Thứ Năm, 25 tháng 10, 2012

Chuyện hòn đá giấu vàng ở Hiên Vân


Chuyện hòn đá giấu vàng ở Hiên Vân   

Chuyện hòn đá giấu vàng ở Hiên Vân
Hàng chục năm nay, người dân xã Hiên Vân, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh vẫn truyền tụng câu ca "Hòn đá Hiên Ngang có vàng không ai biết". Đến khi tìm được tảng đá xanh ở gốc đa làng có vết lõm hình bàn tay móc sâu vào phiến đá càng khiến nhiều người tin rằng đó chính là hòn đá... giấu vàng.
Hiện, hòn đá đã được di dời về đặt trong khuôn viên chùa Hồng Phúc (thôn Nội). Thấy tôi băn khoăn vì tên làng, tên xã khác với tên truyền tụng về hòn đá, ông Nguyễn Trọng Luận, Trưởng thôn lý giải, Hiên Ngang là tên cũ của xã Hiên Vân ngày nay. 
Phiến đá dày chừng 20 phân, dài 2m, rộng 1m.
Hòn đá giấu vàng?

Ông Nguyễn Công Đề năm nay đã ngấp nghé tuổi 90 song vẫn còn minh mẫn lắm. Ông kể, thuở trước thôn Nội có bốn cái cống để dẫn nước tưới tiêu cho cánh đồng làng. Ở mỗi chiếc cống có đặt một tảng đá bắc ngang làm đường đi lối lại. Trong đó, duy chỉ có cống Cầu Giỏ ở cuối làng thì đặt tảng đá xanh. "Ai đặt tảng đá đó thì người trong làng không biết, chỉ nhớ rằng khi tôi lớn lên đã thấy phiến đá xanh nằm chắn ngang cống như thế rồi".

Tuy nhiên, "đến khoảng đầu những năm 50 của thế kỷ trước, trong một vụ ngập lụt, nước chảy làm xói mòn đất hai bên thành cống khiến cho tảng đá xanh bị sập, chìm xuống và dân làng không biết hòn đá ấy bị nước đẩy trôi đi đâu. Mới đây, có gia đình tôn tạo đất quanh khu vực cống để mở quán mới phát hiện ra tấm đá này nằm ngay dưới gốc đa", ông Nguyễn Trọng Đính (77 tuổi) xác nhận.

Phiến đá xanh này rộng chừng 1m, dài hơn 2m, dày khoảng 20 phân, bị khuyết một đầu khiến cho phiến đá giờ chỉ còn ba góc. Đầu kia có vết lõm hình bàn tay móc xuống, xiên chéo, sâu chừng ngót 30 phân. Trên mặt phiến đá có nhiều vết lõm, đặc biệt vết lõm lớn nhất rất nhẵn, giống hình bàn chân người lớn.

Từ những vết lõm ấy người dân càng tin vào câu chuyện nhuốm màu sắc ly kỳ, huyễn hoặc mà họ vẫn truyền tai nhau qua nhiều đời nay, trong những cuộc trà dư tửu hậu. Theo đó, thuở trước, người Tàu sang xâm chiếm nước ta, vơ vét vàng bạc châu báu trong vùng rồi... chôn giấu vào phiến đá.
 
Sau này, họ quay lại lấy vàng mang đi. Những vết lõm trên phiến đá chính là tư thế người ta đặt chân lên, lấy tay móc vàng để lại. Đương nhiên, với một phiến đá xanh khổng lồ, cứng như thế thì người bình thường không thể làm được.
Vết lõm được cho là “giống bàn tay trong tư thế móc vàng”.
Hay "tấm bản đồ kho báu"?

Câu chuyện về "hòn đá giấu vàng" càng được người dân củng cố niềm tin vào sự linh thiêng của nó khi một ngày nọ, người ta được tận mắt chứng kiến câu chuyện khá lạ lùng liên quan đến nó.

Cho đến bây giờ, ông Trưởng thôn Nguyễn Trọng Luận vẫn chưa hết bàng hoàng, ngỡ ngàng khi nhớ lại. Chuyện là, nhà anh Phạm Đăng Sao trong thôn vốn làm nghề lái công nông chở hàng thuê. Một hôm, anh Sao được nhờ chuyển phiến đá xanh này đi bán.
 
Thế nhưng, khi đi đến dốc Rồng cách gốc đa chừng hơn 1km thì xe công nông không thể chạy được nữa. Nghĩ là xe chở nặng, leo dốc khó, anh Sao quay lại đi đường khác, tuy xa hơn nhưng đường bằng phẳng. Tuy nhiên, khi đi đến rìa làng thì xe không thể đi tiếp dù máy vẫn nổ.
Loay hoay mãi vẫn không thể đi được, nghĩ có chuyện chẳng lành khi có sự trùng hợp ngẫu nhiên như thế, anh này sợ quá cho xe quay lại thì xe vẫn chạy bình thường. Phiến đá được chở trả về nguyên chỗ cũ.
Từ đó không ai dám động đến phiến đá. Đến khi sư về trụ trì chùa Hồng Phúc trong thôn, nghe chuyện bèn có nhã ý đưa hòn đá vào chùa. Bây giờ, hòn đá được đặt trong khuôn viên chùa, dùng làm bàn uống nước đón khách gần xa.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Công Hảo, người dân trong làng thì gốc đa cống Cầu Giỏ nằm giữa cánh đồng của ba xã Hiên Vân, Việt Đoàn, Lạc Vệ (Tiên Du), đồng thời hai xã Khắc Niệm, Hạp Lĩnh (TP Bắc Ninh) cũng trông ra được cây đa ấy. "Với vị trí này, rất có thể cây đa cùng phiến đá xanh nằm dưới gốc là một tiêu điểm để chỉ đường tới kho báu nào đó", ông lập luận.

Cùng chung nhận định, ông Nguyễn Công Đề đưa ra dẫn chứng về hai gia đình trong thôn từng đào được kho báu. "Cách đây hơn chục năm, gia đình ông Kiên đào được mấy cái chum, bát đĩa cổ. Sau đó, người làng đồn đại chuyện nhà ông Đạt cũng đào được một cục sắt, đem về để ở chuồng lợn.
Có người mua đồng nát qua, ông Đạt đem bán cục sắt với giá rất rẻ. Từ sau bận ấy, không ai trong làng còn thấy ông buôn đồng nát đến làng nữa. Người ta đồn rằng cục sắt đó chính là đồng đen mà ông Đạt không biết, còn ông mua đồng nát nhờ đó mà phất lên nên đã bỏ nghề", ông Đề kể.
Gốc đa cống Cầu Giỏ - nơi phiến đá xanh phát lộ.
Sản phẩm của sự thổi phồng

Giả thiết "hòn đá giấu vàng" đã được chính những người dân trong làng phản bác lại. Ông Đề lập luận: "Trước đây, có thể các cụ tìm thấy phiến đá này trên núi, vì nó nhẵn nên đem về làm mặt cống để thuận tiện cho việc đi lại.
 
Tuy nhiên, để vận chuyển phiến đá to như thế không hề đơn giản. Các cụ phải vận dụng sức nước, bằng cách cho hòn đá chìm xuống sông rồi dùng hai chiếc thuyền chạy song song kéo hòn đá ấy đi.
Để kéo được đá, các cụ lại phải đục một đầu tảng đá để lấy chỗ móc dây quai vào. Do vết đục ấy không đều, tạo ra khe lõm với những vết xước to nhỏ khiến người ta liên tưởng đến bàn tay với ngón to, ngón bé".

Ông Nguyễn Công Hảo cũng cho rằng, về mặt khoa học thì không thể có chuyện cất giấu vàng trong phiến đá. "Chẳng ai có thể đục hòn đá ra rồi giấu vàng bạc, châu báu, sau đó lấp lại như cũ được. Đó thật sự là chuyện hoang đường", ông nhấn mạnh.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Khánh Hùng, Chủ tịch UBND xã Hiên Vân thừa nhận: "Đúng là ở địa phương vẫn truyền tụng câu chuyện về "hòn đá giấu vàng". Tuy nhiên, đó chỉ là câu chuyện mê tín mà thôi.
Ngay như chuyện bảo nhà anh Sao chở đá nhưng cứ chuẩn bị ra khỏi làng là hỏng xe công nông thì đó có thể cũng chỉ là do người ta thổi phồng để tăng phần ly kỳ cho câu chuyện. Bởi nếu hòn đá ấy thiêng thật thì vì sao thuở trước các cụ lại dám bắc làm mặt cống, ngày ngày giẫm chân lên đó?". 
Phiến đá hiện đang nằm trong khuôn viên chùa Hồng Phúc.

Nguồn: Thủy Thanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét