Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2012

Kỉ niệm 70 năm Dế mèn phiêu lưu ký: Dế qua tuổi thất thập cổ lai hy

Kỉ niệm 70 năm Dế mèn phiêu lưu ký: Dế qua tuổi thất thập cổ lai hy 

Nhà văn Tô Hoài luôn biết ơn "Dế mèn phiêu lưu ký
VH- 70 năm hay 75 năm tuổi, đối với tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký cũng chẳng đáng gì quan trọng. Bởi Dế mèn giờ đã thành Dế cụ “thất thập cổ lai hy” hay sau này tuổi nhiều hơn nữa... thì Dế mèn phiêu lưu ký đã mãi trở thành tác phẩm đỉnh cao của văn học thiếu nhi cũng như lịch sử văn học VN bằng chữ quốc ngữ rồi.
Sắp bước sang tuổi trăm tròn, nhà văn Tô Hoài bấy lâu không mấy xuất hiện trong các sự kiện, lễ lạt của làng văn. Nhưng đúng 20.11, “cụ Tô” chễm chệ tại trụ sở Hội Nhà văn HN từ sáng sớm trong dịp Lễ kỉ niệm 70 năm Dế mèn phiêu lưu ký. Đầu đội mũ dân tộc miền Tây Bắc, áo cổ tàu lịch lãm rất người Hà Thành, miệng tươi cười dí dỏm...
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn VN vào đề cũng hợp ý, tức thời: “Cám ơn nhà văn Tô Hoài, trong ngày nhà giáo VN hôm nay, với tư cách nhà văn - người thầy cuộc đời đã gieo vào lòng bao thế hệ người đọc những ước mơ và hy vọng sống làm người bằng “nhân vật” Dế Mèn”.
Năm 1941, tác phẩm Con dế mèn được nhà văn Tô Hoài viết cho tủ sách Truyền bá của NXB Tân Dân, năm 1942, hai tập tiếp theo mang tên Dế mèn phiêu lưu ký được viết tiếp để tạo thành diện mạo của Dế mèn phiêu lưu ký mãi đi vào lịch sử văn học nước nhà như ngày hôm nay. Sinh năm 1920, theo nhà văn Tô Hoài hồi nhớ thì ông khởi thảo tác phẩm này khoảng chừng năm 18 tuổi, nhưng cuốn sách Dế mèn phiêu lưu ký lại được NXB Kim Đồng ấn hành lần đầu vào năm 1960.
Vì thế, gọi Lễ kỉ niệm 70 năm Dế mèn phiêu lưu ký cũng chỉ là con số ước lượng cũng phải, mà xem tác phẩm đã đi vào thiên cổ này như một áng văn chương không có tuổi, đọng lại mãi với thời gian cũng chẳng sai. Ngay cả nhà văn Tô Hoài, người vốn xem câu chữ là sự nghiệp của cả cuộc đời đã từng hồi nhớ một cách ang áng khi viết: “Tôi viết truyện Con dế mèn, rồi Dế mèn phiêu lưu kí lần đầu, không rõ năm ấy tôi mười tám hay mười bảy tuổi”.
GS Phong Lê nhìn nhận: “Ngay từ tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký đã hé lộ văn nghiệp của nhà văn Tô Hoài ở ba lĩnh vực: văn học thiếu nhi, tả cảnh thiên nhiên và văn chương mang đậm phong tục, dấu ấn văn hóa”. Quả thực, đời văn như Tô Hoài chắc chắn mãi thuộc diện hiếm của văn học nước nhà. Với khoảng 150 đầu sách, ông là người đứng đầu về ba mảng đề tài: miền núi, Hà Nội và tự truyện, hồi ký.
Riêng với văn học viết cho thiếu nhi, quả thực Tô Hoài là nhà văn thuộc diện của hiếm không xem đây là nghề tay trái mà lúc nào ông cũng đầu tư viết cho các em kỹ lưỡng, nghiêm túc và kiên trì. PGS.TS Vân Thanh, nhà nghiên cứu văn học chuyên tâm về văn học thiếu nhi khẳng định: “Tô Hoài là người mở đầu và cũng là người có hành trình dài nhất, có nhiều đóng góp lớn nhất cho văn học thiếu nhi VN”.
Trong làng văn, hình tượng Dế mèn cho đến nay vẫn là nhân vật được nhiều thế hệ người đọc VN nhớ nhất. Nhà văn Vũ Nho chắc rằng: “Chú Dế mèn luôn đồng hành với các thế hệ học sinh nước ta”. Ngày nay, trẻ em VN có thể có nhiều đồ chơi khác nhau, tiếp cận với nhiều nhân vật dành cho trẻ con của nhiều nước trên thế giới, nhưng nhân vật Dế mèn vẫn đọng mãi trong lòng nhiều thế hệ.
Ông Nguyễn Huy Thắng, Phó GĐ NXB Kim Đồng cũng đầy tự hào quả quyết: “70 năm qua, kể từ khi ra đời cho đến nay, Dế mèn phiêu lưu ký luôn là cuốn sách thiếu nhi được đọc nhiều nhất ở VN. Đây cũng là tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất. Một vinh dự không chỉ riêng cho tác giả Tô Hoài, không chỉ riêng cho văn học thiếu nhi mà cho văn học VN nói chung”.
Văn chương vốn dĩ vẫn lưu truyền hạ thế những đỉnh cao của từng giai đoạn lịch sử văn học, từng mảng đề tài, thể loại và với Dế mèn phiêu lưu ký, Tô Hoài đã đóng một dấu son sáng ngời trong đề tài văn học viết cho thiếu nhi nói riêng và văn học viết bằng chữ quốc ngữ nói chung.
Nói như nhà văn Phong Lê, nếu Vũ Đình Liên nổi tiếng muôn đời với một bài thơ Ông Đồ thì Tô Hoài có thể cũng không cần viết tới hàng trăm tác phẩm mà chỉ cần Dế mèn phiêu lưu ký thôi cũng đủ tạc vào văn chương VN một tác phẩm, một tên tuổi để đời. Điều đáng quý với nhà văn Tô Hoài là dù sở hữu 150 tác phẩm nhưng bí quyết nghề nghiệp của ông lại rất dung dị: “Tôi luôn ăn uống điều độ”.
Riêng về tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký, tại buổi lễ kỉ niệm ông chỉ ngắn gọn nhắc lại một hồi ức giản dị “Nhà văn Nguyễn Công Hoan đã có lần bảo tôi là ông ấy thích Dế mèn phiêu lưu ký vì lối viết hóm hỉnh. Sau này nhìn lại tôi tâm đắc ý kiến đó. Là nhà văn viết nhiều tác phẩm rồi nhưng tôi luôn biết ơn tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký đã có công trong suốt đời văn của tôi”. Hơn thế, văn học nước nhà luôn biết ơn Tô Hoài với tác phẩm để đời - Dế mèn phiêu lưu ký.
Phúc Nghệ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét