Thứ Ba, 2 tháng 10, 2012

Văn hóa nghệ thuật Nhật Bản

Văn hóa nghệ thuật Nhật Bản


Nhật Bản là một quốc gia nằm ở Bắc Á, có tính đồng nhất về sắc dân và văn hóa. Đặc biệt, văn hóa dân tộc Nhật Bản có nhiều nét tương đồng với văn hóa Việt Nam. Nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc trưng tiêu biểu của Nhật Bản đã, đang và sẽ tiếp tục được Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Hội Hữu nghị Việt - Nhật giới thiệu đến công chúng Việt Nam trong những ngày tháng 9 năm nay.
Nghệ thuật sân khấu truyền thống
 Hatsumode ở Nhật Bản. Nguồn: Vietnamnet
Nghệ thuật sân khấu truyền thống Nhật Bản nổi bật nhất là kịch Nô, kịch Kabuki và múa rối Bunraku. Đây là 2 thể loại sân khấu đặc biệt, được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu nhân loại”. Kịch Nô có từ thế kỷ 14, là gốc của nhiều loại hình nghệ thuật đại chúng, dân gian và cung đình. Kịch Nô là một “mẫu” cho nền mỹ học truyền thống của Nhật Bản. Những vở nổi tiếng như: Phu nhân Aoi, Chiếc trống đỏ tươi, Áo khoác lông chim, Vương miện, Gió rừng thông... Các vở kịch Kabuki nổi tiếng đã có từ 4 thế kỷ nay: Kho báu của trung thần, Yoshitshune và ngàn cây hoa anh đào, Suganara và những bút tích truyền lại...
Ngoài ra sân khấu Nhật Bản còn có các loại hình như Rakugo - tấu hài, Bunraku - rối truyền thống Nhật Bản, Butoh - một thể loại múa cổ, Benshi - phim câm kể chuyện truyền thống...
Nói tới nước Nhật là nghĩ ngay tới truyền thống Samurai, tinh thần võ sĩ đạo trở thành văn hóa đặc trưng của người Nhật. Trà đạo, một nét tinh hoa văn hóa cốt cách người Nhật Bản, thể hiện qua những kiểu pha trà, uống trà... mang đến nhiều triết lý cuộc sống mà ngày nay ảnh hưởng không ít đến các nền văn hóa khác trên thế giới. Nghệ thuật xếp giấy Origami, từ những mảnh giấy nhỏ xếp thành vạn vật, làm say mê không chỉ người Nhật Bản mà đã trở thành niềm say mê của rất nhiều người trên thế giới. Nghệ thuật cắm hoa Ikêbana, với ý nghĩa thiên - địa - nhân, tạo ra muôn vàn kiểu dáng trình bày hoa thành những tác phẩm nghệ thuật bằng hoa, lá tuyệt mỹ. Đặc biệt là nghệ thuật Bonsai, uốn cây cổ thụ theo nhiều hình thể với một diện tích “siêu” nhỏ... Nghệ thuật Bonsai cũng trở nên thịnh hành trên thế giới, phát triển ở nhiều nước châu Á.
Các lễ hội trong năm
Các lễ hội ở Nhật Bản cũng mang những nét độc đáo. Mặc dầu là nền kinh tế đứng thứ hai trên thế giới, nhưng những lễ hội truyền thống hằng năm của Nhật Bản vẫn còn như nguyên vẹn. Mỗi mùa đều có những lễ hội khác nhau, mang đậm bản sắc văn hóa và tín ngưỡng của mỗi vùng.
Hatsumode là đến đền chùa để cầu nguyện cho sức khỏe, cũng như mong ước những điều may mắn sẽ đến trong năm mới. Bạn có thể rút quẻ để nghiệm thử xem năm nay vận may, sức khỏe, tiền tài, tình yêu... của mình ra sao. Tuy nhiên, nhiều người Nhật cho rằng họ đến đền chùa theo tập tục và truyền thống, hơn là lý do tín ngưỡng. Thường ai cũng ném một đồng xu vào trong một cái thùng đặt giữa cửa của ngôi đền chính tên là Saisenbako, vỗ tay và thầm cầu ước.
Ngày 3 tháng 2 hằng năm là lễ setsubun, nghĩa là ngày kết thúc mùa đông lạnh giá (tính theo lịch âm). Người Nhật thường mua đậu tương rang và vãi quanh nhà để xua đuổi ma quỷ.
Hanami - Lễ hội ngắm hoa Anh đào, từ tháng 3-5 hằng năm, mùa hoa anh đào nở. Đây là một lễ hội truyền thống của xứ sở mặt trời mọc khi mùa hoa anh đào đến.
Kodomo no hi - Lễ hội trẻ con, vào tháng 5 âm lịch, ngày hội của tất cả những đứa trẻ, tương lai sự trường tồn, vững mạnh của nước Nhật.
Trước khi mùa hè bắt đầu, những lễ hội được tổ chức ven sông được gọi là kawabiraki và thường bắn pháo hoa hanabi-taikai. Người Nhật thường mặc áo kimono mùa hè “yukata” khi tham gia lễ hội. Ngày 7/7 hằng năm có lễ hội Tanabata - Lễ hội ngắm sao hay lễ hội vợ chồng chàng Ngâu. Trẻ em Nhật tin rằng những điều ước của mình sẽ trở thành hiện thực nếu viết những lời ước trên những tờ giấy sặc sỡ “tanzaku” và treo lên những cành tre trong dịp này. Obon - Lễ Phật, ngày 13-16/8, với người Nhật Bản, đạo Phật có ý nghĩa rất quan trọng, lễ Phật cầu nguyện cho bình yên, an lạc trong cuộc sống. Ngoài ra Nhật Bản còn có lễ hội gọi là Tuần lễ vàng, vào cuối tháng 4, đầu tháng 5, đây là tuần lễ có ngày sinh nhật của mấy triều Nhật hoàng, là ngày Hiến pháp Nhật Bản được ban hành... là tuần lễ cầu cho quốc thái dân an...
Nhật Bản là quốc gia có sự phát triển nhanh chóng, từ một nước nghèo những năm sau Chiến tranh thế giới thứ 2, trong vòng chưa tới 30 năm, Nhật Bản đã trở thành một cường quốc về kinh tế, khoa học kỹ thuật. Những thay đổi cuộc sống do dự giàu có mang lại vẫn không làm những nét văn hóa truyền thống của Nhật Bản bị mất đi, mà ngược lại còn được trân trọng lưu giữ, bảo tồn, phát triển như báu vật thời gian, di sản nhân loại.
Trong 35 năm qua, kể từ ngày hai nước Việt - Nhật thiết lập quan hệ ngoại giao, việc trao đổi văn hóa giữa hai nước ngày càng phát triển. Hàng chục đoàn văn hóa nghệ thuật Việt Nam đã sang biểu diễn, nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệm ở Nhật Bản, góp phần làm cho hai nước hiểu nhau và gần gũi nhau hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét