Hàm Yên (Tuyên Quang) - bức tranh miền sơn cước
“Ngược đường lên phương Bắc, hay xuôi về phương Nam, nơi tình yêu ta gặp, dịu dàng giữa Hàm Yên...”. Không phải ngẫu nhiên mà câu hát lại mặn nồng đến thế, bởi trong hình dung của nhiều người chưa từng đặt chân tới, Hàm Yên đã như một thiên đường đầy hoa trái, phong cảnh hữu tình và tấm lòng hiếu khách
Có một Hàm Yên rất đẹp, nhưng cũng có một Hàm Yên đang dốc sức mình vươn lên mà không phải chỉ một lần đến là có thể cảm nhận được hết.
Nổi bật trong bức tranh du lịch Hàm Yên là những địa danh, nét văn hóa truyền thống các dân tộc: Đền Thác Cái, đền Bắc Mục, đình Thác Cấm (thị trấn Tân Yên) với dáng vẻ uy nghi; rừng Cham Chu, núi Cao Đường ở trên độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển có thảm thực vật nguyên sinh với các loại gỗ, động vật quý hiếm, những nét nguyên bản trong văn hóa dân tộc thiểu số; quần thể ao hồ với các dãy núi ở hồ Khởn... Các điểm du lịch này có vị trí địa lý rất lý tưởng, có thể nối các địa danh với nhau tạo thành mạng lưới, các tuyến du lịch hấp dẫn. Ngoài ra, lễ hội Lồng Tông, lễ hội Động Tiên - Chợ Quê, lễ hội Đình Thác Cấm, hội chọi trâu, các trò chơi dân gian... được tổ chức hàng năm mang đậm bản sắc của 12 dân tộc huyện Hàm Yên. Các nghề thủ công truyền thống tồn tại bao lâu nay như dệt thổ cẩm, thêu ren, đan lát..., hiện vẫn còn ở các xã Đức Ninh, Hùng Đức, Thái Sơn, Phù Lưu đã làm nên nét độc đáo cho Hàm Yên.
Đến Hàm Yên vào mùa thu hoạch cam, được nhìn thấy cam sành ngập tràn khắp trên đồi, trong sọt, trong nhà, ngoài sân, trên ô tô, dưới khoang thuyền... cam được chở đi khắp nơi. Nhiều du khách bảo rằng, cây cam là một món quà của tạo hóa đã ban tặng cho đất Hàm Yên. Điều ấy chẳng sai, bởi giống cam sành chỉ thích hợp với những vùng núi đá vôi, có khí hậu quanh năm mát mẻ. Người trồng cam ở Hàm Yên nói cam sành dễ trồng, có giá trị kinh tế cao. Từ cây cam sành, nhiều người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc đã thoát nghèo, có thu nhập vài chục triệu đồng, thậm chí vài trăm triệu đồng mỗi năm. Cam sành hiện đang được coi là cây mũi nhọn trong kinh tế nông nghiệp của huyện Hàm Yên. Những năm gần đây, diện tích cam trên địa bàn huyện đã không ngừng được mở rộng. Hiện toàn huyện hiện có xấp xỉ 2.500 ha cam sành, tập trung nhiều ở các xã Phù Lưu, Minh Khương, Yên Thuận, Yên Lâm... Sản lượng bình quân hàng năm trên 20 nghìn tấn. Hiện nay, huyện đang tiếp tục quy hoạch vùng chuyên canh cam gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước để nâng cao vị thế của cam sành Hàm Yên.
Đến Hàm Yên, du khách sẽ không quên được những sản phẩm đặc sản của địa phương như: Vịt Minh Hương, rượu Cham Chu, gạo nếp cái, cơm lam, thịt trâu khô, mắm cá ruộng, thắng cố, mèn mén... Tất cả được giới thiệu trong các ngày hội, bày bán trong các phiên chợ quê đậm đà bản sắc dân tộc của Hàm Yên.
Hiện nay, cùng với các địa phương khác trong tỉnh, Hàm Yên thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020. Trong đó, chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, mời gọi đầu tư, phát triển các ngành nghề truyền thống nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Hoàn thành quy hoạch các điểm du lịch Động Tiên, Hồ Khởn... quy hoạch các tuyến du lịch nội tỉnh, liên tỉnh. Đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên đủ về số lượng và chất lượng. Chú trọng phát triển các loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian dân tộc; khôi phục các lễ hội truyền thống; khuyến khích các cơ sở tiểu thủ công nghiệp sản xuất hàng hóa để tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, khai thác triệt để lợi thế về tiềm năng du lịch của địa phương. Thực hiện cơ chế chính sách khuyến khích mời gọi đầu tư phát triển du lịch, tạo điều kiện thuận lợi để cho mọi tổ chức, cá nhân, các tầng lớp nhân dân tham gia hoạt động du lịch... Tất cả điều đó đã, đang và sẽ làm cho bộ mặt của Hàm Yên đổi mới từng ngày. Đồng chí Bí thư Huyện ủy Hàm Yên Lê Tiến Thắng khẳng định: Mục tiêu của huyện phấn đấu đến năm 2015, giá trị ngành du lịch, dịch vụ đạt 520 tỷ đồng, thu hút trên 100 nghìn lượt khách du lịch. Huyện tập trung nâng cao chất lượng các lễ hội và các hoạt động văn hóa phục vụ cho du lịch.
Nguồn: Báo Tuyên Quang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét