Tây Hồ cao nguyên và bàn tay người lính
Ai đã một lần đi về phía tây trên Quốc lộ 14, dõi mắt nhìn về phía thị trấn Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông, chắc hẳn không khỏi chút bồi hồi khi gặp dáng vóc Tây Hồ. Một không gian bình yên trải dài như mái tóc xanh. Một Tây Hồ bình yên và tươi đẹp hôm nay chính nhờ bàn tay người lính năm nào…
Tôi cũng là một người lính, rời quân ngũ sau bao năm lập nghiệp dưới vùng biển Nha Trang, nay về cao nguyên Đắk Nông làm ăn nên nhìn thấy vẻ đẹp ấy, lòng cứ bâng khuâng tự hỏi: “Tây Hồ có tự bao giờ?”. Mở sử sách đọc tìm, mới hay từ những năm đầu của thế kỷ 19, khi những người Pháp đầu tiên lên đây, chỉ thấy những cánh rừng đại ngàn, thú dữ và sốt rét, một vài tộc người M’Nông, Khơ Me… ở rải rác dọc các triền núi. Rồi người Pháp mở đồn điền chè, cà phê suốt một vùng Đức Lập, họ đã cho làm một con đập để chặn các dòng suối tưới chè, cà phê. Tây Hồ có tên từ đó.
Đế quốc Mỹ nối gót Pháp dày xéo cao nguyên. Từ cuối năm 1973 sang năm 1974, địch không ngừng tăng cường lực lượng cho tuyến phòng thủ Đức Lập nhằm ngăn chặn lực lượng ta thông đường vận tải Đường Hồ Chí Minh từ Bắc vào Lộc Ninh. Tại đây, địch tăng cường một trung đoàn bộ binh của sư đoàn 23 nguỵ, 2 tiểu đoàn dù, một trung đoàn thiết giáp, một tiểu đoàn lựu pháo, ngoài ra còn có Liên đội bảo an 271 trực thuộc tiểu khu Gia Nghĩa, chốt từ Núi Lửa đến ngã ba Đăk Song. Sáng ngày 9-3-1975, Sư đoàn 10 và sư đoàn 316 bộ đội chủ lực phối hợp với bộ đội địa phương và lực lượng du kích của huyện đã đồng loạt nổ súng đánh vào quận lỵ Đức Lập. Ngày 10-3-1975, Sư đoàn 10 mở đợt tiến công thứ hai vào Đức Lập, chiếm được quận lỵ, giải phóng hoàn toàn Đức Lập. Chiến thắng Đức Lập đã mở ra một bước ngoặt quan trọng trong chiến dịch Tây Nguyên. Năm 2000, huyện Đắk Mil vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Trong dòng chảy oai hùng đó, Tây Hồ thời chống Mỹ cũng trở thành một “chiến hạm”, một căn cứ của bộ đội ta. Một chiều đầu thu, tôi gặp cựu chiến binh Đỗ Xuân Kỷ, một người lính của Sư đoàn 470 (Đoàn 559) từng gắn bó với mảnh đất này. Anh cho hay ngày ấy, một binh trạm vận tải và cả trung đội cứu thương đã về đóng quân ven Tây Hồ. Dòng nước mát yên bình đã cứu bao người lính và nơi đây cũng đã chứng kiến rất nhiều chuyện tình cảm động giữa người lính và cô thanh niên xung phong. Chiến tranh khốc liệt, nhưng trong ký ức anh Kỷ, Tây Hồ vẫn hiện lên vẻ đẹp cùng sự huyền bí. Nơi này từng có một giống rùa rất to. Một sáng nọ, các cô thanh niên xung phong ra giặt áo, bất ngờ gặp “ bà rùa” lên cạn đẻ trứng. “Bà rùa” ấy nặng đến hơn 80kg. Giờ đây, theo lời kể của một số người dân chài thường có mặt khuya sớm trên Tây Hồ, vẫn còn một số “cụ rùa” rất to lúc ẩn lúc hiện. Quả là một hình ảnh thú vị, một điểm tương đồng gợi nhớ về Hà Nội, như ẩn chứa hồn thiêng sông núi xứ cao nguyên...
Hoà bình, cao nguyên ngày càng xanh. Cà phê vươn dài. Cà phê đòi nước. Nước ở đâu? Lại một lần nữa, bàn tay người lính vào cuộc. Nhiều đơn vị bộ đội Quân khu 5 cùng nhân dân lại lên đường, tay xẻng, tay cuốc, ngày đêm mở rộng Tây Hồ, từ vùng hạ lưu phía đông kéo dài tít lên phía tây nam thượng nguồn đồi Bằng Lăng. Một con đập tràn với chiều dài gần cây số đã tạo ra một dáng vóc mới cho Tây Hồ. Diện tích mặt hồ đã nâng lên gần gấp đôi, với khoảng trên 200ha, nơi sâu nhất khoảng 18m. Đặc biệt, Tây Hồ được xây dựng rất chắc chắn và khoa học, với hệ thống cống xả lũ, miệng phễu, đủ thông thoát khi gặp mùa lũ lớn.
Có hồ mới, có nước mới về nhờ bàn tay bộ đội, vùng đất đỏ ba-zan lại trở thành “miền đất hứa” cho nhiều nẻo quê tìm về, phần lớn là người xứ Thanh, xứ Nghệ đã tìm đến mảnh đất này khai hoang và an cư, lập nghiệp sau ngày giải phóng. Cái heo hút, hoang vắng xa dần. Cây công nghiệp cà phê, hồ tiêu cho năng suất, chất lượng cao mọc lên bát ngát quanh hồ. Cà phê Đức Lập đã có tiếng từ xưa càng trở thành một thương hiệu mạnh của cà phê Tây Nguyên. Cây cao su cũng nhiều. Hiện nay, trên địa bàn còn có 3 nông trường cao su đó là: Đức Mạnh, Đức Minh, Thuận An thuộc Công ty cao su Đăk Nô Ru Cô – được mệnh danh là “vàng trắng” của xứ sở Tây Hồ.
Một chiều thu, tôi đến thăm di tích ngục Đắk Mil, lặng người ngắm nhìn những dòng chữ cho hay có bao nhiêu chiến sĩ cách mạng, bao người lính từng bị tù đày nơi này như: Nguyễn Chí Thanh, Trần Hữu Dực, Nguyễn Tạo, Lê Nam Thắng, Trần Văn Quế, Trần Sâm, Trần Văn Quang… Tôi lại qua những con đường đang chỉnh trang, những hệ thống cấp thoát nước đang mở, rồi dự án tu tạo Tây Hồ trở thành một công viên văn hóa – du lịch sinh thái. Tây Hồ - Đăk Mil đang sôi động với những công trường đang thi công hối hả bộn bề. Nhìn từ xa, hai bên bờ hồ, một dải ban công uốn lượn hình cánh võng, những dãy nhà kiểu mới rực lên một màu đỏ nhấp nhô, tô điểm thêm nét trù phú, thanh tao. Đăk Mil đang từng bước trở mình, dáng vóc một thị xã đang hình thành. Tôi hiểu, máu xương và mồ hôi, nước mắt của bao thế hệ người lính đổ xuống đã không uổng phí, cho Tây Hồ hôm nay thêm xanh, thêm đẹp...
Nguồn: Duy Hoàn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét