Thứ Hai, 29 tháng 10, 2012

Nâng tầm điểm đến 4 quốc gia


Nâng tầm điểm đến 4 quốc gia   

Nâng tầm điểm đến 4 quốc gia
Một điểm đến Việt Nam đã hấp dẫn, nay có thêm sự vào cuộc của LàoCampuchia và Myanmar càng thu hút du khách đến với khu vực này.
Để phát huy lợi thế điểm đến chung này, ngày 13- 9 tại TP.HCM, bốn bộ trưởng du lịch Việt Nam, Lào,Campuchia và Myanmar sẽ tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch bốn quốc gia nhằm giới thiệu tiềm năng đầu tư vào du lịch, đồng thời hợp tác, xúc tiến, quảng bá bốn quốc gia như một điểm đến duy nhất.

Hấp dẫn vì điểm đến đa dạng

Lượng khách quốc tế ngoài ASEAN đến du lịch ở bốn quốc gia đang có xu hướng tăng mạnh trong nhiều năm qua. Theo thống kê của Hiệp hội du lịch châu Á - Thái Bình Dương (PATA), dù chưa vào mùa cao điểm của du lịch quốc tế nhưng tăng trưởng của bốn quốc gia luôn ở mức hai con số.

Bà Bùi Viết Thủy Tiên, giám đốc Công ty du lịch Asian Trails chuyên phục vụ du khách châu Âu, cho biết so với cùng kỳ năm 2010 doanh thu công ty đã tăng 30%, lượng khách đã đặt chỗ cho các tour du lịch đến Việt Nam và nối tuyến sang Lào, Campuchia, Myanmar trong mùa cao điểm sắp tới (bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau) cũng tăng hơn hai con số so với năm ngoái. Các hãng lữ hành quốc tế lớn như Exotissimo, Destination Asia, Diethelm, Saigontourist... cũng cho biết lượng khách quốc tế đặt mua tour đến khu vực này tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Hoàng Hữu Lộc, phó giám đốc Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist, cho biết chỉ riêng điểm đến Việt Nam đã thu hút khách quốc tế vì sự đa dạng của phong cảnh, văn hóa, di sản, nghỉ biển..., nếu cộng thêm 3-4 ngày du lịch Lào, Campuchia, gói tour này rất dễ dàng bán cho du khách. Bà Thủy Tiên cho biết một tour Việt Nam - Lào - Campuchia thường kéo dài 14-15 ngày, trong đó ba ngày ở Lào, bảy ngày ở Việt Nam và bốn ngày ở Campuchia, kết hợp cả đường bộ và hàng không.

Nhu cầu di chuyển bằng đường sông Việt Nam sang Campuchia (Phnom Penh và Siem Reap) và ngược lại tăng rất nhanh. Hiện có chừng 10 công ty đầu tư tàu vận chuyển nhưng vẫn không đủ. Bà Võ Hải Thiên Hương, phụ trách kinh doanh Công ty TNHH Du Hành Xanh (Blue Cruiser), cho biết công ty vừa đầu tư đóng mới thêm ba tàu cao tốc, nâng tổng số tàu phục vụ du khách quốc tế chặng Châu Đốc - Phnom Penh của công ty lên 10 tàu. “So với năm 2010, lượng khách và doanh thu của công ty tăng gần 30%”, bà Hương cho hay.

Bà Thủy Tiên cho biết với các tàu Jayavarman, La Marguerite, Pandaw, Toum Tiou... có phòng nghỉ đêm, chạy ngược xuôi từ Châu Đốc sang Phnom Penh rồi thẳng lên Siem Reap trong tám ngày có giá trung bình 3.000 USD/khách nhưng rất khó đặt chỗ, vì những con tàu này đã được các hãng du lịch nước ngoài đặt chỗ nguyên chiếc (theo kiểu charter) cho cả mùa du lịch. Muốn đặt chỗ cho khách, bà Thủy Tiên buộc phải mua lại của các hãng này nhưng không nhanh tay là hết chỗ.

Đầu tư thêm cho tour đường bộ, hàng không


Theo các hãng lữ hành quốc tế, tour nối tuyến chào bán cho du khách thường là một quốc gia hoặc nối tuyến hai quốc gia ( Việt Nam - Campuchia hoặc Việt Nam - Lào), tour ba quốc gia trở lên cũng giới thiệu cho khách nhưng không nhiều khách mua.

Ông Hoàng Hữu Lộc cho biết thời gian thông thường để khách đi hai nước đã có ít nhất 9-11 đêm nghỉ tại khách sạn 4-5 sao, chưa kể thời gian di chuyển bằng máy bay. Nếu cộng thêm bốn đêm ở nước thứ ba và vé máy bay sẽ làm giá tour tăng lên cùng với thời gian kéo dài nên rất ít khách mua tour nối ba hay bốn quốc gia. “Cả năm cũng chỉ có 1-2 yêu cầu tổ chức tour ba quốc gia nhưng di chuyển nhiều, tour dài ngày nên cuối tour khách không thoải mái” - ông Lộc nói.

Các tour nối tuyến sang Campuchia nhiều và dễ bán hơn các tour nối từ Việt Nam sang Lào hay Myanmar vì ngoài đường bay hiện chỉ có Vietnam Airlines (VNA) khai thác, các loại hình di chuyển bằng đường bộ, đường thủy gần như không thể thực hiện được.

Ông Lộc kể trong một lần khảo sát tour đường bộ từ miền Trung sang Lào chỉ có đoạn từ Savannakhet đến Vientiane hơn 400km nhưng phải di chuyển từ sáng đến chiều. Bà Thủy Tiên cho biết năm ngoái công ty mở tour mới từ miền Trung sang Lào với điểm dừng Sầm Nưa (Lào), nơi từng là địa danh trong kháng chiến chống Pháp, nhưng cả năm chỉ có hơn 30 khách mua tour này vì di chuyển từ Thanh Hóa sang Lào khó khăn, mất nhiều thời gian.

Chính vì vậy, theo nhiều doanh nghiệp lữ hành, sắp tới để phát triển thêm các tour đường bộ kết nối với Lào, Myanmar, Campuchia..., hệ thống đường sá kết nối giữa các nước phải được đầu tư mạnh mẽ hơn nữa.

Với đường hàng không, theo Tổng cục du lịch VN, hiện có đến 55% lượng khách đến Siem Reap ( Campuchia) do VNA khai thác và VNA cũng mang một lượng khách khá lớn đến Myanmar sau khi hãng này mở đường bay trực tiếp đến Yangon.

Do đó, nếu xét ở góc độ này có thể khẳng định Việt Nam đang giữ vai trò là cửa ngõ của bốn quốc gia, đặc biệt năm 2011 hãng này đã có thêm năm máy bay mới, nâng tổng số máy bay khai thác lên 75 chiếc, hi vọng tần suất khai thác các đường bay nối liền bốn quốc gia sẽ tăng thêm để đáp ứng nhu cầu đi lại của du khách. 

Nguồn: tuoitre.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét