Thứ Năm, 25 tháng 10, 2012

Người mở lối Chùa Hương



Người mở lối Chùa Hương
Xứ mình có hai Chùa Hương Tích (nơi lưu dấu thơm). Một ở Ngàn Hống, Can Lộc, Hà Tĩnh với tên gọi Đệ nhất Hoan Châu. Một nữa là Hương Tích của xứ Đoài Hà Tây nay là Hà Nội với phương danh Nam thiên đệ nhất động. Cả hai đều nhất! Nhưng Hương Tích nào có trước? Có phải Hy Tổ Nhân Vương Trịnh Cương tiên khởi mở lối cho Hương Tích của Xứ Đoài?
Hương Tích Ngàn Hống
Tôi không mặn lắm với thứ tục truyền dai dẳng từ thời Bắc thuộc rằng Chùa Hương Tích (xã Thiên Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh) do công chúa Diệu Thiện, con gái út của Sở Trang Vương tạo dựng khi đến tu hành ở đây. Mà cứ nghiêng hẳn về thuyết dân dã rằng, thuở xưa thiên hạ cứ độ mùa xuân, lại nườm nượp kéo về Am Thánh Mẫu của Hương Tích chiêm bái vãn cảnh, cầu tự. Có một ông Hiệp trấn họ Trần cầu tự ở đây sinh được 3 con trai đặt tên là Hồng, Hương, Tích. Một vị Chúa Trịnh (chưa rõ là chúa nào) cũng tới cầu tự và sinh được thế tử. Mùa xuân, Chúa thân hành võng lọng vào tận Hương Tích hoặc sai người đến tạ ơn Phật tổ.
 
...Năm đã xa ấy được hầu chuyện GS Bùi Văn Nguyên. Vị GS đáng kính, nay đã là người thiên cổ, có phong thái nghiên cứu sử cùng văn hóa dân gian nghiêm cẩn khoa học khiến các thế hệ học trò nhớ lâu. GS Nguyên, quê ở vùng núi Hồng sông Lam thông làu bao thứ huyền tích lẫn cổ tích xứ này, chép miệng than nếu như không phải nạn binh lửa bị phá trụi thì Hương Tích được xây từ thời Trần cùng thời với Hoa Yên - Chùa Đồng của Yên Tử chắc phải là uẩn súc linh diệu lắm.
 
Cũng phải cảm ơn ngài Tổng đốc An Tĩnh Đào Tấn, trong thời gian trị nhậm chắc phải xót xa cái nỗi nền chùa cũ còn đây nhưng khốn nỗi Phật phả, bia ký chùa Hương Tích không còn. Năm tháng xây dựng chùa, các nhà tu hành đầu tiên và các thời kỳ tiếp theo cũng chẳng ai biết? Nhưng lạ, cái vị học giả kiêm soạn giả về tuồng lại rất mẫn tiệp sáng tạo trong việc chỉ huy đôn đốc xây cất lại Hương Tích cho An Tĩnh (Nghệ An, Hà Tĩnh). Khởi sự việc này là năm 1900, còn không biết hoàn công là năm nào, nhưng để lại cho hậu thế một Hương Tích Hồng Lĩnh u mặc hút khách như bây giờ!
 
GS Bùi còn cho biết thêm, thời Trung hưng, các bà phi chính lẫn thứ cùng bầu đoàn thê tử các chúa Trịnh vốn phát tích ở vùng Sáo Sơn Thanh Hoa cứ mỗi độ xuân lại rồng rắn lẵng nhẵng kéo nhau về tận Hương Tích được mệnh danh là đệ nhất Hoan Châu để dâng lễ. Từ thuở nảo nào, hội chùa Hương Tích khai hội nhằm ngày 18 tháng 2 ÂL để kỷ niệm ngày Công chúa Diệu Thiên hóa Phật (?).
 
Nhưng GS Bùi Văn Nguyên lắc nhè nhẹ mái tóc bông mà rằng cũng có thể nhưng GS nghiêng về cái ngày ấy là chính kỵ vị chúa tiên khởi nhà Trịnh là Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm! Một hình thức kỷ niệm lẫn tri ân tưởng nhớ khá là độc đáo của hậu duệ nhà Trịnh?
 
GS Bùi Văn Nguyên nói hình như qua 5 đời chúa Trịnh chi đó, việc lẵng nhẵng về Hương Tích đã chấm dứt, để chuyển sang lộ trình mới của việc chiêm bái dâng lễ lẫn cầu tự là Thăng Long - Bến Đục của Hương Tích, huyện Mỹ Đức Xứ Đoài!
 
Cứ thầm tiếc hùi hụi giá như bữa đó nán lại chút thời gian với GS mà gạn cho tường thêm. Đến thời chúa Trịnh nào thì du khách cùng các bà phi chúa Trịnh mới chuyển lộ trình về Hương Tích của xứ Đoài? Lẩn mẩn tra Đại Việt sử ký... qua nhiều đời vua đời chúa không thấy có biên chép việc ấy?
 
Nhưng chắc GS Bùi Đình Nguyên chả thể tùy hứng? Lại tỉ mẩn tra suốt một lượt những trước tác của GS về đề tài này cũng chưa thấy, hay là đang đọng ở công trình nghiên cứu nào, chưa có duyên phát lộ?
 
Đem băn khoăn ấy ngỏ cùng một số vị nghiên cứu sử thì may rằng họ nói ông Tổng thư ký Hội văn nghệ dân gian không nói suông mà có cơ sở lắm! Ấy là các vua Lê - chúa Trịnh phần lớn có quê ở xứ Thanh nên các phi tần, mỹ nữ đa số được chọn tuyển ở miền Hoan Châu. Hằng năm các cung phi, cung nữ Thanh - Nghệ thường trẩy hội chùa Hương trên núi Hồng Lĩnh vào ngày 18-2 âm lịch bằng đường thủy qua cửa Hội Thống (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh).
 
Mỗi lần trẩy như thế lộ trình lẵng nhẵng nhiêu khê mất đứt nửa tháng có khi cả tháng. Bao nhiêu là người đẹp dẫu có võng lọng những trạm khách lính vệ phục dịch dọc đường nhưng cũng hao tổn nhan sắc lắm! Có lẽ để khắc phục những nhiêu khê ấy và nhờ sáng kiến của đời chúa Trịnh nào đó mà Đại Việt mình đã có hai chùa Hương Tích?
 
Nhân Vương Trịnh Cương mở lối Chùa Hương?
 
Khoảng đời thứ 5 nhà Trịnh... Tôi láng máng nhận xét ấy của GS Bùi Văn Nguyên...
 
Góp phần tạo ra một thời thịnh trị thái bình, vị chúa hiền minh nhà Trịnh còn là một thi nhân. Nhiều bài thơ nôm trong tập Lê triều ngự chế quốc âm thi được hậu thế coi là mảng di sản văn học và lịch sử còn chưa được nghiên cứu kỹ càng.
Có thể nói mà không sợ sái, cái chết của vị Chúa được phong là Hy Tổ Nhân Vương đã ngoẹo sang một lối rẽ hơi bị tăm tối cho Bắc Hà lẫn Đại Việt! Ở ngôi chúa 21 năm, mất đột ngột lúc 44 tuổi nhưng những giá trị về tư tưởng, đường lối, những cải cách tiến bộ đa dạng phong phú của Nhân Vương Trịnh Cương không chỉ để lại cho con cháu sau này như Ân Vương Trịnh Doanh, Thịnh Vương Trịnh Sâm kế thừa và phát triển mà còn để lại cho những nhà cầm quyền ở nhiều đời sau đáng noi theo.
Trịnh Cương là vị chúa duy nhất trị vì trong một giai đoạn thái bình toàn phần, không hề có nạn binh đao cả ở trong nước lẫn ngoài biên ải. Giai đoạn mà vua Lê Dụ Tông và chúa Trịnh Cương cùng trị vì, là thời kỳ khá dài thuận hòa hai cung (Cung Vua, Phủ Chúa) và thiên hạ thái bình.
 
Khỏi phải kê biên ra đây những cải cách, chính sách được lòng dân và khuyến khích lẫn dưỡng sức dân. Chúa thuận cho và khuyến khích mở mang đạo Phật xây dựng chùa chiền.
 
Động Hương Tích cùng cảnh trí thiên nhiên từng hiện diện dưới gầm trời Nam hàng ngàn năm trước thời chúa Trịnh Cương rồi! Nhưng có lẽ cái thuở Trung Hưng ấy hẳn còn hoang dại sơ khai.
 
Lần ấy ngồi với Hòa thượng Thích Viên Thành, pho sử sống của Chùa Hương, vị cao tăng cho hay, Chùa Ngoài tức là Thiên Trù, hai lần tuần thú phương Nam, Vua Lê Thánh Tông từng ghé nơi đây nhưng không để lại dấu tích gì. Mãi đến đời Hậu Lê, niên hiệu Chính Hòa thứ 7 (1686) có vị hòa thượng Trần Đạo Viên Quang Chân chống gậy tích qua đây thấy sơn thủy thanh nhã u tịch mới dựng nên một thảo am để tu thiền.
 
Pho sử sống Chùa Hương ấy viên tịch đã lâu. Nhưng cái năm Chính Hòa thứ 7 (1686) mà vị hòa thượng cho dựng một am cỏ ấy lại gợi nhớ đến đúng năm sinh của Chúa Trịnh Cương! Thảo am ấy dường như mở lối như đánh dấu một thời thịnh trị thái bình của Đại Việt?
Một bài thơ của chúa Trịnh Sâm ở Chùa Hương (phải) và Nam thiên đệ nhất động, bút tích của Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm ở động Hương Tích.
Ngoài cả cái mục đích tránh cho các cung tần mỹ chính phi thứ phi nhà Trịnh cùng du khách thập phương đỡ phải nhiêu khê vất vả dâng lễ Chùa Hương Tích tận Hoan Châu (như hậu thế từng mạo muội xét đoán?) vị chúa anh minh ấy dường như đã tiên khởi việc khai thác một tuyến du lịch độc đáo. Thủy thì du thuyền Yến Vĩ. Bộ thì nhấp nhô phì phò qua hàng ngàn bậc đá. Ai tâm linh thì có hệ thống chùa chiền dày đặc.
 
Tất nhiên thời chúa Trịnh Cương chưa có 18 chùa với hệ thống hang động xôm tụ như bây giờ. Nhân vương Trịnh Cương chỉ là người hữu khai tất tiên vĩnh miên thế trạch. Để sau này dấu ấn nhà Trịnh dày đặc tại hệ thống du lịch Chùa Hương. Kiến trúc cổ nhất còn lại là tòa “Viên Công Bảo tháp” gần suối Điện trong khu vực chùa Thiên Trù. Tháp được xây dựng từ thế kỷ XVII, nơi lưu giữ xá lợi của tổ Viên Quang có công kiến tạo lại chùa Hương sau nhiều năm hoang vắng. Thế kỷ 17 cũng là thời kỳ của nhà Lê Trịnh.
 
Có lẽ Động Hương Tích từng không ít du khách vãn cảnh trước đó nhưng phải là năm Canh Dần (1770) sau 40 năm chúa Trịnh Cương mất phải có chữ đề của Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm Nam thiên đệ nhất động thì thương hiệu Chùa Hương mới nổi danh?
 
Mười năm sau, năm 1780, chùa Tuyết Sơn lại cũng vang danh với bài thạch thi Đăng tuyết sơn hữu tùng của vị Chúa hay chữ lẫn hay thơ ấy hiện hậu thế còn tấm tắc. 15h ngày 28-2-1903, một tiều phu trong lúc kiếm củi đã đánh rơi con dao quắm xuống một khe đá.
 
Lần mò tìm dao thì phát hiện ra một cái động. Người ta cho khai đất mở đá cửa động lộ ra cùng bất ngờ một bài thơ nôm bát cú rờ rỡ trên vách động. Dưới bài thơ là dòng chữ Đại nguyên súy tổng quốc sư Trịnh Tĩnh Vương ngự đề. Động phát hiện ấy là động Chùa Tiên bây giờ. Có lẽ sau thời điểm Trịnh Sâm đề thơ động đã bị cây đá lấp mất?
 
Còn rất nhiều thạch thi (thơ đề trên đá) của các đời chúa Trịnh khác cùng bao tao nhân mặc khách khác...
 
Ngày 19-5-1958 sau giấc trưa ở Đền Cửa Võng lần đi thăm Chùa Hương, Bác Hồ đã cảm khái ngâm nga câu của Thám hoa Vũ Phạm Hàm Trèo qua một dịp Trấn Song/Đây mới thực quần phong chi đệ nhất...
 
Quang tiền dụ hậu (vẻ vang đời trước, sáng rỡ đời sau), lại có câu Tổ củng tôn bồi (thế hệ trước mở mang, các đời sau vun đắp). Ngồi cáp treo vù vù lên Hương Tích xứ thông xanh Hồng Lĩnh và cáp treo Chùa Hương xứ Đoài thu vào tầm mắt cảnh trí u nhã mà thời buổi tân thời xô bồ này còn giữ được thấy thêm có lý lời dạy của người xưa!

Nguồn: Xuân B
a

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét