Những chuyện ly kỳ bên gốc đa Thần Rùa ngàn tuổi
Từ đầu làng đã thấy cây đa. Gần hơn, tôi kinh ngạc với sự khổng lồ của cây đa cổ thụ. Cây đa có 9 rễ cái to và nhiều rễ phụ như những chiếc móng rùa vững chãi ôm vào lòng đất, cao 40m, vòng gốc phải hàng chục người ôm mới hết…
Mối liên hệ giữa cây đa Rùa và cụ Rùa hồ Gươm?
Ở miền núi Vân Hòa, chân núi Ba Vì (Hà Nội) này, người dân gọi là cây đa Thần Rùa nghìn tuổi. “Thần cây đa, ma cây gạo”, không chỉ có tuổi đời cao như vậy mà cây khổng lồ và đẹp nhất này còn nhiều chuyện ly kỳ được người dân kể lại với sự sợ hãi nhưng không kém phần tôn kính…
Năm trước, có một vị mạnh thường quân về công đức lát sân đình Thần Rùa bằng gạch Bát Tràng rồi làm tường rào bằng sắt bao xung quanh gốc cây đa Thần Rùa để bảo vệ cây.
Đó là việc làm mang ý nghĩa tốt. Tuy nghiên, xem chừng khi quây lưới sắt để bảo vệ cây, ngài… không chịu. Bằng chứng là dân làng cho biết, bao đời nay, dù gió bão thế nào, chưa có một cành cây to nào bị gãy, thế mà từ hồi làm xong hàng rào bằng đá và sắt thì có nhiều chuyện, tự nhiên chẳng gió máy gì thì có ba cành lớn tự nhiên đổ sập. Cành cây đổ xuống phá nát một đoạn hàng rào sắt.
Theo ông Đinh Luân, người trong Ban Quản lý đình Rùa cho biết thì cây đa Thần Rùa như có mối liên hệ với cụ Rùa ở hồ Hoàn Kiếm. Khi cây đa Thần Rùa bị gãy 3 cành được vài ngày thì chúng tôi ở đây nghe tin cụ Rùa ở Hà Nội cũng ốm!. Người dân thôn Rùa ở đây khi đó vừa lo lắng cho cây đa Thần Rùa bị mất 3 cành to lại vừa theo dõi việc chạy chữa cho cụ Rùa ở hồ Hoàn Kiếm. Thời gian đó “Giáo sư Rùa” Hà Đình Đức từ Hà Nội đến đền Rùa xin thuốc và linh khí về chữa cho cụ Rùa.
Khi làm bức tường rào bao quanh để bảo vệ cây, tất cả người dân thôn Rùa từ nam phụ lão ấu, kéo ra mỗi người một chân một tay, đi tìm đá cuội từ dưới suối lên xây vòng quanh gốc cây, bên trên thì thợ giăng lưới thép. Khi 3 cành to gãy đổ, phá một đoạn tường rào, người dân lại ra “hàn” lại. Cách nay 10 này, ông Đinh Luân cho biết, lại có một cành rất to, tự nhiên gãy lại phá tiếp một đoạn tường rào. Bây giờ người dân sợ không dám “hàn” lại vì nghĩ rằng, cụ không thích bị quây!
Gốc cây xù xì, có nhiều hang hốc. Có hai anh em ở xóm bên ra chơi, thấy có con rắn xanh bò ra, đứng từ xa ném chơi, tối về cả hai anh xem chân tay bị… chuột rút cứng đờ, phải ra xin ngài tha lỗi, mãi sau mới khỏi. Hôm Tết vừa rồi có con khỉ hoang từ trên cành cây đa nhảy xuống sân đình, anh T. đuổi con khỉ chơi thôi. Tối về bị rồ dại, đêm cứ ra cây khế nhà anh chắp tay “cây đa đẹp nhỉ, xin lỗi…”. Những hang hốc trên thân cây có nhiều tổ sáo, trẻ con không dám trèo lên bắt.
Thời gian trước rộ lên thông tin “chuyển Thủ đô hành chính lên Ba Vì”, làm cho đất cát ở khu vực này cứ… sôi lên. Ông Đinh Luân kể, ở ngoài kia có mảnh đất ngày hôm nay bán 300 triệu, hôm sau 400 triệu, hôm sau nữa 500 triệu; lại có mảnh đất một ngày bán 4-5 lần. Tuy vậy, ở trong này, quanh gốc đa dù có nhiều khách vào hỏi mua cũng không bán được.
Ông Đinh Văn Hữu, Trưởng thôn Rùa, nhà sát cạnh gốc đa cho biết, không phải ai ngài cũng cho ở gần gốc cây đâu. Tôi ở đây thấy bình thường nhưng có anh em của tôi đến chơi ngủ lại, nhưng sợ quá phải bỏ về.
Bị thần Rùa... phạt!?
Cách cây đa Thần Rùa không xa, có một cây đa nhỏ hơn, người ta gọi là cây đa xóm Đồi, hay cây đa Lục Lăng. Theo cụ Đinh Văn Đức thì cây đa Lục Lăng có tuổi chừng 300 năm, là cây con của cây đa Thần Rùa. Tuy ít tuổi hơn nhưng cây đa Lục Lăng có vòng gốc khổng lồ, không kém cây đa Thần Rùa là mấy.
Năm 2005, cây đa Lục Lăng tự nhiên bị gãy ngang thân. Ở xóm Nghe có anh Tư Vân chuyên nghề sơn tràng, đã mang cưa xẻ đến đốn thân cây bị ngã đổ. Thế rồi, không hiểu sao, sau hôm làm ấy, đêm về anh Tư Vân bị phát bệnh rồ dại, cứ luôn mồm nói “không phải tôi, không phải tôi!”. Người nhà đem hương đến thắp hương ở đình làng Rùa thì sự rồ dại của anh Tư Vân mới thuyên giảm.
Trước đó, anh Tư Vân có tiếng là khỏe mạnh, có một vợ và một con, làm ăn rất khá vì giỏi tính toán… Anh Tư Vân được gia đình đưa xuống bệnh viện tâm thần chỗ Thường Tín, vừa rồi, anh trốn khỏi bệnh viện, về nhà, ra cứ ôm gốc cây đa Lục Lăng. Vợ anh ra kéo về. Đến nửa đêm, anh lại mò ra, ngồi cả đêm dưới trời mưa rét. Hôm đó, anh Tuấn, nhà ở Hữu Bằng (Thạch Thất), bạn sơn tràng của anh Tư Vân điều xe tải lớn đến chở gỗ đa, khi gỗ được khuân hết lên xe tải, xe vừa chuyển bánh thì một cơn giông sầm sập đến, chiếc xe bị lật nhào xuống suối. Người chết. Gỗ trôi ra lòng suối, làm dầu máy tràn ra váng mặt nước. Dưới trời mưa tầm tã hôm đó, cả toán thợ hãi hùng… chạy mất dép.
Nói chuyện về sự linh thiêng của cây đa Thần Rùa, người dân quanh khu vực ai cũng kể lại sự kiện trên và cho rằng những người đó đã bị Thần Rùa trừng phạt, khi tự tiện đến chặt, chưa xin phép ngài. Cây đa Lục Lăng từ chỗ bị gãy nay mọc lên những thân cây non, cành lá phát triển sum suê xanh tốt mà không ai dám đi qua ban đêm.
Di tích lịch sử cách mạng
Cây đa đại thụ đã có tuổi ngàn năm, trải qua bao bước thăng trầm của lịch sử, vẫn vững chãi giữa trời đất, xanh tươi bốn mùa. Cụ Đinh Văn Đức cho biết: Từ thuở xa xưa, cha ông từ Mường Bi, Mường Vang (Hòa Bình) ra khai phá vùng chân núi Tản. Khi đó, rừng rú còn hoang vu, cha ông xưa lập nên nhiều làng bản nhỏ và đặt tên là làng Rùa, kỳ lạ là đã trùng với tên cụ Rùa hồ Hoàn Kiếm, tương truyền đã giúp vua Lê Lợi chiến thắng quân xâm lược. Cha ông đã biết tôn trọng các bậc tiền nhân lập nên đền thờ thần Rùa và ngôi đình thờ Đức Thánh Tản Viên - một trong“Tứ bất tử”, độ trì cho sự bền vững của dân tộc Việt Nam. Dưới thời vua Bảo Đại, Đình Rùa được vua ban sắc phong. Tháng 5-1949, làng Rùa diễn ra cuộc càn quét lớn, du kích và bộ đội đánh trả quyết liệt, hàng chục tên Pháp đã bỏ mạng tại đây. Chúng điên cuồng dội bom, cả làng cháy rừng rực trong mấy ngày, đình Rùa khi đó là cơ sở kháng chiến của cơ quan tỉnh Sơn Tây, Trung đoàn Ký Con, che giấu cho các tướng như Hoàng Sâm, Hoàng Văn Thái, Phùng Thế Tài… cũng bị cháy, chỉ còn sót lại hai bộ bia đá…. Nếu đúng như vậy thì nơi đây cần được cấp bằng di tích lịch sử cách mạng.
Vì dân làng Rùa còn nghèo, sau vụ cháy năm 1949, năm 1997, đình Rùa mới được khôi phục bằng “tranh tre nứa lá”, bao người góp công góp của, đến năm 2003 mới được như bây giờ. Ông Đinh Luân chỉ cho tôi biết, trong những hang hốc của gốc đa vẫn còn nhiều vết đạn pháo; trong gốc đa trước kia du kích vẫn giấu súng, đạn, mìn… còn người già thì khi qua đời, con cháu giấu bình vôi trong đó, khi cây lớn lên thì lấp vào bên trong. Bên trong đó, có cả những bình vôi cổ quý lắm và có thể có cả những quả đạn pháo chưa nổ…
Những câu chuyện ly kỳ về cây đa Thần Rùa người dân kể lại “5 hư 3 thực” thế nào thì chưa được kiểm chứng. Tuy vậy, đây là địa điểm linh thiêng, giàu ý nghĩa, như GS.TS. Nguyễn Trường Tiến, Chủ tịch Hội Cơ học đất Việt Nam nói: Cây đa và đình Thần Rùa là dấu tích con đường chinh phục đồng bằng của người Việt cổ, là biểu tượng cho sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam, là nơi Đức Thánh Tản Viên ngự trị, là cái nôi của văn minh lúa nước Việt Nam. Do vậy, cùng với thiên nhiên trong lành, mướt màu xanh dưới chân núi Tản, của vườn quốc gia Ba Vì, nơi đây có tiềm năng lớn là điểm du lịch sinh thái, tâm linh lý thú.
Nguồn: Phạm Hải Liên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét