Thứ Năm, 25 tháng 10, 2012

Cánh đồng giá giữa sông Trà


Cánh đồng giá giữa sông Trà   


Cánh đồng giá giữa sông Trà
Hàng chục năm nay, bãi cát giữa sông Trà Khúc, đoạn đi qua thôn Thọ Lộc, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi đã trở thành cánh đồng ươm giá của 100 hộ dân xóm Vạn Đò, thôn Thọ Lộc, với lượng sản phẩm bán ra 6-7 tấn/ngày.
Tháng Giêng, khi sông Trà bắt đầu cạn kiệt, để lộ giữa dòng là bãi cát vàng mịn kéo dài hàng cây số. Đây cũng là lúc người dân xóm Vạn Đò bước vào đỉnh điểm của vụ sản xuất giá từ đỗ xanh.
Người dân Vạn Đò thu hoạch giá để chở đi bán.
 
Muốn ăn giá sạch về Vạn Đò
 
Theo lời của những người cao tuổi trong thôn, trồng giá ở sông Trà là nghề truyền thống của người dân Vạn Đò từ nhiều thập kỷ qua. Vào mùa nắng, cứ tầm 15 giờ, hàng trăm người dân trong thôn lại kéo nhau ra bãi cát giữa sông để ươm giá. Người đánh luống, người đào ô, tưới nước... rộn ràng cả bãi sông.
 
Để có giá bán thường xuyên mỗi ngày, người dân không xuống giống một lần mà chia thời gian gieo ủ khác nhau. Giá Vạn Đò chủ yếu cung cấp cho các đầu mối tại các chợ bán vào buổi sáng. Vì vậy để kịp cho buổi chợ, hôm nào cũng vậy cứ tầm 24 giờ, người dân trong thôn lại mang đèn ra bãi thu hoạch giá, đến khoảng 4-5 giờ thì chở đi bán.
 
“Không dùng bất cứ một loại hóa chất, chế phẩm kích thích nào trong quá trình gieo ươm, cách làm giá của người dân Vạn Đò hoàn toàn theo kiểu tự nhiên, cho nên đây là sản phẩmsạch 100%” - bác Lê Văn thành (58 tuổi), người gắn bó gần cả đời với giá ở đây, khẳng định.
 
Đậu xanh mua về được ngâm trong nước sạch từ 3-4 giờ và vớt bỏ những hạt kém chất lượng rồi chọn một chỗ cát sạch để gieo. Nếu chọn không kỹ, gặp chỗ cát bẩn, nhiều phù sa... giá sẽ không mọc, hoặc bị hư, thối. Sau khi đào ô, cứ mỗi lớp đậu lại phủ lên một lớp cát mỏng cho đến khi ô đầy.
 
Vào mùa nắng để giá có đủ độ ẩm nảy mầm, mỗi ngày tưới nước 3 lần (sáng, trưa, chiều tối), với lượng nước khoảng 20 lít/ô. Khi thu hoạch, thay vì mang giá ra sông rửa, người dân đào một cái hố lớn ngay kế bên ổ giá, rồi lót bạt nylon và bơm nước vào để rửa, nhằm giảm bớt vất vả.
 
Nghề phụ thu nhập chính
 
Tuy được xem là tay trái, nhưng nghề làm giá mang lại thu nhập chính cho 100 hộ dân xóm Vạn Đò. Diện tích để canh tác không thiếu, nhưng tùy vào điều kiện nhân lực của từng hộ mà số ô gieo trồng của từng gia đình khác nhau.
 
Chị Phạm Thị Thủy cho biết: Nhà ít thì 10-14 ô, nhiều 20-30 ô. Bình quân mỗi ô gieo ươm khoảng 1kg đỗ xanh, thu được 7-8kg giá. Sau khi ươm 4-5 ngày thì thu hoạch. Không như những cây trồng khác, mỗi diện tích chỉ gieo ươm giá được một lần/năm, rồi chuyển đến vị trí khác. Khi nào nước sông lớn ngập và tràn qua, cuốn đi hết cặn bã thì mới trồng lại được. Tính trung bình nếu mỗi hộ làm khoảng 10 ô, sau khi trừ chi phí lợi nhuận thu về từ 120 - 140 nghìn đồng/người/ngày, con số vô cùng hấp dẫn so với trồng lúa, màu.
 
Cũng chính vì lợi nhuận từ làm giá khá cao nên từ chỗ chỉ làm vào mùa nắng, khi nước cạn thì trước khi mưa lũ đổ về, lòng sông bị ngập, người dân Vạn Đò gánh cát đổ lên bờ để gieo ươm, tạo việc làm quanh năm cho gia đình. Theo Hội ND xã Tịnh Hà, với 100 hộ làm giá, bình quân người dân Vạn Đò cung cấp cho địa bàn Quảng Ngãi 6-7 tấn giá/ngày và là địa phương cung cấp giá lớn nhất nhì của tỉnh.

Nguồn: Công Xuâ
n

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét