Thứ Năm, 25 tháng 10, 2012

Thanh trà chín vàng miền Cửu Long


Thanh trà chín vàng miền Cửu Long   


Thanh trà chín vàng miền Cửu Long
Cứ sau Tết âm lịch đến tiết thanh minh, trái thanh trà lại chín vàng cây, quả căng tròn đẹp kéo khách đi đường dừng chân ngắm nhìn. Thương lái đến vườn mua sỉ mang lên TP HCM, Vũng Tàu và bày ở dọc quốc lộ 1A để bán.
Những ngày này, người qua cầu Cần Thơ, phía bờ Bình Minh - Vĩnh Long, thích thú trước những điểm bán thanh trà màu sắc vàng ươm, quả căng tròn, đẹp như mơ.
Thanh trà là một loại cây rất kén đất, hiện trồng tập trung tại ấp Đông Hưng I và 2, thuộc xã Đông Thành, huyện Bình Minh, Vĩnh Long. Cây cao và to giống như xoài nhưng trái chỉ lớn bằng quả chanh. Khi sống trái màu xanh, lúc chín chuyển sang màu vàng óng mượt, căng tròn và mọng nước, nhìn vào thấy phát thèm. Khi bóc vỏ ra, thịt có màu vàng rực và thơm ngon, hấp dẫn như mùi xoài nhưng vị chua - ngọt.
 
Tại Hà Tiên, Kiên Giang cũng có nhiều cây thanh trà. Chúng mọc thành rừng, cho nên còn gọi là sơn trà, nhiều nhất dọc theo chân núi Tô Châu nhưng trái nhỏ và chua hơn thanh trà Đông Hưng.
Ông Lê Văn Tài với cây thanh trà 4 năm tuổi trong vườn nhà. Ảnh: Thiên Lộc.
Mùa xoài cũng là mùa của thanh trà, kéo dài từ sau Tết cho đến hết tháng 3 âm lịch. Ông Lê Văn Tài, 84 tuổi, người có trên 10 công thanh trà trồng xen với các loài cây khác cho biết: Cây thanh trà đã có mặt tại Đông Hưng từ hơn một thế kỷ nay do một vị tiền bối trong làng mang về trồng. Có cây cho trái chua, có cây trái vừa ngọt vừa chua. Hiện cây tổ vẫn còn sống và hằng năm ra trái sum suê. Mãi sau này nông dân mới biết cách chọn những cây trái ngọt để nhân giống. Nếu chiết cành, chỉ sau 3 năm cây sẽ cho trái thay vì trồng hạt phải mất 10 năm.
 
Thế là trong vòng hai mươi năm trở lại đây, cây thanh trà đã bắt đầu được nhân rộng tại ấp Đông Hưng I và II, nay mở rộng thêm ở ấp Đông Hòa, Mỹ Hòa và một số nơi trong huyện Bình Minh. Tại đây, có người trồng vài ba cây, có người vài chục cây đến vài trăm cây.
Thanh trà cho trái chín vàng ươm, chuẩn bị được thương lái chuyển đi các nơi. Ảnh: Thiên Lộc.
Những gia đình tiên phong mở đường cho cây thanh trà đi lên, thu nhập mỗi năm trên vài chục triệu đồng là ông Năm Trượng, ông Sáu Vẹn, ông Tư Khải, ông Mười Tài… Chị Trần Thị Ba cho biết vườn chị có 60 cây, mỗi năm thu trên vài chục triệu đồng. Ngoài bán trái, nhiều chủ vườn còn bán thêm cây giống nên thu nhập rất tốt.
 
Vài năm trở lại đây do nhu cầu tiêu thụ mạnh, được giá nên kích thích nhiều nông dân đầu tư cho cây thanh trà. Đặc biệt năm nay thanh trà lại được giá, 15.000-20.000 đồng một kg. Những năm thất mùa hoặc đầu vụ, giá có khi vọt lên đến 25.000 đồng một kg. Bình quân một cây thanh trà trưởng thành có thể cho trên 200 kg trái.
 
Thanh trà ngoài ăn tươi, bà con còn dùng trái sống để nấu canh chua thay cho me rất ngon, trái chín để làm rượu, đặc biệt là cho trái vào ly khuấy chung với đường, dùng lạnh như một món giải khát tuyệt hảo trong mùa hè.
Thanh trà được bày bán dọc quốc lộ 1A đoạn qua đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Thiên Lộc.
Hiện tại Đông Hưng lúc nào cũng rộn ràng tất bật cảnh trèo cây hái trái, phân loại và đóng thùng trước khi đưa đi tiêu thụ. Trong những ngày chính vụ, lực lượng hái trái và vận chuyển lên tới vài chục người, đa số là trẻ em và phụ nữ. Nhiều thương lái cũng có mặt tại vườn để thu gom hàng chở đi phân phối, nơi tiêu thụ mạnh nhất là TP HCM, Vũng Tàu và một số chợ miền Tây.
Nguồn: Thiên Lộ
c

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét