Sức hút kì lạ ở Myanmar
Myanmar có thể không hấp dẫn những du khách thích tìm nơi vui chơi hay những kẻ đam mê mua sắm, nhưng nó níu chân du khách một cách rất riêng, nhẹ nhàng mà quyến luyến.
Một trong những địa chỉ mà tới Myanmar, dân du lịch buộc phải đến, đó là Bagan, cố đô của đất nước Myanmar từ giữa thế kỷ 11 đến thế kỷ 13, nơi tập trung những kiệt tác kiến trúc Phật giáo đồ sộ, được so sánh với đền Angkor Wat của Campuchia và đền Borobodur của Indonesia
Mỗi ngày chỉ có một chuyến bay nội địa từ Yangoon đi Bagan và trên đường tới Bagan máy bay phải đáp sân bay Mandalay 15 phút để đón thêm khách. Bởi thế, có thể xem máy bay nội địa tại Myanmar như... xe bus biết bay vậy. Vé máy bay in đơn giản một mặt, mặt kia thì quảng cáo hình ảnh của một loại dầu gội đầu. Hành khách tự cân hành lí bằng chiếc cân giống như hồi bao cấp vẫn hay dùng khi xếp hàng mua gạo, loại có cần ngang điều chỉnh trục cân qua lại, nếu hành lí quá cước sẽ bị phạt rất nặng. Đói bụng, tôi đến một quầy tạp phẩm trong sân bay mua 2 chiếc bánh. Thấy tôi loay hoay vì không có đủ tiền lẻ thì cậu bé bán hàng nói thôi khỏi trả (tiền) cũng được. Hóa ra đôi khi đời sống đơn giản cũng làm người ta đơn giản thật thà đến vậy!
Đi máy bay ở đây không bao giờ hết lạ. Để tiết kiệm, chỉ đến khi khách lên đầy đủ, chuẩn bị cất cánh, nhân viên mới mở máy lạnh riu riu, vì vậy trên suốt chuyến bay hành khách vẫn phải cầm tờ báo để phe phẩy. Nhưng tới Bagan rồi, bạn sẽ thấy cái giá (vất vả) mình phải trả khi tới đây hoàn toàn xứng đáng!
Về nhà nghỉ, tôi thuê một chiếc xe đạp giá 2 USD, hơi đắt nếu so với giá nhà nghỉ (chỉ từ 5 đến 7 USD), nhưng xe đạp là phương tiện thú vị nhất. Bagan chỉ có hai con đường chính trải nhựa, còn lại đều là đường đất đỏ ngoằn ngoèo dẫn đến những thôn ấp và các đền chùa. Myanma có đến 90 % dân số theo đạo Phật, người dân hiền lành dễ mến. Là thành phố du lịch nổi tiếng nhưng ở Bagan không hề có cảnh ăn xin hay đeo bám du khách bán quà lưu niệm. Bạn có thể nghe rõ tiếng chim hót trong khu vườn ở khách sạn, thấy nụ cười hồn nhiên thơ ngây của trẻ con đi bộ đến trường, ngắm những chiếc xe đạp chầm chậm trên đường đất đỏ hai bên tán lá xanh rì... Ở Bangan, tự dưng thấy mọi chuyện làm mình khó chịu như mất điện, không internet, không “roaming” điện thoại.v.v... trở thành vô nghĩa, khi lang thang trên những con đường vắng vẻ, khi ngắm bụi lãng đãng sau chiếc xe bò chở rơm rạ, hay ngồi ngắm hoàng hôn từ đỉnh tháp Bangan, ánh vàng nhuộm rực những ngôi chùa u tịch 2.500 năm tuổi, khiến tất cả nhòa đi không còn đường chân trời, đưa mình như chạm đến những khoảnh khắc thiên đường. Cảm giác ấy ở Sài Gòn có tiền bạn có mua nổi không?
Sau Bangan, hồ Inle thường được chọn là điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến hành trình dọc ngang Myanmar. Nằm lọt thỏm giữa đồi Shan nơi có rất nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, hồ Inle rộng chừng 116km2 và nằm ở độ cao 880m.
Tôi đến hồ Inle sau chuyến bay sớm trong một buổi sáng mà Bagan tưởng chừng không thể nóng hơn được nữa. Cái nóng tháng Năm ở Burma kỳ lạ, len lỏi vào trong từng lỗ chân lông rồi như bùng lên, thiêu đốt từ bên trong. Những người bạn tôi gặp trên đường đến Inle đều tất thảy mong chờ những cơn gió, mong chờ cái nóng sẽ đi vắng, sẽ tan vào không khí mát mẻ ở vùng sông nước.
Máy bay đáp ở sân bay Ho Hin cách Nyaung Shwe, thị trấn trung tâm của Inle một tiếng đồng hồ đi xe. Sau một hồi đắn đo, tôi quyết định chọn một phòng đơn ở Little Inn Guest house với giá 5 USD đã bao gồm ăn sáng. Anh chủ nhà trọ hiếu khách với giọng cười vang to và ấm áp nhiệt tình chỉ dẫn cho chúng tôi những thông tin cần thiết, những địa điểm cần ghé thăm. Anh có một cô em gái, không nói được tiếng Anh và rất e thẹn, luôn ép mình sau cánh cửa nhìn khách ra vào và tủm tỉm cười. Khi tôi đòi được bôi thanaka (thứ bột làm từ thân cây mài ra, được các thiếu nữ Burma bôi lên mặt, vừa để làm đẹp, vừa chống nắng), cô chả nói năng gì, lặng lẽ bỏ vào buồng rồi lại xuất hiện trở lại nơi ngưỡng cửa, ra hiệu bảo tôi vào trong và thoa lên mặt tôi những vòng tròn thanaka mát lạnh, rồi lại chỉ tủm tỉm cười.
Ngoài tour đi thuyền trên hồ, khách đến Inle thường chọn tour trekking (đi bộ với người dẫn đường) đến các ngôi làng của người Shan hoặc ngôi làng Padaung của người dân tộc cổ dài nổi tiếng. Tuy nhiên, thời điểm này nhiệt độ ban ngày quá cao, anh chủ nhà trọ khuyên chúng tôi không nên chọn tour này, mà thay bằng tự khám phá bằng xe đạp. Sau hơn một tiếng đồng hồ vừa đạp, vừa đi bộ, vừa nghỉ, chúng tôi lạc vào một ngôi làng của các nhà sư. Trong làng có hai cái hang nằm sâu trong núi, được dùng làm nơi thờ Phật. Ở hang động đầu tiên, chúng tôi được sư thầy mời vào thăm quan và uống trà, nghỉ ngơi. Trong động có ba bức tượng Phật lớn được thờ cúng, vài thứ đồ dùng đơn sơ của sư thầy và căn bếp mộc mạc. Ngồi trong đấy chúng tôi chẳng muốn rời đi vì không khí trong động mát mẻ và yên tĩnh.
Ở hang động thứ hai, thì một vị sư già sống ở căn nhà nhỏ bên sườn đồi, dẫn chúng tôi đi. Khác với hang thứ nhất, hang này tối đen như mực, chúng tôi phải cầm đèn dò dẫm từng bậc thang đá mát lạnh để đi sâu vào trong. Sau chuyến thăm hang, vị sư già mời chúng tôi về nhà ông uống trà. Vào nhà, ông lục tìm cái khăn trải bàn cũ kỹ rồi lúi húi sắp xếp tất thảy những gì ông có trong căn nhà đơn sơ của mình và bày hết lên bàn mời chúng tôi. Có những quả chuối và táo nhũn hết một góc mà tôi đồ rằng ông cất để dành chưa dám ăn.
Có những miếng quẩy ông cẩn thận cất vào trong cái nồi nhỏ. Rồi ông pha trà và run rẩy rót vào những cái bát nhỏ cho chúng tôi. Ông tuyệt nhiên không một lời nào, chỉ liên tục mời chúng tôi đồ ăn thức uống rồi ngồi nhìn ra cửa, lặng yên. Chúng tôi cũng chẳng dám nói gì, chỉ giúp ông phân loại ra giữa một đống những gói nhỏ linh tinh đâu là cà phê, đâu là sữa, đâu là trà để bỏ vào từng hộp riêng. Và cứ thế, ngồi bên ông lặng lẽ mà buổi chiều của chúng tôi trôi qua xúc động vô cùng.
Nguồn: Skydoo
r
r
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét