Thứ Năm, 25 tháng 10, 2012

Hành trình chinh phục Himalaya của một người Việt trẻ (Kỳ 2)


Hành trình chinh phục Himalaya của một người Việt trẻ (Kỳ 2)   

Hành trình chinh phục Himalaya của một người Việt trẻ (Kỳ 2)
Hành trình này chúng tôi đã thực hiện từ cách đây tròn nửa năm. Nửa năm qua, chẳng quá ngắn cũng chẳng quá dài, đủ để quên những thứ cần quên, và không bao giờ đủ để xóa nhòa những ký ức cần nhớ.

Kì 2: Trên bầu trời Himalaya
 
Trước giờ bay
 
Hôm nay là ngày đầu tiên của chuyến trek dài 16 ngày. Mặc dù tối hôm trước còn ôm cái máy tính làm việc đến khuya, nhưng tôi chỉ chập chờn được có vài tiếng. Ngoài kia trời hãy còn mờ mờ tối, mọi thứ chìm trong tĩnh lặng êm ru. Còn sớm lắm trước giờ lên đường, nên cứ nằm im đấy, để mặc đầu óc trượt qua những dòng suy nghĩ không xác định, những cảm giác lẫn lộn. Phấn khích có, lo âu có, hụt hẫng có, rồi mường tượng ra cả những bất an.
 
 
Có lẽ đó là một khởi đầu không mấy suôn sẻ. Trước đó vài ngày tại Kathmandu, tôi bị sốt viêm họng. Người cứ ngây ngây, cổ họng đau rát. Mặc dù đã cấp tốc lấy của hai thành viên trong đoàn thuốc kháng sinh liều nặng uống cật lực và cũng bình phục khá nhanh, nhưng tôi biết mình không ở trong tình trạng sức khoẻ tốt nhất cho chuyến đi dài ngày này.
 
Cuối cùng tôi cũng nhấc người khỏi giường, dậy gói ghém nốt đồ đạc. Phần lớn đồ cho chuyến trek được nhét vào những chiếc túi rất to. Những chiếc túi này sẽ được porter cõng theo suốt dọc đường chúng tôi đi. Mỗi người bọn tôi chỉ tự mang balô của mình cùng những vật dụng tối đơn giản như nước, một ít bánh kẹo ăn dọc đường, máy ảnh, mũ nón và áo khoác. Thế mà lúc cân lên cũng tới 7kg. Riêng balo và laptop tôi mang theo đã 4kg, nước 1kg, những đồ linh tinh khác cũng xấp xỉ trên dưới 2kg.
 
Sau khi gửi gắm đồ đạc không dùng đến tại khách sạn, chúng tôi trèo lên xe ra sân bay khi đồng hồ chỉ 7h sáng.
 
Sân bay nội địa giống như một nhà ga cũ kỹ. Không hàng lối, không biển chỉ dẫn, tất cả cứ nhộn nhạo và rối tung lên. Hàng ngày có rất nhiều chuyến bay nội địa từ Kathmandu đi Lukla từ đủ các hãng: Tara Air, Yeti Air, Sita Air, Agni Air đến Nepal Airlines Corporation. Máy bay cánh quạt bé xíu, sản xuất chắc từ thời ơ kìa, không rađa, dò đường bằng mắt phi công, cứ đều đặn ngật ngưỡng lên xuống như xe bus vậy.
 
9h10 chúng tôi được dẫn ra đường băng để chuẩn bị lên máy bay. Trời hãy còn mờ mờ sương, xa xa những rặng núi phủ tuyết ẩn hiện, thế nhưng không còn tâm trí đâu mà ngắm cảnh rồi thơ mộng nữa. Tất cả sự tập trung giờ đây được dồn về cho chiếc máy bay bé tẹo đang chạy như lật đật về phía chúng tôi. Bình thường vốn đã là đứa sợ đi máy bay, giờ tưởng tượng ra cảnh sắp phải bay trên con chim sắt đang lả lướt và kêu ầm ỹ kia, tôi thấy lạnh sống lưng.
 

Đích đến của chuyến bay
 
Máy bay đỗ xịch trước mặt, khoang hành lý và khoang hành khách được mở ra, ngay lập tức tất cả balo túi đựng được bốc vào trong nháy mắt, khách bị lùa lên khoang tức thời. Chỉ đủ chỗ cho 17-18 người ngồi chen như cá hộp (kể cả phi công và tiếp viên) trên 1 chuyến bay, thế nên ngồi bên trong mà tưởng như đang đi trên xe bus loại nhỏ. Cô tiếp viên người Nepal xinh đẹp mỉm cười với những bộ mặt hồi hộp xen lẫn lo âu, chìa ra một cái rổ xinh xinh đựng bông bịt tai và kẹo để khách ăn cho đỡ chán.
 
Trên chuyến bay thuộc loại nguy hiểm nhất thế giới
 
Thế rồi cũng đến lúc chiếc máy bay rì rì cất cánh, bỏ lại thung lũng Kathmandu nhỏ dần phía sau. Sáng nay thời tiết khá đẹp, lặng gió, nắng chan hoà, nên ngoài tiếng động cơ đinh tai nhức óc thì máy bay không bị xóc lắm. Tôi ngồi hàng cuối cùng phía bên phải, nhìn xuống thấy núi đồi trùng điệp, thấy những con đường đất bé tí như sợi chỉ luồn lách qua những thửa ruộng bậc thang vàng ruộm đan xen nhau. Máy bay bay không cao lắm, thỉnh thoảng còn thấy rõ cả người và xe chạy qua chạy lại.
 

Trong khoang máy bay
 
Nếu ngồi ở phía bên trái, sẽ được ngắm trọn vẹn dãy Himalaya hùng vĩ trải dài hút tầm mắt. Những đỉnh núi ngạo nghễ bọc trong tuyết toát lên vẻ đẹp kiêu sa và mời gọi. Tôi cố căng mắt ngó qua tấm kính mờ đục phía bên kia với hy vọng nhìn thấy bóng dáng của Kanchenjunga. Thế nhưng ai cũng dí sát mặt vào tấm kính, như muốn thu trọn vẹn hình ảnh tuyệt đẹp của Himalaya vào trong tâm trí. Tôi chỉ thấy lờ mờ những mảng trắng xoá vươn cao gai góc, tuy chỉ thế thôi nhưng tôi đã thấy lòng trào lên một niềm xúc động kỳ lạ. Himalaya – đó là nơi chúng tôi sắp đến.
 

Nếu ngồi ở phía bên trái, sẽ được ngắm trọn vẹn dãy Himalaya hùng vĩ trải dài hút tầm mắt
 
Mùa cao điểm, hàng ngày có khoảng 20-25 chuyến bay nội địa đến Lukla, đa phần chở dân trek và leo núi. Mùa thu và mùa xuân (tháng 3-5) là những tháng cao điểm nhất, ước tính có khoảng xấp xỉ 400 người mới mỗi ngày. Những chuyến bay từ Kathmandu đi Lukla đa phần chỉ được thực hiện vào buổi sáng, thi thoảng vào đêm – những khoảng thời gian ít gió và mây mù nhất. Việc không có rađa khiến cho độ chính xác của đường bay phụ thuộc hoàn toàn vào mắt phi công, do vậy mây mù sẽ khiến chuyến bay rất nguy hiểm. Vào mùa mưa hoặc thời tiết xấu, có những tuần, thậm chí cả tháng không có chuyến bay nào đến được Lukla, đồng nghĩa với việc cũng không có chuyến nào từ Lukla bay về được Kathmandu. Không có đường bộ cho xe chạy nối giữa Kathmandu và Lukla, việc duy nhất có thể làm ở đây là trek khoảng 1 tuần về tới Jiri, từ đó bắt xe đò về Kathmandu.
 
Khoảnh khắc hồi hộp nhất đối với chúng tôi là khi máy bay hạ dần độ cao và chuẩn bị đáp xuống sân bay tại Lukla – sân bay được xếp vào hàng nguy hiểm nhất thế giới. Đường băng ngắn ngủn, đầu hạ cánh là vực, đầu kia là vách núi, đã có một số vụ tai nạn xảy ra ở đây với những kết cục thương tâm. Mới chỉ cách đây 3 năm đã có 1 vụ phi công bay quá thấp khi hạ cánh, bánh xe đáng lẽ phải chạm với mặt đường băng thì lại va vào vách vực ở ngay dưới đó. Kết quả là cả chiếc máy bay mất thăng bằng rồi rơi xuống, toàn bộ hành khách trong khoang thiệt mạng.
 
Tôi nghĩ rằng phi công trên những chuyến bay này, đều phải có một sự dũng cảm hiếm thấy.
 

Sân bay Tenzing – Hillary – sân bay thuộc vào loại nguy hiểm nhất thế giới
 
Chúng tôi không mất quá nhiều thời gian cho việc hạ cánh. Chiếc máy bay bé con chạy chừng trăm mét ở đường băng dốc lên như 1 lực cản tự nhiên rồi rẽ phải vào bãi đỗ, tiếng động cơ vẫn không ngừng rít lên. Rất nhanh, chúng tôi bị lùa xuống, hành lý được bốc ra gọn gàng. Ngay lập tức, một xe hành lý khác được bốc lên, một hàng khách đang xếp hàng được gọi lên, máy bay đóng lại và rì rì chạy ngược lại, bay về Kathmandu. Tất cả diễn ra chưa đầy 10 phút cho việc hạ cánh – cất cánh.
 

Tenzing – Hillary hai người đầu tiên chinh phục thành công Everest
 
Và đây, chào mừng đến với sân bay Tenzing – Hillary tại Lukla, sân bay được đặt theo tên của hai người đầu tiên chinh phục thành công Everest vào tháng 5 năm 1953: Sir Edmund Hillary và Tenzing Sherpa, những cái tên đã trở thành huyền thoại.

Nguồn: Rosy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét