Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2012

Đặc sản Cốm làng Vòng


Đặc sản Cốm làng Vòng   


Đặc sản Cốm làng Vòng
Về Hà Nội, không ai không nhớ đến một thứ quà ngon nổi tiếng, thứ quà của lúa non. Cái thứ quà vừa dân dã vừa thanh tao đó có tên gọi là “Cốm làng Vòng”. Làng Vòng cách trung tâm Hà Nội về phía Tây Bắc độ dăm cây số, gồm có các thôn: Vòng Tiền, Vòng Hậu, Vòng Sở, Vòng Trung nhưng chỉ có hải thôn Vòng Hậu và Vòng Sở là làm cốm ngon.
Ngày nay, Hà Nội được quy hoạch, mở rộng thêm, làng Vòng ngày xưa nay là phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy. Mặc dù vậy, cái tên làng Vòng vẫn không mất đi trong tâm trí của mỗi người dân thủ đô bởi nó đã gắn liền với một đặc sản nổi tiếng.
Đặc sản “Cốm làng Vòng” có từ lâu đời được làm từ nếp cái hoa vàng, một năm có hai vụ: vụ chiêm chỉ có cốm vào tháng tư. Vì đây là trái vụ nên cốm của vụ chiêm không mấy hấp dẫn. Muốn ăn cốm ngon phải đợi đến vụ mùa, bắt đầu từ tháng bảy đến tháng mười. Khi ấy là vào mùa thu, mùa của đất trời Hà Nội.
Cũng không phải ngẫu nhiên mà thứ quả mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ Việt Nam lại cùng mùa thu Hà Nội đi vào thơ ca “Hà Nội mùa thu..., mùa cốm xanh về thơm bàn tay nhỏ, cốm sữa vỉa hè thơm bước chân qua...”. Cốm là thức quà riêng biệt của một đất nước. Thức quà ấy mang trong hương vị tất cả sự đảm đang, cần cù và sáng tạo của người dân làm nông nghiệp.
Cũng như những thứ quà khác, cốm ngày xưa được làm ra với ý nghĩa ban đầu là làm quà sêu tết, tặng nhau. Ấy mới có chuyện những chàng rể xưa muốn lấy lòng bố mẹ vợ liền làm cốm đem biếu. Dần dần phát hiện ra thứ quà thanh nhã và tinh khiết ấy rất phù hợp với các việc lễ nghi nên người ta làm cốm để thờ cúng tổ tiên, lễ chùa và dùng trong đám cưới, đám hỏi của người Kinh Bắc. Cho đến nay, cốm Vòng được bán khắp các phố, chợ Hà Nội. Cứ mỗi mùa thu đến, lại thấy các bà, các chị làng Vòng quẩy đôi gánh xinh xinh, giắt đầy cây lúa non đã tuốt hạt, đi dọc các phố mà rao “Ai cốm đây”, nghe thật quen thuộc.
Nói về cách thức làm cốm, tất nhiên là rất nhiều vùng quê biết làm nhưng phải thừa nhận rằng không có đâu làm được hạt cốm dẻo và thơm ngon bằng ở làng Vòng. Người làng Vòng làm cốm rất công phu. Đầu tiên họ trồng lúa, đợi đến lúc lúa khum ngọn, hãy còn sữa thì gặt đem về làm cốm. Lúa để làm cốm thì không được vò hay đập mà phải tuốt. Sau đó cho vào nồi rang. Cốm rang xong phải mang giã ngay, không được để nguội. Trong quá trình giã phải có kỹ thuật, không được giã mạnh tay quá cốm sẽ nát. Khi giã phải luôn tay đảo cốm từ trên xuống, dưới lên cho đều. Giã khoảng 10 lần thì đem cốm đi sáng và hồ, rồi đựng vào lá sen.
Không hiểu sao người ta lại dùng lá sen để đựng cốm? Có lẽ thứ quà tinh khiết ấy phải được gói bằng lá của loài hoa “sạch sẽ”, “gần bùn mà chẳng hôi tanh” thì mới thấy hết được ý nghĩa của nó. Mặc dù đó chỉ là cách suy luận, song thực tế thì cốm được gói bằng lá sen thơm và ngon hơn khi ta gói bằng một thứ lá khác.
Cốm thường được ăn cùng với chuối tiêu trứng cuốc nhưng ngon nhất vẫn là ăn với trái hồng chín đỏ. Và Thạch Lam trong cuốn “Hà Nội 36 phố phường” đã ví: “Cái màu xanh tươi của cốm như ngọc thạch quý, màu đỏ thắm của hồng như ngọc lựu già. Một thứ thanh đạm, một thứ ngọt sắc, không gì hòa hợp bằng”.
Có thể nói thương hiệu “cốm làng Vòng” đã nổi tiếng khắp ba kỳ. Thế nhưng, những năm gần đây Hà Nội đất chật, người đông, đất làng Vòng xưa kia trồng lúa giờ đã nhường chỗ cho những ngôi nhà cao tầng. Làng Vòng sầm uất hơn, náo nhiệt hơn nhưng không còn lúa để làm cốm nữa. Mặc dù lúa nếp để làm cốm giờ phải sang làng khác hoặc ra các huyện ngoại thành mua về, nhưng người làng Vòng vẫn cố gắng để giữ công nghệ làm cốm cũ.
Dù có mai một đi nhưng thương hiệu “Cốm làng Vòng” vẫn giữ mãi trong nét đẹp văn hóa đất nước. Chính vì thế chúng ta cần phải đặc biệt quan tâm phát triển một thương hiệu dân gian truyền thống, góp phần gìn giữ đặc trưng riêng của Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Nguồn: Du lịch Việt Na
m

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét