tự dừng cuộc chơi từ vòng ngoài vì thoát vị đĩa đệm. Mới đây nhất, Thảo Uyên cũng phải nói lời chia tay chương trình vì đầu gối có vấn đề, không thể hoàn thành bài Dance For Life của mình.

Những quyết định này đều được BGK đồng tình. Bởi hơn ai hết, họ hiểu rõ tác hại của những chấn thương sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sự nghiệp của các thí sinh. Tuổi nghề của công việc này vốn đã ngắn, nếu không cẩn thận thì chỉ cần một tai nạn nhỏ cũng có thể khiến cho các vũ công phải sớm rời xa sàn diễn.

Bản thân biên đạo Viết Thành, trưởng nhóm Big Toe cũng từng phải đối mặt với một chấn thương nặng khi mới đến với Hiphop. Trong khi cố gắng thực hiện một động tác power-move, chân phải của anh đã bị gẫy vì mắc vào một các hố. Tuy nhiên, may mắn cho Viết Thành vì sau đó chừng một năm, với những nỗ lực của bản thân, anh đã có thể tập luyện trở lại.

John Huy Trần, biên đạo từng tốt nghiệp ở Canada và giờ đang làm việc tại Việt Nam, hiện cũng phải ra đường với một chiếc thắt lưng bảo hộ đặc biệt. Anh bảo mình cũng bị thoát vị đĩa đệm cách đây 8 tháng, giờ đi đâu cũng phải đeo chiếc thắt lưng này, ngoài ra còn không được cử động mạnh.
Thảo Uyên cũng ngậm ngùi dừng bước

Nói về những ca chấn thương trong nghề nhảy múa, biên đạo múa Tuyết Minh bảo: "Chuyện bình thường ấy mà!". Bởi theo chị, đã làm nghề này thì chấn thương là chuyên không thể tránh khỏi. Với hơn 15 năm trong nghề, chị đã chứng kiến không biết bao nhiêu trường hợp phải rẽ ngang, tìm công việc mới vì gặp phải tai nạn trong lúc luyện tập.

Gặp lại Quỳnh Trang một ngày sau khi bị ngã với cánh tay trái đã được cố định, hỏi Trang nếu phải dừng cuộc chơi ở đây thì sao, cô gái đến từ Hà Nội cười buồn nói: "Thì phải chấp nhận thôi anh, vì nhỡ có vấn đề gì thì chắc sau này em khỏi nhảy nữa." Ngập ngừng giây lát, Trang nói thêm: "Nhưng mà cũng sẽ tiếc lắm anh. Có lúc em nghĩ quẩn, bảo bác sĩ tiêm cho liều thuốc giảm đau, rồi lại lên sân khấu để được cháy hết mình."

Cần lắm một sự tôn trọng

Kim Phụng không chỉ khiến người xem của Thử thách cùng bước nhảy nhớ đến qua những bước nhảy mạnh mẽ, đầy cá tính, mà còn qua cả câu nói: "Nhảy múa là một nghề phải đổ cả máu, mồ hôi, và nước mắt, nhưng lại không được tôn trọng."

Thực ra, không riêng gì Phụng, nhiều vũ công khác cũng có suy nghĩ tương tự sau một thời gian dài theo nghề. Trải lòng về quãng thời gian nhảy minh họa cho ca sĩ, Châu, hiện đang là quản lý vũ đoàn MTE nói: "Nhìn chung bọn em vẫn được đối xử rất tốt, tuy nhiên cũng có không ít các bầu sô luôn bày tỏ thái độ coi thường, thiếu tôn trọng với các vũ công."

"Em còn nhớ, có những buổi tổng duyệt chương trình, các nhóm nhảy thường là những người phải đến sớm nhất và ra về cuối cùng. Tiết mục ổn thì không sao, chứ nhỡ có lỗi gì là bọn em phải chịu trách nhiệm hết. Trong khi thù lao trả thì chẳng được bao nhiêu.", Châu cho biết.

Nhảy múa, một nghề chưa được tôn trọng đúng mực ở Việt Nam

Nói về chuyện này, Huỳnh Mến, thành viên chủ chốt của vũ đoàn Bước nhảy cũng chia sẻ: "Thực ra bọn em cũng chẳng đòi hỏi gì nhiều, chỉ tự hỏi rằng tại sao những người khác có ghế để ngồi, còn bọn em thì không? Đôi khi nghĩ vậy thôi mà cũng thấy tủi thân lắm."

Trước khi trở thành một biên đạo múa tài năng, được nhiều người biết đến, John Huy Trần cũng nếm đủ những tủi nhục khi là một dancer tự do ở Canada. Anh từng có lần ức chế phát khóc vì bị hủy ngang hợp đồng diễn một chương trình lớn ngay sát ngày diễn ra, dù trước đó đã casting thành công và được giao một vai quan trọng.

Không bị coi thường bởi các bầu sô, Vân Missy, thành viên của nhóm nhảy nữ đình đám Hà Nội Cun Cun Crew, lại phải chịu không ít lời lẽ dị nghị từ chính những người hàng xóm. Trong Cứ nhảy đi, một bộ phim tài liệu về hiphop từng gây xôn xao cộng đồng mạng cách đây chưa lâu, B-Girl này tâm sự rằng vì tính chất của công việc thường xuyên phải đi đêm về hôm, phải khoác lên mình những bộ trang phục "thiếu vải" mà cô đã phải nhận nhiều những lời đồn đại không hay về mình trong một thời gian dài.

Quả thực, ở thời điểm hiện tại, vẫn còn không ít người có cái nhìn thiếu thiện cảm về nghề nhảy múa nói chung và các vũ công nói riêng. Với họ, đây thậm chí còn không được coi như là một nghề. Chính vì những thành kiến như vậy mà không ít lần, khi được hỏi về công việc riêng, Kim Phụng còn chẳng dám nhận mình là một vũ công.

Nếu không có đam mê, họ đã sớm bỏ cuộc

Sau khi vở múa Sương sớm hạ màn, nghệ sĩ Thành Lộc trong vai trò là một khán giả đã phải thốt lên rằng: "Tôi thực sự khâm phục các diễn viên múa Việt Nam. Họ dám vượt lên tất cả những khó khăn, thử thách, để tiếp tục theo đuổi niềm đam mê của mình và cống hiến cho đời những tác phẩm nghệ thuật đẹp, giàu ý nghĩa như vậy."

Đúng, nếu không có đam mê, một đam mê cháy bỏng, thì những bạn trẻ như Châu, Mến, Vân, Phụng hay nhiều vũ công khác của Việt Nam đã chẳng kiên định đi theo con đường mà mình đã lựa chọn cho đến giờ.


Linh Phạm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét