Thứ Hai, 5 tháng 11, 2012

Không gian nghệ thuật Đức: Cởi mở và hài hòa với thế giới


Không gian nghệ thuật Đức: Cởi mở và hài hòa với thế giới   

Không gian nghệ thuật Đức: Cởi mở và hài hòa với thế giới
Nước Đức là một trong những nước có nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới. “Made in Germany” là thương hiệu quốc gia không chỉ nổi tiếng về kỹ thuật, mà còn là một nền văn hóa rất cởi mở với thế giới.
Trong đó, những cư dân Đức thời hiện đại, bao gồm cả những người không sinh ra ở Đức nhưng đã sống và làm việc ở đất nước này, cũng góp phần làm giàu văn hóa, mang lại sự đa dạng và mới mẻ cho lĩnh vực vốn nhiều sáng tạo. Sự cởi mở và tính tự chủ của văn hóa - nghệ thuật Đức nói chung không loại trừ nhau, mà kết hợp với nhau một cách hài hòa. Có thể thấy điều này qua triển lãm “Không gian nghệ thuật Đức” từ ngày 17 đến 26-10 tại Nhà trưng bày triển lãm TP.HCM (92 Lê Thánh Tôn, Quận 1) do Viện Goethe Việt Nam tổ chức, nhằm giới thiệu văn hóa Đức và những-gì-thuộc-về-Đức đang lan tỏa ra thế giới.
Triển lãm trưng bày tác phẩm của 13 nghệ sĩ tiêu biểu nước ngoài sống tại Đức gồm nhiều thể loại như sắp đặt, nhiếp ảnh, hội họa… Cùng với sự trải nghiệm, tác phẩm của họ là kết quả của việc cọ xát những văn cảnh xã hội với sự thay đổi mang tính thẩm mỹ của thời đại. Từ khi được giới thiệu, những tác phẩm này đã được giới chuyên môn đánh giá cao trên trường quốc tế và được công chúng yêu nghệ thuật ở nhiều nơi nhiệt tình đón nhận.
Marie-Jo Lafontaine sinh năm 1950 tại thành phố Antwerp (miền Bắc nước Bỉ), là một nữ nghệ sĩ video nổi tiếng châu Âu hiện nay, bà từng có những tác phẩm về đề tài tâm linh kết hợp giữa hội họa và nhiếp ảnh gây tiếng vang ở nhiều nước. Tham gia triển lãm lần này, bà mang đến bộ ba bức ảnh là Thiên thần nào cũng đều kinh khủng, Người đàn ông và lưỡi hái, Cháy thuyền thực hiện từ năm 1994. Những bức ảnh in trên nhôm, trên nền đen thăm thẳm của bóng đêm, của biển mênh mông là ngọn lửa đỏ bùng lên, phía sau khoảnh khắc sáng lòa dữ dội như còn ẩn chứa nhiều điều…

  
   Per Kirkeby sinh năm 1938 tại Copenhagen (Đan Mạch), xuất thân là một nhà vật lý được đào tạo chính quy và là một nhà làm phim, nhưng ông được biết đến như một họa sĩ thực thụ, nghệ sĩ trình diễn với các tác phẩm đồ họa, điêu khắc đồng và các mẫu nhà bằng gạch… Từ năm 1989, ông làm giáo sư mỹ thuật tại Frankfurt (Đức). Bộ tranh Không đề gồm bốn bức của ông tại triển lãm là sự phá cách về màu sắc tưởng chừng như ngẫu hứng nhưng đầy chủ ý. Thế giới luôn biến động, như những gam màu sáng tối luôn chuyển động, con người bằng sự can thiệp của mình sẽ làm thế giới tươi sáng, tốt đẹp lên hay ngược lại đều có thể xảy ra.

  
   Tony Cragg (59 tuổi) là một trong những đại diện quan trọng nhất của lớp nghệ sĩ sinh vào thời kỳ đầu hậu chiến ở Anh. Chịu ảnh hưởng từ nhiều nguồn tư tưởng, cả các nhà khoa học và triết gia, ông đã thử nghiệm và mở ra nhiều khả năng thực hành điêu khắc, được chú ý và cũng gây tranh cãi nhiều nhất. Những tác phẩm sắp đặt, điêu khắc của ông là sự suy tư, ý niệm về sự tồn tại của con người.
  
   Cao niên hơn là Armando (sinh năm 1929 tại Amsterdam) - một nghệ sĩ đa tài về nghệ thuật thị giác, nhà thơ, nhà văn, nhà làm phim, nghệ sĩ violon có ảnh hưởng trong sáng tác nghệ thuật tại Hà Lan và nhiều nước châu Âu. Tác phẩm của ông dựa trên những trải nghiệm cá nhân thời chiến tranh, đề cập tới các chủ đề tự do và không tự do, giữa thủ phạm và nạn nhân, hồi ức, cái chết và sự đau khổ mà Lá cờ là bức tranh như thế.
  
   Nữ nghệ sĩ Thụy Sĩ Marianne Eigenheer thường tổng hợp các hình thức hội họa, nhiếp ảnh, tư liệu cắt từ báo, tạp chí để tạo ra các tác phẩm của mình. Tuy chúng phản ánh đời sống nội tâm riêng của bà về cảm giác, ký ức… nhưng người xem vẫn tìm thấy sự đồng cảm, chẳng hạn như bộ ảnh Thời của bạn, thế giới của tôi.

  
   Triển lãm cũng giới thiệu tác phẩm của Herman de Vries - nghệ sĩ rất yêu thiên nhiên của Hà Lan. Hầu như các đề tài nghệ thuật của ông đều lấy cảm hứng từ thiên nhiên và mối quan hệ với con người, cả chất liệu cũng từ trong thiên nhiên như cây cỏ, hoa lá khô. Ông sáng tác rất đa dạng trên nhiều thể loại tranh, tượng, sắp đặt, nghệ thuật ở không gian công cộng.
  
   Trong triển lãm lần này, đặc biệt có những tác phẩm của cố nghệ sĩ người Hàn Quốc Nam June Paik. Tác phẩm sắp đặt của ông khá lạ trong cách thể hiện, vừa cổ điển mà cũng bắt nhịp cùng thời đại. Đó là trên một chiếc tủ gỗ để tivi xưa có gắn đồng hồ đặt nhiều thiết bị điện tử (tivi, máy chụp hình, quay phim, đầu đọc đĩa laser), kính hiển vi… đang hoạt động, nhưng đĩa hình chỉ là những vệt đen trắng chuyển động không ngừng, được ông thực hiện từ năm 1975. Có phải đó là thông điệp thời gian và thông tin là những điều song hành, một khi đã qua thì không thể lấy lại được, vì vậy con người phải cẩn trọng hơn?
   Nam June Paik là cha đẻ của nghệ thuật video, là một trong những nghệ sĩ có ảnh hưởng lớn nhất tới nghệ thuật đương đại, tác phẩm của ông có mặt tại các bảo tàng lớn ở Mỹ, Pháp, Đức, Tây Ban Nha…
  
   Triển lãm còn có sự góp mặt của các giáo sư mỹ thuật Christine Hill, Joseph Kosuth (Mỹ), các nghệ sĩ thị giác Magdalena Jetelová (Cộng hòa Czech), Ayse Erkmen (Thổ Nhĩ Kỳ), Giuseppe Spagnulo (Ý)… mỗi người với quan điểm nghệ thuật và tài năng của mình, đều mang đến cho người xem những cảm nhận mới lạ.
   Nhìn lại trong thế kỷ XX, các nghệ sĩ lớn có xu hướng di chuyển tới Paris hoặc New York để thực hiện và trình diễn nghệ thuật. Phải đến những năm cuối 1980 về sau, nước Đức mới dần trở nên hấp dẫn và thu hút họ. Điều này liên quan đến vị thế mới của Berlin như là điểm gặp gỡ Đông - Tây, nhưng cũng có lẽ đó là thời điểm mà nghệ thuật quốc tế có xu hướng vượt bỏ các ranh giới về địa lý và khác biệt văn hóa để tìm đến tiếng nói chung: nghệ thuật vì con người mà “Không gian nghệ thuật Đức” là một điều minh chứng.

Nguồn: Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét