Bánh đập Hội An nhớ bánh đập Lái Thiêu
Ông già Lý Thân nổi tiếng như là một trong những cuốn “tạp thực lục” sống còn sót lại ở Sài Gòn, thường tham gia biên soạn sách chơi đồ cổ, chơi đá, v.v. Nói chung là gia cảnh thanh bạch, nhưng ông già rành đủ chuyện chơi, chuyện ăn, sống đời ngao du đây đó, thuở nhỏ là người gốc Tiều sống ở Lái Thiêu. Mới gặp đây ông than: Ra tới Nha Trang, gặp chú em quen dắt tay đi ăn món bánh đập, gồm bánh tráng gạo chín kẹp bánh tráng ướt, cắt thành từng miếng nhỏ, chắc là bánh miệt ngoài Trung du nhập vô, chớ bánh đập tui ăn hồi nhỏ ở Lái Thiêu, ngày nay không còn thấy ở đâu còn ăn loại bánh này”.
Hồi xưa, chợ cũ Lái Thiêu có ba nhà lồng nối theo nhau, gồm nhà lồng chợ thịt, nhà lồng chợ bada (bazar tiếng Pháp: tạp phẩm) và nhà lồng chợ đồ ăn. Chợ đồ ăn thời ông Lý thông dụng nhất là món cuốn, bây giờ nhiều món đã biệt dạng. Đầu trên nhà lồng chợ bán đồ ăn hồi cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 này có lò bánh hỏi, bánh nghệ (cũng như bánh hỏi, cọng to hơn, bánh thưa như miếng lưới, bây giờ không thấy bán ở đâu nữa), ép hấp tại chỗ cho khách ăn liền còn nóng hổi. Bánh hỏi có thoa mỡ hành lên trên, cuốn rau sống, mít non hầm chín màu đỏ hồng, cắt thành từng khoanh, rắc dầu phộng đâm nhuyễn lên trên. Người ít tiền ăn như thế, hoặc thêm chút tiền thì cuốn với huyết luộc được cắt thành những khối cỡ bốn phân vuông. Sang hơn, theo ông Lý, cuốn với thịt heo quay của chú Phu, hoặc xíu mại của tiệm nước Duyệt Lai của chú Xây. Món ăn cuốn còn có bánh xèo, bánh đập. Bánh xèo Lái Thiêu khác ở chỗ ngoài tôm, giá, thịt ba rọi còn có đậu xanh hấp luôn vỏ; và bánh đập – thứ mà ông Lý than đã không còn nữa. Hồi đó, người ta nướng sẵn từng cái bánh tráng gạo sắp đứng trong một cái rổ, tráng từng miếng bánh ướt mỏng bằng bột gạo hấp chín, sắp từng miếng bánh mỏng thành một chồng, cách mỗi lớp lót một chéo lá chuối hình chữ nhựt hai phân tây. Cứ một miếng bánh tráng phủ lên hai lớp bánh ướt trên và dưới, quệt lên miếng nhưn đậu xanh nhuyễn, phết đều mỡ hành lên chừng nửa phần bánh, dùng tay đập nhẹ giữa bánh cho bể ngang miếng bánh tráng, gập đôi chiếc bánh lại, để ra cái tràng, hai – ba bánh tuỳ khách kêu. Ăn bánh đập cũng như ăn bánh xèo, phải có đọt vừng, đọt sộp mới ngon, chấm nước mắm ớt và đồ chua. Bánh đập thời đó rẻ tiền hơn bánh xèo, bánh hỏi.
Bây giờ, ở Sài Gòn, chỉ còn món bánh đập gốc Quảng Nam, bán ở những quán ăn như Hội An quán trên đường Út Tịch, Hoài Phố đường Cách Mạng Tháng Tám, Faifo đường Lương Định Của. Nó là một miếng bánh tráng gạo nướng và một miếng bánh tráng ướt, được thoa ít dầu đậu phộng có khử mùi bằng củ nén – một loại củ riêng của xứ Quảng, nhỏ bằng nửa tép hành thường, hay bán ở chợ bà Hoa, Tân Bình. Ghép miếng bánh ướt với miếng bánh tráng giòn, đập nhẹ để hai miếng bánh hít lại với nhau, phần bánh tráng nướng bị bể và phần bánh ướt thì có nhiệm vụ link các vụn bánh nướng lại, giúp cho miếng ăn không thô cứng cũng không mềm nhũn. Đề huề cương nhu.
Nhưng cái bánh đập phiên bản xứ Quảng chỉ ngon khi mà nước chấm đạt hàng thượng thừa. Đó phải là chén mắm nêm nhiều tỏi và ớt phải là ớt sừng xanh đặc hiệu xứ Quảng, dậy mùi thơm khi giằm ra mắm. Đẳng cấp của mắm nêm là chén mắm phải vừa chua tới, con mắm không bị ngấu, cá làm mắm phải là cá cơm than.
Bạn chỉ còn có thể ăn bánh đập xứ Quảng ở Sài Gòn và hoài cổ món bánh đập Lái Thiêu mà ông già họ Lý mê mẩn nó cách đây sáu bảy chục năm và đang không nguôi thương nhớ, để trí tưởng tượng phiêu bồng và làm ngon miệng hơn, vì cái thần của ẩm thực là cố sự.
Nguồn: SGTT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét