Thứ Năm, 25 tháng 10, 2012

Điểm sáng về mô hình nông dân làm du lịch


Điểm sáng về mô hình nông dân làm du lịch  

Điểm sáng về mô hình nông dân làm du lịch
Tại An Giang vài năm trở lại đây, mô hình nông dân làm du lịch đã và đang mang lại nguồn thu nhập hấp dẫn, hứa hẹn tiềm năng, cải thiện đời sống cho nhiều hộ nông dân trong tỉnh…
Giai đoạn năm 2007-2009, để giúp nông dân Việt Nam có thêm việc làm, nâng cao thu nhập, Hội Nông dân Hà Lan (Agriterra) thông qua Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức triển khai Dự án du lịch nông nghiệp tại 3 tỉnh Lào Cai, Tiền Giang và An Giang với kinh phí tài trợ là 390.000 euro. 
Sau 3 năm thực hiện (kết thúc giai đoạn 1), An Giang được Hội Nông dân Hà Lan đánh giá là địa phương thực hiện hiệu quả nhất và quyết định tiếp tục đầu tư cho riêng Hội Nông dân tỉnh An Giang thông qua Dự án du lịch nông nghiệp giai đoạn 2 (2011-2014).
 
Đa phần số vốn được sử dụng để mở các lớp bồi dưỡng, đào tạo kĩ năng phục vụ khách du lịch cho nông dân sở tại, một phần dành hỗ trợ các hộ để đầu tư nâng cấp, xây dựng mới phòng ngủ, đặc biệt chú trọng cải tạo và xây dựng mới nhà vệ sinh, sửa chữa thuyền máy, trang bị áo phao, xe đạp đôi, cải tạo ao thả cá… phục vụ nhu cầu tham quan, ăn ở cho du khách. Hiện giai đoạn 2 đang đi được 1/6 chặng đường với kế hoạch mở rộng địa bàn du lịch và tăng thêm số hộ nông dân tham gia.
 
Theo thống kê cho thấy, qua các năm số lượng khách tham gia chương trình nông dân làm du lịch tại An Giang có sự tăng trưởng rõ rệt, năm 2008 đón khoảng 1.000 lượt du khách, năm 2009 là 2.000 lượt du khách, năm 2010 là 4.000 lượt du khách, năm 2011 là 7.000 lượt du khách và trong 3 tháng đầu năm 2012 đã có hơn 3.000 lượt du khách tham quan (trong đó 1/10 là khách quốc tế). Đồng thời, thu nhập của những hộ nông dân tham gia dự án cũng được cải thiện rõ rệt. Cụ thể nếu trước đây là 2 triệu đồng/hộ/tháng thì nay tăng lên đến 5-6 triệu đồng, thậm chí có hộ còn đạt 10-20 triệu đồng/hộ/tháng.
 
Được biết, khoản thu nhập tăng thêm này là từ các sản phẩm có sẵn tại vườn nhà như gà, vịt, cá, trái cây... Thay vì bán cho thương lái với giá rẻ, nay các hộ dân chế biến và phục vụ cho du khách với giá cao nhưng so ra vẫn rẻ hơn các nhà hàng.
 
Hiện tổng số hộ nông dân tham gia hưởng lợi trực tiếp từ dự án trên là gần 100 hộ, đó là chưa kể số hộ được hưởng lợi gián tiếp từ chương trình đào tạo, cùng tham gia các dịch vụ của dự án và bộ mặt nông thôn được thay đổi, phát triển của cộng đồng ở 15 xã trong quá trình dự án được triển khai.
 
Để góp phần thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động du lịch nông nghiệp của hội viên, vào tháng 2.2012, Trung tâm du lịch nông dân tỉnh An Giang được thành lập, có nhiệm vụ kết nối khách du lịch với nông dân, quảng bá du lịch nông nghiệp, đại diện cho nông dân về mặt pháp lý, tạo điều kiện cho nông dân hợp tác với nhau, đào tạo và hướng dẫn nông dân, quản lý chất lượng, quản lý việc xây dựng các kế hoạch du lịch nông nghiệp và khách du lịch giữa các hội viên nông dân để tránh cạnh tranh không lành mạnh.
 
Phương châm của trung tâm là tiếp đón khách du lịch như những người bạn phương xa, những người thân đến An Giang và cùng sinh hoạt chung với người dân, cùng tham gia các hoạt động sản xuất, nấu ăn, cùng đi thu hoạch những sản phẩm người nông dân đã làm ra...
 
Hiện tại, trung tâm đã hình thành các tuyến du lịch khá hấp dẫn như: đưa du khách tham quan khu lưu niệm Bác Tôn, chợ Nổi và làng bè Long Xuyên bằng thuyền du lịch; tổ chức chài lưới bắt cá, tắm bùn phù sa trên sông; tham quan vườn cây ăn trái và thưởng thức đặc sản; tham quan nhà cổ, dịch vụ ở tại nhà (homestay), tham quan rừng Trà Sư; dã ngoại Thất Sơn…/.

Nguồn: Báo Văn Hóa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét