Thứ Năm, 25 tháng 10, 2012

Vó ngựa trên vựa rau Đơn Dương


Vó ngựa trên vựa rau Đơn Dương   


Vó ngựa trên vựa rau Đơn Dương
Tại Đà Lạt, thành phố du lịch thơ mộng thì hình ảnh những con tuấn mã được chải chuốt, đeo hoa vào cổ, được chăm bẵm, nâng niu rải rước trên dốc hoa, thả mình bên hồ Xuân Hương có lẽ không lạ với du khách. Thế nhưng cách đó không xa, tại huyện Đơn Dương, khi những tuấn mã này "thuyên chuyển công tác” về thì...
Con Hồng Mã của anh Trần Văn Lực đang gồng mình kéo xe trong mưa trên con đường hẹp
 
Gập ghềnh vó ngựa
 
Đơn Dương là vựa rau lớn của cả nước. Đơn Dương có hơn 5.500ha đất nông nghiệp, chủ yếu là trồng rau. Trước đây người dân chủ yếu trồng dâu tằm. Khoảng vào những năm 1993, khi dâu tằm không còn chỗ đứng, người dân quay sang trồng rau. Tuy nhiên sự khởi đầu cho mặt hàng nông nghiệp mới này vướng phải một cản trở lớn nhất là phương tiện vận chuyển trên đường hẹp, mặt địa chất kém. Nếu gặp phải trời mưa thì không phương tiện nào có thể ra vào được. Anh Tân - một nông dân ở đây cho biết: "Xe có vào chở hàng ra thì sức người nhiều hơn sức máy, bánh cứ quay tít rồi nằm ì ở đấy, vất vả lắm, chỉ có ngựa mới giúp được chúng tôi chuyển hàng”. Ngựa là loài vật thông minh, khéo léo, trung thành, chịu đựng giỏi nên nông dân ở đây đã lên Đà Lạt tìm các giống ngựa lai khỏe mạnh về. Ngựa là cứu cánh duy nhất để giải phóng hàng hóa và sức lao động cho người nông dân trên những cánh đồng rau. Ngựa có tính "cơ động chiến đấu” khi xông thẳng vào những ruộng rau đường hẹp, trơn trượt. Những con ngựa trên thiên đường du lịch đã trở thành những chiến mã thật sự, chồm đôi chân trước bám chặt vào bờ dốc lao lên khỏi ruộng. Tuy nhiên ngày ngựa về với Đơn Dương cũng lắm gian nan. Có một giai đoạn cảnh sát giao thông nơi đây đã truy quét xe ngựa vì thuộc phương tiện cồng kềnh, gây nguy hiểm. Thời gian ấy ngựa cay đắng chỉ biết gặm cỏ nhìn chủ buồn bã, những chiếc xe nằm im trong khu vực giam giữ, xà ích chẳng có việc gì làm ngoài cà phê tán gẫu hay đăm chiêu vò tóc kiếm việc mưu sinh. Nhưng vì ngựa là "phương tiện không thể thay thế để chuyên chở rau” nên người nông dân đã đấu tranh cho xe ngựa, bởi thiếu xe ngựa nghĩa là hàng hóa ứ đọng. Kể từ đó vó ngựa lại được sải đều.
 
Anh Quyết, xà ích chở rau cho biết "Ngựa không chỉ là con vật đáng yêu mà còn là động lực giúp kinh tế Đơn Dương vươn lên”. Quả thật, trong lúc rộ mùa rau, thuê người gánh rau rất khó, công lại cao, mà không thể chuyển nhanh và nhiều để kịp chuyển hàng hóa đi khắp nơi trên cả nước. Rau không được tiêu thụ hoặc không kịp tiêu thụ thì nền kinh tế nông nghiệp sẽ bị tê liệt. Có người từ Khánh Hòa, Nghệ An, Hưng Yên… cũng vào đây gắn bó với đời xà ích. Những chú ngựa từ chỗ "thất sủng” ở Đà Lạt thành con vật được yêu quý ở Đơn Dương. Những cỗ xe ấy ngày ngày lại phăm phăm trên đường hẹp, lối ngập, ngõ trơn kéo hàng tạ hàng. Nắng cũng như mưa, rau Đơn Dương về với thị trường trên những lưng ngựa kham khổ, thăng trầm.
 
 
Cực nhọc đời xà ích
 
Một vựa rau lớn như vậy, thân ngựa đã kham trên mình những giá trị kinh tế lớn như thế nhưng có lẽ chỉ có người gắn bó với nghề, với ngựa mới thấm thía cái mồ hôi, nhiều lúc là máu. Mấy ai hay những cú lật xe lộn nhào cả rau lẫn ngựa trên đường gập ghềnh, những lần thủng săm xe giữa đồng, cảnh ngựa vấp đá văng mất móng sắt, rồi ngựa sa lầy, hay lúc ngựa không kéo nổi rau lên bờ ruộng. "Một chuyến chở rau ngày xưa tiền chẳng đáng bao, bây giờ lên 40 nghìn cho mỗi một km, xa hơn tí thì khoảng 100 ngàn” - anh Trần Văn Lực, 44 tuổi, một xà ích gắn bó với nghề trên 15 năm tâm sự. Con Hồng Mã đang phục vụ anh là con ngựa đời thứ 4 đã có quá trình mà như anh nói là "thuyên chuyển công tác về với mình được hơn 6 năm”. Mỗi một con ngựa khi thay thế phải được xem xét rất kĩ, nếu không kỹ càng gặp phải con trở chứng thì quả là tai họa. Giá mỗi con ngựa là 40 triệu, một cỗ xe là 7 triệu, không chỉ phục vụ tại Đơn Dương lắm lúc ngựa phải "chạy sô”. "Đường xa mới biết ngựa hay”, ngựa gồng mình, gấp gáp bước chân về tận Đức Trọng, nếu mưa gió hoặc quá khuya không kịp về thì các xà ích đành ở tạm trong lều hay xin ở lại nhà dân. Trong những mùa rau giáp Tết giá lạnh, cỏ kham hiếm, mía không có, ngựa quần quật cùng người cả đêm. Anh Lực cho hay: "Lắm lúc trông ngựa mình rớm nước mắt, thân mình cực chẳng đã, thân ngựa khổ trăm bề”. Ngựa không chỉ là tài sản mà còn là một người bạn tri kỉ trên những dặm hành trình mưu sinh. Là xà ích mang "máu nghệ sĩ”, anh Qúy tâm sự: "Nhiều khi thấy mình giống như ngựa, ngựa người, người ngựa không biết phân biệt chỗ nào”. Cuộc đời xà ích thật gian nan, trong 10 người thì 9 người mắc bệnh cột sống, người thì thoái hóa, người bị gai cột sống, nhẹ thì cũng giãn dây chằng. Biết sao được khi đó là tình yêu nghề, là tình yêu dành cho ngựa. Nhiều người ví cuộc đời họ như những kẻ giang hồ trong tiểu thuyết, dẫu có lúc một mình chuyển hàng trăm cân hàng hóa chất lên xe, người cùng ngựa ướt sũng lặn lội dưới cơn mưa rừng tầm tã. "Cái kiếp xà ích thật thú vị, ngồi lắc lư, lặng lẽ chiêm nghiệm cuộc đời, cảm nhận những vị khác nhau, đói, khổ, lạnh… chẳng có gì phải buồn cậu ạ” - anh Lực nói. Đã bao năm trôi qua, nền kinh tế Đơn Dương mỗi lúc một phát triển mạnh mẽ, những ruộng rau tràn ngập màu xanh, tuy nhiên, những thân xà ích cứ gầy gò, bệnh tật, sạm đen lại vì những hành trình dài trong mọi điều kiện thời tiết. Thân ngựa cứ lặng lẽ kham trên mình nặng nhọc, vó ngựa tuy chẳng gập ghềnh nhưng lắm gian nan.

Nguồn: Kim Hoàn
g

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét