Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

Những nét độc đáo trong nhạc cụ truyền thống của người Chăm


Những nét độc đáo trong nhạc cụ truyền thống của người Chăm   

Những nét độc đáo trong nhạc cụ truyền thống của người Chăm
Nhạc cụ là thành tố quan trọng để tạo nên phần hồn lễ hội Chăm. Nhạc cụ Chăm không chỉ là sản phẩm vật chất đơn thuần mà còn là phương tiện biểu diễn nghệ thuật mang lại biểu cảm thẩm mỹ trong đời sống tâm linh. Có thể nói lễ hội Chăm là nơi bảo tồn, lưu giữ nhạc cụ Chăm.
Âm nhạc truyền thống Chăm với những bài ca nghi lễ, những làn điệu dân ca, những bài hát ru... đã ăn sâu vào tâm hồn của mỗi người Chăm ngay từ tấm bé, đem lại một sức sống mãnh liệt cho các sinh hoạt của cộng đồng người Chăm.  
Nhạc cụ của tộc người Chăm nhằm phục vụ cho lễ hội. Mỗi nhạc cụ, hoặc nhóm nhạc cụ lại được gắn với từng lễ hội hoặc người hành lễ của một lễ hội cụ thể. Hệ thống nhạc cụ truyền thống của người Chăm rất đa dạng và phong phú, bao gồm bộ gõ hay còn gọi là họ màng rung, bộ hơi và bộ dây. Bộ gõ bao gồm các loại trống: ghì nằng, paranưng...; bộ hơi có kèn saranai, tù và ốc biển; và bộ dây có đàn ca nhi, nhị mu rùa... Nhạc cụ Chăm sử dụng trong lễ hội bao gồm: Đàn Kanhi, trống Ghinăng, Paranưng, kèn Saranai, Hagar (trống nhỏ), Chiêng, Asăng (tù và), Tăngek (nhạc gõ bằng 2 cây gỗ). Ngoài ra còn có Mã la do người Ra glai biểu diễn.
 
Trong số các loại nhạc cụ trên thì saranai, paranưng, ginăng, kanhi, hagăr, asăng và cheng được người Chăm xem như loại nhạc khí thiêng nên trước khi mang ra sử dụng đều phải làm lễ cúng, xin phép thần linh và được diễn tấu trong lễ nghi cúng tế, thỉnh mời và nghênh đón thần linh. Riêng ba bộ nhạc cụ gồm saranai, baranưng, ginăng tượng trưng cho bản thể con người (đầu, mình và tứ chi) được người Chăm xem như là nhạc cụ chỉ đạo.
 
Kèn saranai là nhạc cụ định âm duy nhất hiện hữu trong đời sống tín ngưỡng và sinh hoạt của người Chăm. Kèn gồm ba phần: thân, loa và chuôi kèn với bảy lỗ ở trên và một lỗ ở dưới. Theo quan niệm của người Chăm, bảy lỗ trên biểu thị thính giác, vị giác, thị giác và khứu giác. Lỗ bên dưới là đường thoát của hồn khi rời khỏi xác. Nghệ nhân Chăm ví cây kèn saranai là phần đầu của bộ ba nhạc cụ Chăm: Kèn saranai, trống ghinằng và trống paranưng. Kèn saranai có chức năng thổi phần giai điệu dựa theo tiết tấu trống ghinằng và còn có vai trò biểu diễn mở đầu cho mỗi một điệu thức mới hay chuyển tiếp từ điệu thức này sang điệu thức khác theo hiệu lệnh của thầy vỗ. Với âm thanh to, vang xa thích hợp để hoà tấu với trống ghinằng và paranưng nên kèn saranai là nhạc cụ không thể thiếu trong các dàn nhạc lễ của người Chăm.   
 

 
Trống paranưng là bộ phận để tăng hay giảm cường độ cao thấp, có 3 âm chính: tắc, tăm, tầm được người Chăm xem như một bộ phận của lồng ngực “lục phủ ngũ tạng” (aphik ala agôl). Thân trống làm bằng gỗ đục rỗng, mặt trống bằng da mang hay da dê và căng bằng hệ thống dây mây với 12 con nêm bằng gỗ. Trống paranưng vừa là nhạc cụ, vừa là vật tổ của Mưduôn, môn phái thờ Pô băl Gana, một chức sắc đảm nhiệm việc cúng tế, lễ hội tín ngưỡng dân gian cho cả Chăm Bàlamôn và Bàni. Khi sử dụng paranưng phải mặc lễ phục trong tư thế ngồi, đặt trống vào đùi, ôm sát vào ngực, vỗ hai tay vào trống. Với thủ pháp rung ngón và đôi khi dùng cả bàn tay trái bịt mặt trống tạo thành âm thanh ngắt, tay phải vỗ vào mặt trống với thủ pháp vỗ trọn bàn để tạo âm thanh trầm, đánh nửa bàn tay tạo âm thanh bổng... Tuỳ theo điệu nhạc mà nghệ nhân phối hợp các thủ pháp trên một cách thích hợp để tạo sắc thái âm điệu trầm bổng khác nhau.  
 

 
Trống ginăng có hình dạng tương tự như trống cơm của người Việt nhưng lớn hơn. Trống có tang trống làm bằng gỗ trắc hay bằng lăng khoét rỗng, một mặt bằng da nai, một mặt bằng da trâu. Thân trống bào láng cả trong lẫn ngoài hơi phình ở giữa, 2 mặt căng da. Mặt nhỏ căng da dê hay da mang, có 2 âm chính: tớ, tìn. Mặt lớn căng da trâu, có 2 âm chính: dit, gleng, đánh bằng dùi. Như một nguyên tắc bất di bất dịch, trống ghinằng bao giờ cũng đi một cặp, (họ quan niệm như âm với dương) và khi chơi được đặt chéo với nhau, một mặt tiếp đất, một mặt hướng lên trời. Nghệ nhân diễn tấu trong tư thế ngồi với trạng thái tĩnh, hai chiếc đặt chéo nghiêng áp sát nhau trên mặt đất, do nghệ nhân dân gian sử dụng. Trống ghinằng tham gia vào tất cả các lễ hội của người Chăm từ lễ hội thiêng cho đến hội vui. Trống ghinằng tham gia vào đệm cho những điệu múa truyền thống của người Chăm, tạo những tiết tấu rất sôi động, giúp cho không khí của buổi lễ thêm vui vẻ, rộn rã.
 
Theo quan niệm của người Chăm, 3 nhạc khí kèn saranai, trống baranưng và trống ginăng tượng trưng: trời, đất, con người nên luôn được diễn tấu với nhau, thể hiện sự hòa nhập “thiên, địa, nhân”.
 
Đàn kanhi giống với đàn rebab của người Ba Tư, Indonesia, Mã Lai và đàn nhị của người Việt. Đây là loại đàn kéo có hai trục, cán dài làm bằng tre già cứng và thẳng, bầu vang làm bằng mai rùa hay xác con sam biển. Đàn được cấu tạo gồm 5 âm, có thể chơi được những âm cao, diễn tả được những tình cảm êm ái, ngọt ngào... Nhạc đàn kanhi chỉ dùng để đệm giọng khi hát lễ. Bên cạnh đàn kanhi, người Chăm còn có hai cây đàn nữa cũng được gọi là kanhi. Khác hẳn với cây đàn nhị mu rùa, hai cây đàn này thường được sử dụng trong dàn nhạc tổng hợp Chăm cùng với nhạc cụ hơi, nhạc cụ trống vỗ và các nhạc cụ khác như mõ, lục lạc... để đệm cho toàn bộ các điệu hát, điệu múa, điệu nhảy của người Chăm trong sinh hoạt lễ hội cũng như trong sinh hoạt nghệ thuật.  
 

 
Trống (hagăr): Thân trống bằng gỗ đục rỗng ruột, bào láng cả trong lẫn ngoài, 2 mặt bằng nhau, căng da dê. Vòng căng da trống bằng hệ thống chốt tre đóng vào thân trống, dùng vải quấn vào đầu dùi đánh, sử dụng với bộ chiêng trong đám tang 4 thầy Pasêh của người Chăm Bàlamôn.
 
Tù và (asăng): Chế tác bằng vỏ ốc giác, cắt bỏ phần đuôi, dùng sáp gắn chuôi đồng để làm ống thổi. Theo truyền thuyết, đây là vật linh mà đấng Pô Dêbitathuôr dùng để sáng tạo vũ trụ và mọi sinh vật trên trần gian (Dunga). Trong tôn giáo Bàlamôn, asăng cũng là vật linh của Pô Adhia được sử dụng trong đám tang của đẳng cấp quý tộc, tượng trưng, tái tạo sự sống ở cõi vĩnh hằng (Thuôrga) và lễ tẩy uế đất đai, tượng trưng sự tái tạo vũ trụ và mọi sinh vật trong 6 ngày.
  
Chiêng (cheng): Chế tác bằng đồng, có 2 loại: chiêng bằng và chiêng có núm, sử dụng cùng với trống cơm trong đám tang. Chiêng núm sử dụng 1 cái cùng với bộ ba (saranai, baranưngm ginăng) trong các lễ múa (Rija Nưgar, Rija Prong…).  
 

 
Ngoài ra, người Chăm còn có các loại nhạc cụ khác như: sáo (talăk), đàn sáo (rabăp), đàn bầu (chapi) để cho các nghệ nhân tiêu khiển, giải khuây và tâm tình qua tiếng nhạc.
 
Nhạc cụ truyền thống là biểu hiện tập trung những thành tựu âm nhạc đã được kết tinh trong suốt chiều dài phát triển của lịch sử cộng đồng người Chăm và được người Chăm coi là nhạc khí thiêng. Chúng không những có giá trị về mặt thẩm mỹ mà còn có giá trị về mặt âm nhạc. Hệ thống nhạc cụ của người Chăm đã góp một phần không nhỏ tạo nên nét văn hóa độc đáo cho nền âm nhạc của người Chăm, cũng như hệ thống âm nhạc cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Nguồn: Báo Thái Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét