Thêm nhiều món ăn vặt ngon ở khu Kim Liên - Xã Đàn
Không bó hẹp quanh khu Kim Liên, Phạm Ngọc Thạch, Phương Mai, chỉ cần đi lên một đoạn khoảng 500m, khu đường Xã Đàn mới cũng có rất nhiều món ăn vặt ngon, hấp dẫn.
Ngoài 5 món ăn vặt phổ biến và có truyền thống lâu đời quanh khu Kim Liên-Đông Tác, khu vực này vẫn còn rất nhiều món ngon độc đáo, mời bạn cùng thưởng thức thêm:
1. Cháo sườn, cháo trai
Nằm đối diện với quán Bánh đúc nóng trứ danh, chiều nào cũng vậy, hàng cháo này rất đông khách. Ở đây có bán hai loại cháo là: cháo trai và cháo sườn.
Gạo ở dạng hạt vỡ đúng kiểu cháo ngày xưa chứ không phải là dạng cháo nhuyễn mịn giống cháo sườn như một số hàng bây giờ thường bán. Cháo thơm, quyện vị, sánh mịn. Rất hấp dẫn. Thêm 1 điểm cộng cho cháo sườn ở đây là ruốc tự làm, nên rất ngọt và bông nhé.
Cháo trai ở đây có vị hăng ngọt tự nhiên của nước luộc trai, trai dùng làm cháo là loại trai non nên khi xào không bị dai mà vẫn giữ được vị ngọt. Hương quyến rũ của trai phi hành, vị béo ngọt của bát cháo sánh đặc, thơm nồng của rau dăm, thêm tí cay cay của hạt tiêu, ớt bột đã tạo nên sức hấp dẫn không thể chối từ.
Quán mở hàng từ 2 – 6h chiều. Và giá cho mỗi bát cháo quẩy đầy đủ ở đây là 17.000 đồng/bát.
2. Bún mắm thịt quay + Bánh tráng cuốn thịt heo
Khuất mình trong con ngõ nhỏ của phố Phạm Ngọc Thạch là một trong những quán ăn bán đồ đặc sản Đà Nẵng ngon và nổi tiếng nhất Hà Nội thời điểm này. Đúng như tên biển quảng cáo, quán chỉ bán duy nhất: Bánh tráng cuốn thịt heo và Bún mắm thịt quay – 2 đặc sản của mảnh đất miền Trung này.
Yếu tố quan trọng nhất tạo nên hương vị độc đáo cho 2 món ăn này chính là nước mắm nêm. Mắm nêm tại quán được chuyển trực tiếp từ Đà Nẵng ra, được bảo quản kỹ càng nên luôn giữ được nguyên hương vị đặc trưng vốn có. Cũng được chưng cất từ nhiều loại cá, nhưng để có thể trở thành gia vị thì mắm cần phải được nêm nếm, pha chế rất nhiều, vì thế mới có tên là Mắm nêm.
Và bí quyết tạo nên sự hấp dẫn của món ăn cũng chính ở khâu pha chế này. Mỗi quán ăn đều giữ riêng cho mình 1 công thức chuẩn để có thể đem đến cho thực khách sự hài lòng tuyệt đối về chất lượng sản phẩm.
Bún mắm thịt quay rất mãn nhãn này có thành phần chính là bún nguyên sợi, không trần nước sôi, thịt lợn quay giòn bì, cùng các loại rau sống, rau gia vị thái nhỏ. Khi ăn, tùy khẩu vị mỗi người mà trộn thêm chút mắm nêm đã được để riêng trong 1 bát con vào bún. Bát bún mắm ngon là bát bún hòa quyện được vị chua của khế và dứa, ngọt và giòn của thịt, thơm của mắm, thanh mát của rau gia vị...
Ấy thế mà món đinh của quán lại là Bánh tráng cuốn thịt heo cơ. Mang đặc điểm chung của tất cả các món cuốn cổ truyền: đơn giản, nhẹ nhàng, thanh đạm, dễ làm, dễ ăn nhưng không kém phần tinh tế và hấp dẫn. Chỉ thiếu đi 1 vị thôi, thì món ăn đã giảm bớt phần thơm ngon rồi.
Thịt ba chỉ phải thái to bản và thật mỏng, rau sống phải đầy đủ: tía tô, đinh lăng, mùi, húng, diếp cá, xà lách, phải có chút vị chan chát bùi bùi của chuối xanh, chua của khế và dứa, mát của dưa chuột và mầm giá đỗ.
Ngoài ra đồ cuốn phải có đủ cả vỏ bánh tráng rồi đến lớp phở cuốn nữa. Hay thêm xíu sợi bún cho đầy đặn. Vậy là bạn đã có 1 bữa ăn no và đủ chất dinh dưỡng, thay cho những ngày tháng thịt cá ê chề.
Quán rất được lòng khách, từ nhân viên văn phòng cho đến các bạn sinh viên bởi quán sạch sẽ, thái độ phục vụ tận tình ( trà đá và kẹo bạc hà Dynamite miễn phí cho khách khi ăn xong) mà giá cả thì vô cùng phải chăng: chỉ 35.000 đồng/ suất bánh tráng cuốn thịt heo và 25.000 đồng/ bát bún mắm thịt quay.
Địa chỉ: Quán Hoàng bèo, số 6C, ngõ 21 Phạm Ngọc Thạch. Bán từ 10h30 sáng – 10h tối.
3. Bún mọc sườn chua
Tất cả các nguyên liệu làm nên bát bún chua gần giống với món bún dọc mùng quen thuộc, duy chỉ có nước dùng là điểm khác biệt.
Nước dùng ở đây có vị chua ngọt thanh thanh. Bí quyết nằm ở những miếng dứa vàng được thả vào nồi nước dùng. Dứa mang lại vị chua rất riêng, nhẹ nhàng mà không gắt, thơm thoang thoảng.
Bún chua đi kèm với nó là sườn, mọc, lưỡi, thịt chân giò, móng giò. Mọc và sườn được để trong một cái khay có chan nước dùng lên, chứ không để khô như nhiều quán vẫn làm. Sườn được ninh lên có độ chín vừa phải nên thịt có độ dai và ngọt. Còn thịt mọc viên khá to tròn, thịt nạc dậy thơm mùi tiêu quyện cùng vị thơm của mộc nhĩ. Lưỡi dai sần sật và không còn mùi hoi.
Một bát bún rất đầy đặn và chất lượng như thế này có giá 45.000 đồng
Địa chỉ: 63 Xã Đàn ( gần đoạn giao với Phạm Ngọc Thạch và Đào Duy Anh). Quán bán cả ngày.
4. Bánh đa cua Hải Phòng
Dù mới du nhập vào Hà Nội trong vài năm gần đây, nhưng bánh đa cua Hải Phòng đã làm phong phú thêm văn hóa ẩm thực Hà thành và được đông đảo thực khách yêu mến bởi hương vị đặc trưng mà lại tốt cho sức khỏe vì chứa nhiều hàm lượng Canxi và chất sắt.
Tại phố Phương Mai cũng có 1 cửa hàng chuyên bán bánh đa cua và bún tôm Hải Phòng. Quán khá rộng rãi và sạch sẽ, với bàn ghế được làm từ inox trắng tinh, đồ chế biến sẵn được bảo quản trong tủ kính sạch sẽ, bát đĩa đều sạch, tạo cảm giác thoải mái và yên tâm về vấn đề vệ sinh thực phẩm.
Bát bún ở đây khá đầy đặn với đầy đủ các thành phần cần có trong 1 bát bánh đa cua: bánh đa đỏ, rau cần, chả cá, tôm nõn bóc vỏ, cá rô rán giòn, viên giò rán vàng, chả lá lốt, thạch cua, và ngoài ra, còn có thêm mộc nhĩ cùng 1 quả trứng chim cút nữa.
Sợi bánh dai dai, mềm mềm, không bị bở khô, ăn cùng với nước dùng ngọt vị cua đồng. Cộng thêm sự kết hợp của miếng chả lá lốt, chả cá, giò rán ngọt thịt. Thạch cua beo béo, trứng chim bùi bùi, cá rán thơm thơm đã làm nên 1 bát bánh đa cua thập cẩm rất vừa miệng, dễ ăn.
Nước dùng ở quán, có thể hơi nhạt so với vị nguyên gốc tại Hải Phòng nhưng khá ngọt và trong, phù hợp với khẩu vị thanh nhẹ của người Hà Nội.
Địa chỉ: 133 Phương Mai. Quán bán cả ngày. Giá: 40.000 đồng/ bát bánh đa cua thập cẩm.
Nguồn: Địa chỉ Hà Nội - Theo MaskOnline
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét