Thứ Năm, 25 tháng 10, 2012

Thổi giá phá pháo hoa


Thổi giá phá pháo hoa   


Thổi giá phá pháo hoa
Căn bệnh của du lịch nội địa khi nhu cầu đi lễ hội tăng cao thì ngay lập tức các dịch vụ đi kèm trỗi dậy tăng giá đang diễn ra gay gắt ở Đà Nẵng khi lễ hội pháo hoa 2012 chuẩn bị khai mạc vào ngày 28-29/4 sắp tới.
Sau bốn năm làm mưa làm gió của các khách sạn trong mùa pháo hoa, từ trước Tết Nhâm Thìn, các lữ hành đã lên tiếng cảnh báo hiện tượng các bạn hàng lâu năm liên kết với họ như khách sạn, xe vận chuyển, nhà hàng, nay “trở mặt” tăng giá 30-40% so với đỉnh điểm mùa du lịch nội địa.
Hiện tượng thổi giá càng lộ rõ bản chất khi Sở Văn hóa Thể thao và du lịch chính thức công bố bảng đen 22 khách sạn nâng giá phòng, không niêm yết giá dịch vụ với mức phạt 80 triệu đồng. Một số tiền quá nhỏ nhoi so với việc các khách sạn nâng giá phòng trót lọt 30% cho các công ty lữ hành, hoặc 60% cho khách lẻ vào giờ G.
 
Giá vé máy bay, ngày thường vé khứ hồi Hà Nội - Đà Nẵng, TP.HCM - Đà Nẵng khoảng 3,83 triệu đồng, dịp pháo hoa tăng lên 4,1-4,5 triệu đồng nhưng cũng chỉ có vào những giờ bay không thuận lợi cho khách.
 
Khách muốn bay giờ thuận tiện phải chi thêm từ 500-700 ngàn đồng/vé khứ hồi cho đại lý. Điều này chứng tỏ có tình trạng cố tình tuồn vé máy bay ra ngoài đại lý.
 
Tăng giá vô địch là xe du lịch. Đơn cử giá xe du lịch từ 45 chỗ, bình thường giá chỉ từ 2-2,5 triệu đồng/ngày nhưng đến dịp pháo hoa, con số này là 5 triệu đồng/xe nhưng vẫn không có xe phục vụ. 

Tuy vậy nhiều đơn vị lữ hành vẫn ngậm “bồ hòn” ôm phòng khách sạn, chấp nhận lời ít, nhưng giá tour vẫn đội giá vùn vụt khiến du khách có hiện tượng quay lưng với Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng.
 
Công ty Vitour chính thức công bố họ không bán hết 2.000 suất trong tổng số 3.000 suất của kế hoạch, giảm 60% so với mùa pháo hoa năm ngoái. Khi đơn vị này chào tour với các khách hàng lớn ở Hà Nội và TP.HCM, hầu hết các tập đoàn, công ty đều cho rằng giá tour quá cao so với các chuyến du lịch đi Thái Lan, Campuchia. 

Đến nay hiện tượng pháo hoa ế khách đã được xác định khi các nhà tour đang chào giá giảm đến 30% so với cách đây hai tháng. Càng sát thời điểm diễn ra lễ hội, giá tour càng giảm cũng do các khách sạn bị kiểm tra ráo riết, nhiều đơn vị lữ hành đồng loạt trả phòng bỏ khoản đặt cọc, làm cho khách sạn 2-3 sao tại ven biển và trung tâm thành phố ôm một lượng phòng tồn đọng quá lớn.
 
Ngược lại, 3.684 phòng khách sạn từ 3-5 sao và resort ven biển đến thời điểm này đã được đăng ký hết. Đó là câu trả lời xác đáng cho việc làm ăn chuyên nghiệp, đảm bảo chất lượng và giá cả. 

Sau bốn lần tổ chức thành công về chất lượng nghệ thuật lẫn an ninh trật tự, hiện tượng pháo hoa Đà Nẵng ế ẩm bất thường tiếp tục đặt ra vấn nạn “ăn xổi” của ngành dịch vụ.
 
Cạnh đó còn nguyên nhân khách quan tình hình kinh tế quá khó khăn nên các cơ quan, công ty hạn chế việc mua tour thưởng nhân viên, và mùa du lịch quốc tế cũng vừa kết thúc!
 
Tuy vậy, không đấu tranh ráo riết, thương hiệu pháo hoa gầy dựng trong mấy năm qua trở nên hoen ố với vấn nạn đến hẹn lại tăng giá, du khách khổ sở vì nạn hết phòng, hết xe thì một lễ hội dù hấp dẫn mấy cũng bị khách quay lưng!

Nguồn: Khải Ly

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét