Thứ Hai, 29 tháng 10, 2012

Vẻ đẹp thành phố du lịch nổi tiếng Đà Lạt


Vẻ đẹp thành phố du lịch nổi tiếng Đà Lạt   

Vẻ đẹp thành phố du lịch nổi tiếng Đà Lạt
Với nhiều cảnh quan đẹp, Đà Lạt là một trong những thành phố du lịch nổi tiếng nhất củaViệt Nam. Trong thời Pháp thuộc, tên tiếng Latin Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem có nghĩa là "cho những người này niềm vui, cho những người khác sự mát mẻ".
1. Tổng quan về Đà Lạt
Đà Lạt là một thành phố trực thuộc tỉnh và tỉnh lị tỉnh Lâm Đồng, nằm trên cao nguyên Lâm Viên, ở độ cao 1.500 m so với mặt nước biển và diện tích tự nhiên: 393,29 km². Đà Lạt được Thủ tướng chính phủ Việt Nam công nhận là đô thị loại 1 vào ngày 24 tháng 3 năm 2009. Đây là một trong 6 đô thị loại 1 thuộc tỉnh.
 
 
Vị trí
 
Thành phố Đà Lạt nằm trong cao nguyên Lang Biang, phía Bắc tỉnh Lâm Đồng, Về phía Bắc, Đà Lạt giáp với huyện Lạc Dương, về phía Đông và Đông Nam giáp với huyện Đơn Dương, về phía Tây và Tây Nam giáp với hai huyện Lâm Hà và Đức Trọng.
 
Hàng trăm năm trước đây, Đà Lạt là địa bàn cư trú của người Lạch, vốn là cư dân của toàn bộ cao nguyên Lang Biang. Đà Lạt có diện tích hơn 400 km², bao bọc bởi các đỉnh núi cao và dãy núi liên tiếp nhau.
 
 
Địa hình
 
Cao trung bình so với mặt biển là 1.500 m. Nơi cao nhất trong trung tâm thành phố là Nhà Bảo Tàng (1.532 m), nơi thấp nhất là thung lũng Nguyễn Tri Phương (1.398,2 m).Các cao nguyên ở Đà Lạt có sự phân tầng rõ rệt. Bên ngoài cao nguyên là các dốc núi từ hơn 1.700 m đột ngột đổ xuống các cao nguyên bên dưới có độ cao từ 700m đến 900m.
 
 
Khí hậu
 
Do ảnh hưởng của độ cao và rừng thông bao bọc, Đà Lạt mang nhiều đặc tính của miền ôn đới. với hai mùa trong một năm. Nhiệt độ trung bình 18–21°C. Đà Lạt không bao giờ có bão, chỉ có gió lớn do ảnh hưởng bão từ biển thổi vào vì sườn đông không có núi che chắn
 
2. Địa điểm du lịch tại Đà Lạt
 
Thung lũng Tình Yêu là điểm dừng chân đầu tiên của Quý khách khi đến thăm Đà Lạt, Thung lũng tình yêu  đẹp và cuốn hút bởi lũng sâu và đồi thông. Năm 1972, một đập ngăn nước được xây dựng vắt ngang qua thung lũng tạo thành hồ Đa Thiện, làm tăng thêm sức quyến rũ cho cảnh quan chung, đồng thời xuất hiện thêm hai tên gọi khác bên cạnh Thung lũng Tình Yêu là đập 3 và hồ Đa Thiện 3.
 
Du khách có thể men theo những lối mòn hoặc leo cả trăm bậc, đi qua những cổng hoa với màu sắc rực rỡ để lên đồi Vọng Cảnh. Từ đây, Thung lũng Tình Yêu hiện ra trong tầm mắt đẹp tựa một bức tranh sinh động. Men theo những con đường đất đỏ uốn lượn vòng vèo đưa khách lên đồi hoặc dẫn đến tận đỉnh núi Langbian thấp thoáng trong mây. Du khách cũng có thể vượt qua chiếc cầu nhỏ để khám phá đồi Địa Đàng, một địa điểm lý tưởng nhờ được bao quanh bởi hồ nước.
 
 
Hồ suối vàng Đankia:Rời trung tâm Đà Lạt theo hướng Bắc đi Lạc Dương, đến km 7 Tùng Lâm rẽ trái, du khách còn phải vượt qua đoạn đường dài khoảng 12km gập ghềnh uốn lượn giữa những đồi thông chập chùng trước khi đến được hồ Suối Vàng. Phong cảnh nơi đây vẫn hoang sơ và đầy thơ mộng
 
Hồ Tuyền Lâm:Hồ nằm cách Ðà Lạt 5km, gọn gàng giữa rừng thông mênh mông và dòng suối tía huyền thoại. Mùa khô ở vùng này kéo dài 6 tháng, không một hạt mưa, nhưng lòng hồ vẫn đầy ắp nước. Mặt hồ quanh năm xanh biếc, hiếm khi có sóng lớn. Rừng thông ba lá phủ kín những ngọn núi, quả đồi quanh đó, trải ngút ngàn tầm mắt. Tất cả cùng hòa quyện, vẽ nên bức tranh thiên nhiên yên tĩnh, thanh bình và thơ mộng lạ kỳ. Ai đến thăm Ðà Lạt cũng ghé Thiền viện Trúc Lâm để từ trên đỉnh núi Phượng Hoàng phóng tầm mắt về phía đông nam, chiêm ngưỡng thắng cảnh nổi tiếng được tạo bởi bàn tay con người này.
 
 
 
Hồ than thở: Hồ Than Thở nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 6km về phía đông, theo trục đường Quang Trung - Hồ Xuân Hương.Đến thăm nơi đây, du khách sẽ được nghe kể về những chuyện tình cảm động đã mượn nước hồ để giữ mãi mối tình chung thủy.

Từ lâu, tên hồ Than Thở đã trở nên nổi tiếng với 2 câu thơ:
 
“Đà Lạt có thác Cam Ly
Có hồ Than Thở người đi sao đành”
 
Hồ Than Thở nằm trên đồi cao giữa một rừng thông tĩnh mịch. Cảnh vật quanh hồ nên thơ, mặt nước hồ luôn phẳng lặng trầm ngâm. Con đường đất ven hồ như mất hút xa xa. Tại đây dường như chỉ còn nghe vi vút tiếng gió nhẹ, tiếng thông reo như thở than, như nức nở. Có một đôi cây thông yêu nhau rất lạ ở phía bắc của hồ tạo thành một đôi “tình nhân” thông quấn quýt bên nhau không rời và du khách có thể đến đó chụp hình lưu niệm. Đồi thông ở hồ Than Thở dường như cũng đẹp hơn các nơi khác vì thông thưa hơn, cao đều hơn nên khi ánh nắng mặt trời rọi xuống ngả bóng trên thảm cỏ rất đẹp. 

Xa xưa nữa, nơi đây gắn với câu chuyện tình của Hoàng Tùng và Mai Nương. Chuyện xảy ra vào thế kỷ 18, khi người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ dấy binh đánh đuổi bọn xâm lược nhà Thanh, trai tráng khắp nơi hưởng ứng, trong đó có Hoàng Tùng. Trước khi chia tay, hai người rủ nhau ra bên bờ than thở hẹn thề. Chàng hẹn đến mùa xuân - khi Mai anh đào nở sẽ đem tin thắng trận trở về. Ở nhà, Mai Nương được tin Hoàng Tùng tử trận nên nàng đã quyết định gieo mình bên dòng suối tự trầm. Nhưng trớ trêu thay, đến giữa mùa xuân Hoàng Tùng thắng trận trở về, chàng vô cùng đau buồn khi biết người yêu đã chết. Mấy năm sau triều đại Tây Sơn sụp đổ, Gia Long trả thù những người có công với triều Tây Sơn nên Hoàng Tùng đã tự vẫn bên hồ để được hạnh phúc với người yêu nơi chín suối. Từ đó hồ có tên là Than Thở cho đến ngày nay. 
 
Thác Cam Ly: Thác Cam Ly nằm trên dòng suối Cẩm Lệ, cách trung tâm thành phố Đà Lạt hơn 2km về phía tây.

Ngọn thác hùng vĩ gắn với quang cảnh của các đồi thông bao quanh đã tạo nên một thắng cảnh khó quên trong lòng du khách khi tới Đà Lạt.

Du khách đi dạo ven hồ Xuân Hương cũng nghe tiếng suối chảy róc rách. Một dòng suối đổ vào hồ ở phía bắc, một dòng khác từ hồ chảy ra ở phía nam luồn dưới một cây cầu, ở gần bến xe. Chân cầu là đập ngăn dòng suối lại để điều hoà mực nước hồ. Cả hai dòng suối đều mang tên Cam Ly. Dòng chảy ra lượn về phía tây, khi cách hồ 2km phải vượt qua một đoạn suối bị chặn ngang bởi những tảng đá hoa cương lớn, tạo thành thác Cam Ly đẹp nổi tiếng của Đà Lạt với độ cao khoảng 30m. Vào mùa mưa, nước từ thượng nguồn đổ về thác tạo thành sương trắng cả một vùng trông rất thơ mộng. Cũng chính vì vậy mà Cam Ly một thời đã từng đi vào thơ ca, nhạc hoạ…Hình ảnh của Cam Ly được giới thiệu trong tạp chí “Revue indochine” và kể cả một số báo chí của Pháp trước đây.
 
 
Theo truyền thuyết mà các già làng ở đây kể lại thì tên Cam Ly có nguồn gốc từ tiếng K’Ho. Khi dòng Cẩm Lệ chảy ngang qua một ngôi làng của một bộ tộc người Lạt, vị tù trưởng người K’ Ho của tộc Lạt đó có tên K’ Mly nên dân trong vùng lấy tên ông đặt cho dòng suối nước của họ để ghi nhớ công lao của chủ làng đã cai quản buôn làng tươi đẹp. Và lâu ngày người ta đọc thành Cam Ly. Bên cạnh đó, có một giả thiết cho rằng Cam Ly xuất phát từ gốc Hán- Việt (cam là ngọt và ly là thấm vào). Có nghĩa rằng Cam Ly là biểu tượng của một dòng suối có nước ngọt từng làm đắm say lòng khách lãng du.Thác Cam Ly trước đây còn gắn với một khu rừng thông bên cạnh, được mang tên “rừng ái ân” (boie d’ramour) nhưng ngày nay khu rừng ấy không còn nữa. Dòng thác thiếu nước về mùa khô nhưng mùa mưa nước chảy cuồn cuộn, từng khối nước khổng lồ đổ xuống dữ dội.
 
Hồ Xuân Hương: Hồ Xuân Hương nằm ở trung tâm thành phố Đà Lạt, đã được Bộ Văn hóa xếp hạng là một trong những thắng cảnh quốc gia.

Nguyên trước đây là một thung lũng đất đai phì nhiêu có dòng suối Lát chảy qua. Trong chương trình XD thành phố, người Pháp đã ngăn đập để chắn dòng suối Lát trở thành một hồ nhân tạo (đặt tên là Grand Lac), sau này vào năm 1956 được đổi tên là Xuân hương. Cái tên Xuân Hương của hồ không có gì gắn với nữ sỹ Hồ Xuân Hương nổi tiếng trong thi đàn của đất nước.

Theo nhân dân kể lại, việc đổi tên Grand Lac của thời Pháp thành Xuân Hương là theo một chủ trương của nhà cầm quyền lúc bấy giờ muốn Việt hoá các địa danh đã có từ thời Pháp.

Từ khi được mang tên Xuân Hương, một cái tên mỹ lệ duyên dáng, xứng đáng là tấm gương trong lành, trang điểm cho thành phố hoa lệ này.

Hồ Xuân Hương có chu vi gần 5km, nước hồ xanh biếc vào mùa khô và đỏ ngầu vào mùa mưa lũ. Hồ càng lộng lẫy vào những ngày tháng cuối năm , mặt hồ lăn tăn gợn sóng, hoa anh đào nở rộ khoác cho hồ một bộ áo rực hồng, làm cho hồ nổi nét kiệu sa diễm lệ

Hồ Xuân Hương dịu êm soi bóng khách sạn Palace, một công trình kiến trúc khá độc đáo, một di tích đáng ghi nhớ-nơi đã tiếp đoàn Đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hoà dự cuộc hội nghị với thực dân Pháp năm 1946, để chuẩn bị cho hiệp ước chính thức giữa chính phủ ta và nhà cầm quyền thực dân Pháp về Việt Nam.

Hồ Xuân Hương không chỉ là một thắng cảnh lộng lẫy, dịu dàng , chan chứa của tình yêu:
 


Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều
Để nghe dưới đáy nước hố reo
Để nghe tơ liễu rung trong gió
Và để xem trời giải nghĩa yêu


(Hàn Mặc Tử)
 
Chùa Linh Sơn:tọa lạc trên một ngọn đồi rộng 4 ha trên đường Nguyễn Văn Trổi, cách trung tâm Thành Phố Đà Lạt gần 1 km về hướng Tây-Bắc. Chùa được xây dựng từ năm 1936 - 1940 do công đức của bá tánh thập phương nhất là nỗ lực của hai ông Võ Đình Dung và Nguyễn Văn Tiến.

Con đường vào chùa rợp bóng hàng thông và cây sao cao vút – ngay trước sân chùa quý khách đã nhìn thấy tượng Quan Thế Âm đứng trên đài sen, bên trái chùa có ngôi bảo tháp cao ba tầng hình bát giác, còn bên phải chùa có những hòn giả sơn và bonsai tạo dáng thật đẹp. Nơi đây còn có một hồ nước nổi bật giữ đám cỏ xanh với những bông súng khoe sắc màu, những chú cá vàng bơi nhởn nhơ trông thật vui mắt.
 
Chùa có lối kiến trúc Á Đông, giản dị với hai mái xuôi, trên đỉnh mái có đắp đôi rồng uống lượn theo thế “ lưỡng long triều nhật”. Hai bên bật cấp dẫn vào chánh điện cũng có cặp rồng há miệng được chạm khắc công phu tượng trưng long thần hộ trì Phật pháp.

Bên trong chùa, điện Phật được bài trí trang nghiêm. Chánh điện thờ Đức Thích Ca Mâu Ni đang tham thiền nhập định trên toàn sen – tượng bằng đồng nặng 1.250kg được đúc vào năm 1952.
 
Thác Prenn: (nằm ở chân đèo Prenn, cách trung tâm Đà Lạt khoảng 10 km): khi bác sĩ Yersin mới khám phá ra Đà Lạt, buôn Prenn là một buôn dân tộc bản địa rất sầm uất với cả trăm nóc nhà sàn đông đúc nhưng theo thời gian, buân này không còn. Trong khuôn viên thác có cầu treo dân tộc, có hồ nuôi cá sấu, có mô hình đền Hùng làm theo phiên bản ở Phú thọ; tượng Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ. Prenn có một đặc sản là cháo cá lóc.
 
Ngoài những địa điểm trên, Đà Lạt còn nhiều nơi mà chúng ta có thể ghé thăm: Dinh thự Bảo Đại, lâu đài mạng nhện, thung lũng vàng...Mỗi vị khách khi đến đây du lịch và khi dời khỏi đây đều lắng lại trong lòng cảm giác bâng khuâng, thương nhớ về một thành phố mù sương nằm giữa cao nguyên này.
 

Nguồn: Sưu Tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét