Thơm nồng hương cơm rượu
Nhìn chén cơm rượu trắng phau, mùi thơm nồng hấp dẫn, đôi lúc tôi không cầm được nước mắt nhớ về hình ảnh ông, khi ăn cơm xong thường tráng miệng bằng chén cơm rượu, và sau đó khoan thai ngồi vào bàn nước uống một tách trà thật sảng khoái.
Lúc sinh tiền, ông ngoại tôi rất thích món cơm rượu. Vì thế, trong dịp giỗ ông, dù gia đình bận rộn đến đâu vẫn không thể thiếu món cơm rượu trong mâm cỗ cúng. ...
Ngày ấy, nhà ngoại rất xa chợ huyện, cả tháng bà mới đi chợ một lần. Muốn làm món cơm rượu này, bà phải đi chợ thật sớm để mua những nguyên liệu cần thiết. Bà nói có 2 món cơ bản quyết định chất lượng cơm rượu, đó là nếp và men. Nếp phải là nếp rặt (không lẫn gạo hay tạp chất khác), thường là nếp mù u hạt nhỏ, đều rất ngon; còn men là loại men ngọt (men viên nhỏ, chỉ dùng cho cơm rượu) và tìm những nơi bán men quen từ trước để khi làm cơm rượu không bị hư (dân gian gọi là bị ngâu vọc, viên cơm rượu có màu đỏ, vị chua!). Bà thường đến mua men nơi tiệm thuốc bắc tên “Đông phương dược phòng” của một người Hoa già nơi chợ huyện.
Sau khi có đầy đủ nguyên liệu rồi, bà chuẩn bị sẵn các thứ như: men cà nhuyễn để ra chén (nhiều ít tùy số lượng nếp và người bán cũng cho biết 1 viên men làm được bao nhiêu lít nếp), lá chuối xé thành từng miếng nhỏ (kích cỡ chiều cao bằng viên cơm rượu định làm), nước muối hòa thật mặn (độ mặn khi bỏ hạt cơm nguội phải nổi lên), vôi cục (cỡ ngón tay cái) nướng chín bỏ vào nước muối chờ hòa tan và gạn lấy nước trong.
Trước tiên, ngoại cho nếp, khoảng 1 lít (khoảng 800 gram - cách tính của người miền Nam) vào thau ngâm với hỗn hợp nước muối vôi khoảng 6 tiếng (theo tỉ lệ 1 lít nếp trộn 2/3 chén nước muối, vôi). Kế đến, ngoại vớt nếp ra để ráo, và đổ nếp vào nồi xôi (2 lần).
Bà nói rõ bí quyết nấu xôi như sau: "Lần thứ1, nếp vừa chín tới đem ra xả nước lạnh, rồi mới nấu tiếp lần thứ 2 cho chín hẳn". Tiếp theo, ngoại đổ nếp ra mâm san phẳng (hay vào khuôn cũng được!). Chờ nếp hơi nguội, rắc đều men lên bề mặt nếp, cho tay thấm vào nước muối vò viên (hay cắt thành từng cục lớn, nhỏ tùy ý). Ngoại dùng tay lấy từng viên nếp quấn với lá chuối xếp khít vào thau (chừa một lỗ ở giữa thau như cù lao để lấy nước cơm rượu!), dùng nắp đậy lại, bỏ vào thùng giấy các-tông ủ kín 2 đêm.
Sau 2 đêm, bà dỡ ra thăm, và đây là giây phút hồi hộp nhất để khẳng định thành quả của chính mình. Nhìn nét mặt vui mừng rạng rỡ của ngoại khi thấy thau cơm rượu ngập xâm xấp nước, viên cơm rượu trắng phau, mùi cơm rượu thơm lừng xộc vào mũi, làm tôi càng vui lây. Rồi bà dùng vá múc bớt nước cơm rượu ra đổ vào chai. Thấy tôi ngạc nhiên, ngoại cho biết lấy bớt nước cơm rượu ra để dành trong nhà phòng khi ăn không tiêu, đau bụng uống rất hay hoặc cho vào ly uống với nước đá rất tuyệt!
Cuối cùng, ngoại gỡ lá chuối, cho những viên cơm rượu vào thố (hay keo), để ngày hôm sau dùng. Và, ngoại còn nói thêm: ”Cơm rượu muốn để được lâu không bị chua (lên men rượu) nên cho vào ngăn lạnh, món nầy ăn kèm với xôi vò rất ngon!!”...
Dùng muỗng múc một viên cơm rượu đưa vào miệng nhai chậm rãi. Tôi nhớ mãi vị ngọt mềm, béo của nếp hòa lẫn mùi thơm nồng đặc trưng của men rượu xông lên tận mũi khiến mình có cảm giác lâng lâng, thật khó tả!
Ông bà ngoại tôi nay đã ra người thiên cổ, món cơm rượu truyền thống của gia đình không còn nữa. Mỗi khi về quê dự đám giỗ với đầy đủ thức ăn ê hề trên mâm, nhưng tôi cảm thấy bùi ngùi như thiếu một điều gì, thiếu ông bà hay thiếu món cơm rượu do chính tay bà ngoại đã làm trong những dịp giỗ hàng năm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét